Mỗi con chữ, một niềm vui

11/04/2022 20:06
Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Niềm vui lấp lánh hiện lên trong ánh mắt của Lù Thị Sua, người Mông ở xã Nậm Có (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), trong ngày tốt nghiệp lớp xóa mù chữ của huyện. Bởi giờ đây, Sua không chỉ biết viết tên mình mà còn có thể đọc sách báo, biết ký tên khi thực hiện các thủ tục hành chính, điều mà trước đây cô không làm được, phải điểm chỉ.

Tự tin hơn trong giao tiếp

"Khi lớp xóa mù chữ được mở tại xã, tôi đã đăng ký học. Tham gia lớp học, tôi được học đọc, viết, cách thực hiện những phép tính đơn giản. Được học chữ, tôi tự tin hơn trong giao tiếp. Không chỉ giao tiếp bằng tiếng dân tộc mình, tôi còn biết nói tiếng phổ thông. Việc trao đổi, mua bán hàng hóa cũng thuận tiện hơn", Lù Thị Sua cho biết.

Được khen thưởng vì học tập tốt, chị Chang Thị Chư (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) vui lắm. Chị chia sẻ, khi chưa biết chữ, tham gia các lớp tập huấn về sản xuất, làm kinh tế, chị và nhiều chị em khác cứ nghe rồi lại quên vì không không ghi chép được. Giờ biết đọc, biết viết, biết làm toán rồi, chị em có thể học hỏi thêm nhiều kiến thức phát triển kinh tế gia đình.

Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Mù Cang Chải là một trong những huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đa số là dân tộc Mông. Tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ của người dân tộc Mông còn cao. Với mong muốn tăng số phụ nữ người Mông biết chữ, trong 3 năm, 2020 - 2022, Hội LHPN tỉnh Yên Bái tổ chức 22 lớp xóa mù chữ tại huyện Mù Cang Chải với sự tham gia của 503 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 35. Tham gia lớp học, các học viên được trang bị những kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết, tính toán. Việc biết chữ giúp chị em có thể tiếp cận thông tin trên sách báo, tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế và xây dựng gia đình, góp phần thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển văn hóa-xã hội trên địa bàn huyện.

Tiến gần hơn tới ước mơ thoát nghèo

Thời gian qua, những lớp học xóa mù chữ này luôn rộn ràng tiếng đánh vần, học bài vào mỗi ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Học viên của các lớp xóa mù chữ là những người phụ nữ dân tộc thiểu số quanh năm tất bật với ruộng nương và công việc gia đình. Chị em có thể không đồng đều về lứa tuổi, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều chung một ước muốn là được biết chữ. Với họ, xóa mù chữ giúp họ tiến gần hơn tới ước mơ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Mỗi con chữ, một niềm vui - Ảnh 2.

Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái, cho biết, trong quá trình tổ chức, Hội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp xuống các thôn, bản, đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động chị em đến lớp. Hội cũng đã phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo của tỉnh xây dựng chương trình, lịch học của từng lớp phù hợp với điều kiện của chị em (có lớp học vào buổi tối, có lớp học vào sáng thứ 7, Chủ nhật…). Cán bộ Hội thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, tiến độ của các lớp, qua đó kịp thời động viên chị em tích cực tham gia lớp học.

Kết thúc chương trình học năm 2020 và năm 2021, có 346 học viên đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn I (lớp 1 - lớp 3). Trong đó, có 45 học viên được Hội LHPN tỉnh tặng chứng nhận "Học viên tiêu biểu". Riêng năm 2022, có 157 học viên đang theo học, dự kiến kết thúc năm học vào tháng 12/2022.

Có thể nói, chặng đường tìm con chữ của chị em phụ nữ vùng cao Yên Bái còn nhiều gian nan, vất vả. Song, biết thêm một con chữ là thêm một niềm vui, thêm sự tự tin. Những lớp học xóa mù chữ đã và đang góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái nói chung, cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.