Mơ ước trẻ thơ

Trường Sơn (dịch)
22/01/2020 - 11:24
Mơ ước trẻ thơ
Qua mùng tám, tháng Chạp, những người đi làm ăn xa lác đác lên tàu xe về quê ăn Tết. Vào thời điểm này, nỗi nhớ người thân của những người ở nhà tăng lên từng ngày, từng giờ, bầu không khí trầm lắng buồn tẻ trong năm ở làng xã sôi động trở lại, tiếng cười nói sinh động hẳn lên...
Mơ ước trẻ thơ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Không biết bắt đầu từ ngày nào, bọn trẻ lớn tuổi trong làng sau giờ tan học như đàn chim sổ lồng hò hét chạy lên đồi Sư Tử ở đầu làng.

Đồi Sư Tử có địa thế cao nhất vùng này, đứng trên đỉnh đồi phóng mắt nhìn mọi hoạt động trong thung lũng hiện rõ mồn một.

Chạy lên trên đồi trời còn sáng, chúng vứt cặp sách xuống đất nô đùa với nhau. Chơi chán, chơi mệt rồi, chúng ra phiến đá Ngọa Ngưu, người đứng kẻ ngồi nhìn chằm chằm về cuối con đường dẫn ra thung lũng.

"Chị ơi, chúng mình hôm nay có đón được bố mẹ không?" - bé trai nhỏ nhất níu gấu áo cô bé xõa tóc trên vai hỏi. "Em ngoan không chạy lung tung sẽ đón được bố mẹ", đôi mắt huyền của cô bé tràn đầy niềm tin.

Trong lúc đó, đám trẻ im thin thít, chỉ sợ tiếng động làm cho nỗi nhớ nhung trong lòng lay động. Trời nổi gió, lùm cây trao đảo. Gương mặt các em đỏ au vì gió lạnh, đứa lấy tay xoa mặt lạnh cóng, đứa hà hơi lên đôi tay cho ấm nhưng không ai có ý định bỏ về.

"Đằng sau dãy núi xa nhất là thành phố nào?". Có em lên tiếng phá vỡ sự im lặng kéo dài. "Chắc là Quảng Châu?", bé trai đầu húi cua nói, "Bố em làm thuê ở Quảng Châu, năm ngoái vào giờ này từ phía ấy đi về làng".

"Không đúng, là Ôn Châu!", cô bé để tóc ngang vai nói. "Bố mẹ em làm thuê ở Ôn Châu, lần nào về làng cũng đi con đường ấy".

"Là Quảng Châu!". "Là Ôn Châu!". Chúng tranh cãi inh ỏi.

"Chúng mày nói sai bét, là Trịnh Châu!", bé trai đội mũ đỏ kêu lên, "Bố em làm thuê ở Trịnh Châu từng nói với em leo qua ngọn núi ấy là đến Trịnh Châu". Bọn trẻ tranh cãi gay gắt, không ai chịu ai vì chưa ai qua đấy.

"Nhạn ơi, mẹ mày về cho mày quà gì?", cô bé để tóc ngang vai quay sang cô bé mặc áo đỏ hỏi. "Em thích cặp sách có hình búp bê, mẹ hứa sẽ mua cho em trong điện thoại", cô bé tên Nhạn tự hào nói.

"Bố tớ hứa mua cho tớ chiếc xe đạp điện, sang năm lên huyện lỵ học không phải đi bộ!", bé trai béo gương mặt bầu bĩnh đỏ au nói.

Đám trẻ tranh nhau kể ước vọng của mình trong năm mới, mặc cho từng cơn gió lạnh cắt da cắt thịt tạt vào mặt. "Nhi ơi, em thích mẹ mua cho em cái gì?", cô bé để tóc ngang vai kéo đứa bé đứng cạnh vào lòng ủ ấm cho nó hỏi.

"Em chả thích gì cả! Em không nhớ mẹ em (mặt mũi) như thế nào. Em chỉ mong mẹ về rồi không đi nữa", giọng bé trong trẻo, ngây thơ nhưng nói lên nỗi khao khát tình mẹ con của tất cả các bạn đứng trên đồi Sư Tử. Có bạn lấy tay gạt nước mắt.

Màn đêm kéo xuống trùm bóng đen lên đồi Sư Tử. Các em lặng lẽ đeo cặp sách đi về. Nhiều em lưu luyến nhìn con đường nối với thế giới bên ngoài những mong xuất hiện một bóng người thân quen.

Thiều quang trôi đi nửa tháng trong nỗi mong da diết của trẻ làng. Lác đác có tiếng phao nổ báo hiệu tết ngày một đến gần và khơi dậy đốm lửa mong mỏi của đám trẻ thành một ngọn lửa thiêu đốt tâm can. Chúng cảm thấy sự chờ mong khó chịu này dài hơn cả một mùa đông.

Chạng vạng tối, đám trẻ từ đồi Sư Tử buồn bã trở về làng, đàn chó to nhỏ hân hoan vẫy đuôi chạy quanh chủ nhỏ. "Cút đi!", một đứa trẻ hét lên, đàn chó sợ hãi lảng đi, con lánh không kịp bị đá đau kêu ăng ẳng chạy biến. Các ông, các bà tựa cửa trông ngóng con cháu về tết nhìn thấy cảnh ấy thở dài não nề.

Bỗng nhiên, như một phép màu, đàn chó vừa sủa vừa chạy ra phía đầu làng, các ông các bà mừng rỡ hô hoán: người, có người về kìa. Quả nhiên, tiếng cười tiếng nói phá vỡ sự yên ắng của xóm trại mỗi lúc một to theo bước chân của họ. Các em reo hò chạy đi đón chào bố mẹ.

Các nhà sáng đèn đến tận đêm khuya. Mùi thơm thức ăn bữa cơm tất nhiên lan toả các gian phòng ấm cúng, tiếng pháo nổ ran báo hiệu tết đã đến với xóm làng tuy hơi muộn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm