"Mọi người đều có thể góp phần chống lại biến đổi khí hậu"

22/04/2023 00:14
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu 2023

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu 2023

Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu năm 2023 do Bộ Văn hóa Ấn Độ phối hợp với Liên minh Phật giáo Thế giới (IBC) tổ chức diễn ra trong hai ngày 20, 21/4/2023 tại New Delhi, Ấn Độ, với sự tham dự của hơn 350 đại biểu, trong đó có 170 đại biểu đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu năm 2023 là "Ứng xử với những thách thức đương đại từ triết lý đến thực tiễn".

Hội nghị thượng đỉnh lần là một nỗ lực hướng tới việc thu hút sự tham gia của các lãnh đạo Phật giáo toàn cầu và các học giả về các vấn đề liên quan đến Phật giáo và các mối quan tâm toàn cầu, đồng thời đưa ra các thông tin cho hoạch định chính sách để cùng nhau giải quyết những vấn đề này. Cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh đưa ra các cách thức để các giá trị cơ bản của Phật pháp tạo nguồn cảm hứng và dẫn đường trong môi trường đương đại.

Các cuộc thảo luận được tổ chức theo 4 chủ đề: Phật Pháp và Hòa bình; Phật Pháp: Khủng hoảng Môi trường, Sức khỏe và Sự bền vững; Bảo tồn Truyền thống Phật giáo Nalanda; Chuyến hành hương Phật pháp, Di sản sống và Xá lợi Phật: nền tảng kiên cường cho các mối liên kết văn hóa hàng thế kỷ của Ấn Độ với các quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Mọi người đều có thể góp phần chống lại biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu năm 2023

Tại Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có bài phát biểu khai mạc quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu diễn ra trong lúc Ấn Độ kỷ niệm 75 năm Độc lập và hướng tới lễ kỷ niệm 100 năm ngày Độc lập (Azaadi Ka Amrit Kaal), vì thế Thủ tướng Modi nhấn mạnh rằng Ấn Độ có một mục tiêu lớn cho tương lai và những quyết tâm mới vì lợi ích toàn cầu. Nguồn cảm hứng đằng sau việc Ấn Độ đạt được những cột mốc toàn cầu gần đây trong các lĩnh vực khác nhau chính là Đức Phật.

Ghi nhớ con đường của Đức Phật về lý thuyết, thực hành và chứng ngộ, Thủ tướng Modi đã nói chi tiết về việc Ấn Độ đã ứng dựng cả ba điều trên trong hành trình của đất nước Ấn Độ trong 9 năm qua. Ấn Độ đã cống hiến hết mình cho việc truyền bá giáo lý của Đức Phật. Ông nói về sự phát triển các địa điểm Phật giáo ở Ấn Độ và Nepal, việc cải tạo Sarnath và Kushinagar, Sân bay Quốc tế Kushinagar và Trung tâm Di sản và Văn hóa Phật giáo Quốc tế của Ấn Độ tại Lumbini với sự hợp tác của IBC.

Thủ tướng Modi nói: "Hành trình đi từ vấn đề đến giải pháp là hành trình thực sự của Đức Phật". Để giải thích rõ hơn về hành trình của Đức Phật, Thủ tướng nhắc lại rằng Đức Phật đã rời bỏ cuộc sống vương giả và vương quốc của mình vì Ngài nhận ra nỗi đau trong cuộc sống của những người khác. Thủ tướng nhấn mạnh cách duy nhất để đạt được mục tiêu về một thế giới thịnh vượng là khi người ta từ bỏ cái tôi và sự hẹp hòi đồng thời nhận ra sự toàn vẹn của Kinh điển trong việc chấp nhận ý tưởng về thế giới.

Thủ tướng Modi cũng cho rằng chúng ta chỉ có thể đạt được một thế giới ổn định và tốt đẹp hơn nếu chúng ta xem xét cách các quốc gia khác đang đối phó với tình trạng khan hiếm tài nguyên. Thời điểm hiện nay là thời điểm thách thức nhất/khó khăn nhất của thế kỷ này khi chúng ta chứng kiến chiến tranh, bất ổn kinh tế, khủng bố và cuồng tín tôn giáo, những thách thức của biến đổi khí hậu cùng với sự tuyệt chủng của các loài sinh vật và sông băng tan chảy.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Mọi người đều có thể góp phần chống lại biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu 2023 diễn ra trong hai ngày 20, 21/4 tại New Delhi (Ấn Độ)

Ông nói trong tất cả những điều đó, có những người tin vào Đức Phật và lợi ích của tất cả chúng sinh. "Hy vọng này, niềm tin này là sức mạnh lớn nhất của trái đất. Khi niềm hy vọng này được hợp nhất, Chánh pháp của Đức Phật sẽ trở thành niềm tin của thế giới và sự chứng ngộ của Đức Phật sẽ trở thành niềm tin của nhân loại".

Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh sự phù hợp của giáo lý Đức Phật bằng việc khẳng định rằng tất cả các vấn đề của thế giới hiện đại đều có giải pháp thông qua những lời dạy cổ xưa của Đức Phật. Đức Phật đã thuyết giảng về việc từ bỏ chiến tranh, thất bại và chiến thắng vì hòa bình vĩnh cửu. Ngài nói rằng dùng thù hận không bao giờ có thể chấm dứt thù hận và hạnh phúc nằm trong sự đoàn kết.

Tương tự như vậy, Giáo lý của Đức Phật nói rằng người ta nên xem xét lỗi lầm của bản thân trước khi thuyết giảng cho người khác, có thể giải quyết mối đe dọa về việc áp đặt quan điểm của mình lên người khác vốn đang là xu hướng rất phổ biến trong thế giới ngày nay.

Thủ tướng Modi cũng nhắc tới lời dạy của Đức Phật mà ông yêu thích ‘अप्प दीपो भवः’ nghĩa là: hãy là ngọn đèn của chính bản thân mình để nhấn mạnh sự phù hợp vĩnh cửu của giáo lý Phật Đà.

"Con đường của Đức Phật là con đường của tương lai và con đường của sự bền vững. Nếu thế giới nghe theo lời dạy của Đức Phật, chúng ta sẽ không phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu" - Thủ tướng Modi nói. Ông cũng giải thích rằng vấn đề này nảy sinh khi các quốc gia không còn nghĩ về những người khác và các thế hệ tiếp theo. Sai lầm này đã được tích lũy qua thời gian và trở nên tệ hại. Đức Phật đã thuyết giảng rằng những hành vi tốt không vụ lợi vì lợi ích cá nhân sẽ mang đến điều tốt cho mọi người.

Thủ tướng Modi nhấn mạnh rằng mỗi người đang tạo sức ảnh hưởng lên trái đất theo cách này hay cách khác, có thể là từ lối sống, thói quen ăn uống hay du lịch và chỉ ra rằng mọi người đều có thể góp phần chống lại biến đổi khí hậu. Giải thích thêm về Chiến dịch "Lifestyle for Environment" hay còn gọi là Mission LiFE (Lối sống vì Môi trường), một sáng kiến của Ấn Độ lấy cảm hứng từ Đức Phật, Thủ tướng nói rằng nếu mọi người nhận thức được và thay đổi lối sống của mình thì vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng hiện nay cũng có thể được giải quyết.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Modi nhấn mạnh việc chúng ta cần thoát ra khỏi những tư duy duy vật, ích kỷ và thấm nhuần tư tưởng 'Bhavatu Sab Mangalan', tức là Đức Phật không chỉ được coi là một biểu tượng mà còn là một sự phản tỉnh. Ông nhận xét rằng giải pháp này sẽ chỉ được thực hiện khi chúng ta nhớ lời dạy của Đức Phật về việc không cần quay đầu lại và luôn tiến về phía trước. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng các quyết tâm đó sẽ thành công nếu mọi người cùng đồng lòng.

Phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đức Pháp chủ - Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng dẫn đầu và là người thuyết trình chính của Hội nghị.

IBC được thành lập vào tháng 11/2011 tại New Delhi (Ấn Độ), là tổ chức đóng vai trò nền tảng chung cho Tăng Ni và Phật tử trên toàn thế giới dựa trên trí tuệ tập thể, tiếng nói thống nhất và trách nhiệm toàn cầu của Phật giáo.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập của IBC, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được cung thỉnh ở vị trí thứ nhất trong Hội đồng Chứng minh của IBC, cùng với sự hiện diện của Đức Đại Tăng thống Campuchia Tep Vong, Đức Dalai Lama thứ XIV...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.