"Mỗi nông dân là một thương nhân" góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới của quê hương

Lê Hoa
22/11/2023 - 12:18
"Mỗi nông dân là một thương nhân" góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới của quê hương

Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của hội viên, phụ nữ tỉnh Hưng Yên

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, mang theo khát khao chung sức xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững; cộng với sự đồng hành từ các cấp Hội phụ nữ; nhiều chị em phụ nữ tại tỉnh Hưng Yên đã tự tin trở thành những nữ doanh nhân, thay đổi diện mạo cho quê hương và nâng cao năng lực cộng đồng.

Hưng Yên vốn nổi tiếng là nơi lưu giữ những di tích lịch sử văn hoá lâu đời, từng nổi danh với câu ca: "thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, Hưng Yên là tỉnh đồng bằng không có rừng, núi và biển, có diện tích trên 923 km2, diện tích đất nông nghiệp chiếm 64,75%. Độ cao đất đai gần như đồng đều, rất thuận lợi cho giao thông, sản xuất. Hệ thống sông ngòi dày đặc thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Hưng Yên còn được biết đến là vùng đất sở hữu những đặc sản và món ăn hấp dẫn từ mảnh đất trù phú của vùng châu thổ sông Hồng.

Những tiềm năng, thế mạnh đó đã tạo động lực cho phụ nữ Hưng Yên tham gia mạnh mẽ, tích cực trong quá trình sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, xây dựng các làng nghề. Từ làm hương, làm bún, làm nón, làm đậu, làm tương, làm vàng bạc đến phát triển những sản vật như: gà Đông Tảo, nhãn lồng, hạt sen, long nhãn, mật ong, vải lai u, vải trứng, nghệ, chuối, bưởi, ổi, cam, gạo nếp cái hoa vàng, tương Bần, ngô, khoai, rau… đều gắn liền với bàn tay khéo léo, đảm đang của người phụ nữ.

"Mỗi nông dân là một thương nhân" góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới của quê hương- Ảnh 1.

Phụ nữ Hưng yên có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới

Trong thời đại mới, họ còn là những người mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị trường; phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn, tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết và hợp tác trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc "Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể".

Câu chuyện của những người đi tiên phong

Bên những gốc sung cổ thụ sai trĩu trái, chị Phạm Thu Trang (xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) nhớ lại: Những năm tháng tuổi thơ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, cuộc sống của tôi luôn gắn liền với những gánh hàng rong bán nông sản quê của mẹ. Nào chuối, nào nhãn, nào ổi… Nhưng cứ được mùa thì mất giá, nên cuộc sống của những gia đình thuần nông như nhà tôi vất vả lắm". 

"Mỗi nông dân là một thương nhân" góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới của quê hương- Ảnh 2.

Chị Phạm Thu Trang

Xuất phát từ tình yêu với nông sản quê hương, Thu Trang đã dành hết thời gian, tâm sức để nghiên cứu và sản xuất sản phẩm nước sung lên men enzyme S7. 4 năm là một chặng đường không ngắn để Trang đưa những món nông sản sẵn có tại địa phương như: quả sung, quả chuối hồng và mật ong nhãn trở thành một món đồ uống giàu dinh dưỡng.

Chị Thu Trang chia sẻ: "Tôi rất tự hào vì mình là đơn vị đi đầu về sản xuất đồ uống lên men, tạo thành một xu hướng tiêu dùng mới, hướng tới các sản phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Chúng tôi cũng là đơn vị tiên phong tự trồng, làm chứng nhận VietGap cho quả sung và sản phẩm nước sung đạt chứng nhận OCOP 3 sao".

Cũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, trong một vùng nguyên liệu trồng nghệ tới 400ha, hơn ai hết, chị Đỗ Thị Sen (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân khi củ nghệ tươi được bán ra thị trường với mức giá vô cùng rẻ. "Được mùa rớt giá" vẫn là bài toán chung của nông sản Việt. Từ đó, chị ấp ủ mong muốn làm ra sản phẩm cao cấp, giá trị hơn từ củ nghệ tươi.

"Mỗi nông dân là một thương nhân" góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới của quê hương- Ảnh 3.

Chị Đỗ Thị Sen

Hành trình của chị Sen bắt đầu từ Học viện Nông nghiệp 1, rồi đến Viện hóa học hợp chất thiên nhiên để tìm hiểu, nghiên cứu về hoạt chất quý từ củ nghệ. Với sự đồng hành của các nhà khoa học, chị đã có thêm kiến thức để trồng và sản xuất để củ nghệ có chất lượng từ đầu vào đến đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chị Đỗ Thị Sen tâm sự: "Không chỉ trồng nông sản, bán ra thu mua, lấy tiền, tôi còn chia sẻ kiến thức và tập huấn cho bà con nông dân. Chúng tôi cùng chung tay làm giàu trên mảnh đất quê hương mình".

Chị Phạm Thu Trang, chị Đỗ Thị Sen là hai trong số rất nhiều phụ nữ điển hình tại tỉnh Hưng Yên đang ngày ngày tự trau dồi, nâng cao năng lực, tri thức, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, để quá trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, hướng đến xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Các chị chính là những người tiên phong xây dựng hình ảnh về "Người nông dân chuyên nghiệp" với sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân" tại địa phương.

Khơi dậy tiềm năng của hội viên, phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hưng Yên đã luôn đồng hành, hỗ trợ chị em phụ nữ Hưng Yên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bà Lê Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hưng Yên, cho biết: Hội LHPN tỉnh Hưng Yên luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ vươn lên để làm giàu cho gia đình và tăng nguồn thu cho tỉnh, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Phụ nữ Hưng Yên năng động, sáng tạo biết dựa vào lợi thế bản địa để phát triển kinh tế. Nhiều chị thay đổi tư duy, dám nghĩ dám làm, không ngừng học tập để nâng cao kiến thức, kỹ năng và áp dụng khoa kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, kinh doanh, khởi nghiệp.

"Mỗi nông dân là một thương nhân" góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới của quê hương- Ảnh 4.

Cơ sở sản xuất nước uống lên men của hội viên, phụ nữ tỉnh Hưng Yên

Với những sản vật nổi tiếng của mảnh đất trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng, phụ nữ Hưng Yên có cơ hội để phát huy tiềm năng, giá trị, xây dựng thương hiệu nâng tầm giá trị chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm của hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Đảng, Nhà nước, Chính phủ triển khai thực hiện từ năm 2018.

Để nâng cao nhận thức của chị em về việc phát triển kinh tế gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp; phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế; làm tốt công tác tuyên truyền để hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu tại quê hương.

* Thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm