Mưu sinh bằng nghề "vá áo" cho xe máy, ô tô

Bài, ảnh: Trường Lê
20/06/2022 - 16:10
Mưu sinh bằng nghề "vá áo" cho xe máy, ô tô

Hằng ngày, bà Vũ Thị Liên lấy góc vỉa hè ngã tư phố Nguyễn Công Trứ - Ngô Thì Nhậm mưu sinh

Hơn 3 thập kỷ qua, với một chiếc bếp lò cùng dụng cụ chuyên biệt cho công việc, bà Vũ Thị Liên (66 tuổi) ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chọn góc vỉa hè ngã tư phố Nguyễn Công Trứ - Ngô Thì Nhậm mưu sinh với nghề "vá áo" cho những chiếc xe máy, ô tô.
32 năm "chung thủy" với những mối hàn

Bà Liên kể rằng, nghề hàn nhựa bắt đầu có từ đầu thập niên 1980. Lúc đó, Hà Nội xuất hiện những chiếc xe Honda cup của Nhật. Hầu hết xe nhập về đều là xe đã qua sử dụng, cũng vì vậy, khi người dân có nhu cầu sửa chữa yếm của những chiếc xe này, bà đã nảy sinh ra ý tưởng hành nghề hàn yếm xe máy. Bởi bà Liên nghĩ rằng dụng cụ của nghề này đơn giản, dễ làm và đặc biệt là có công việc để mưu sinh, nuôi các con. Những ngày đầu với công việc khó nhọc này, bà lóng ngóng, ho sặc sụa vì mùi khói của nhựa bốc lên nhưng dần dà rồi quen và bà trở thành một thợ có thâm niên trong giới hành nghề hàn nhựa ở Hà Nội.

"Đã không ít lần bị bỏng, những vết sẹo xuất hiện trên mu bàn tay, tràn lên cả phần cánh tay của tôi nhưng cũng chẳng hề hấn gì. Điều quan trọng với tôi là phải thạo việc, có nghề để mưu sinh và đặc biệt làm cho khách hàng hài lòng", bà Liên bộc bạch.

Do bản tính chịu khó, ham học hỏi, lại tỉ mẩn nên tay nghề của bà ngày càng được nâng cao và cũng từ đây, khách biết đến nhiều hơn, thu nhập cũng khá hơn. "Khách hàng tới đây hầu hết là những người quen hoặc được khách quen giới thiệu. Mỗi lần hoàn thiện việc hàn lại yếm xe, thấy nó lại như mới, thấy chủ xe vui mừng, tôi cũng vui lây và yêu nghề hơn", bà Liên chia sẻ.

Bám vỉa hè mưu sinh vời nghề lạ - Ảnh 1.

Bà Liên chuẩn bị đồ nghề hàn cho khách

Hiện nay, dù tuổi đã cao so với nghề nhưng khi được hỏi bà đã có ý định nghỉ việc hoặc để con cái làm thay thì bà Liên lắc đầu bảo: "Tôi chưa bao giờ có ý định nghỉ việc. Mặc dù vất vả, suốt ngày bám vỉa hè bụi bặm từ 8 giờ sáng cho đến tận 5 giờ chiều, nhưng vì mưu sinh, tôi cố gắng làm chừng nào sức khỏe còn cho phép. Tôi cũng không muốn là gánh nặng cho con cái lúc tuổi già". Với công việc hàn nhựa, trung bình một ngày, bà Liên kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, song cũng có ngày ít khách hoặc ngày không có khách đồng nghĩa với việc hôm đó không có thu nhập.

"Trước đây, có con trai cùng làm với tôi nhưng công việc giờ cũng không nhiều, vả lại thanh niên nó không chịu khó như mình nên làm được một thời gian cu cậu kêu chán và đi làm công việc khác", bà Liên tâm sự.

Bị bỏng nhiều lần do sơ suất hay khói bụi vỉa hè chưa là gì, theo bà Liên, cái nguy hiểm của công việc này là khói bụi hít phải khi hàn nhựa, nó rất độc và ảnh hưởng đến sức khỏe người làm. "Nghề này có một thứ còn nguy hiểm hơn cả vết bỏng, vết sẹo… đó là nguy cơ nhiễm bệnh ung thư bởi khói nhựa bốc lên. Nhựa trên xe máy khi hàn trông đơn giản nhưng cũng có đến 5-7 loại nhựa khác nhau, nhựa khi cháy rất độc, gây hại cho sức khỏe. Cũng vì vậy, người thân từng khuyên tôi nên bỏ nghề, bởi có người trong gia đình đã chết vì bị ung thư khi hành nghề này", bà Liên bộc bạch về sự nguy hiểm của nghề hàn nhựa.

Bám vỉa hè mưu sinh vời nghề lạ - Ảnh 2.

Bếp lò cũ và dụng cụ mưu sinh không thể thiếu của cánh thợ hàn nhựa

Thất nghiệp nên ra đường mưu sinh

Cũng chọn vỉa hè phố Ngô Thì Nhậm làm kế sinh nhai nhưng ông Nguyễn Văn Hoàng (55 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến với nghề hàn nhựa từ một cơ duyên khác. Từng là người lính làm nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc những năm 1990, sau khi ra quân, ông chuyển ngành sang làm công nhân cho công ty điện lực.

"Tưởng mình sẽ gắn bó lâu dài với công việc mới nhưng làm được hơn 12 năm, do sức khỏe không cho phép, cộng với việc leo trèo đi dây điện, cường độ làm việc cao nên tôi xin về một cục lấy chút vốn cùng phụ vợ nuôi 2 con ăn học", ông Hoàng tâm sự.

Theo ông Hoàng, những ngày mới về nghỉ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông cũng muốn kiếm việc làm vừa với sức mình. Khi người anh rủ ra làm cùng và dạy nghề cho, ông Hoàng đã tập và làm quen với nghề hàn nhựa từ đó. Nghề này mới nhìn tưởng đơn giản bởi bộ đồ nghề rất sơ sài với chỉ cái bếp dầu, kéo, dăm ba que sắt nung và một đống nhựa vụn nhưng "nghề chơi cũng lắm công phu", không phải cứ có đồ nghề là đã làm được.

Mỗi que sắt nung trên bếp dầu đều có tác dụng riêng, cái thì để cắt, cái thì để hàn, cái thì để làm nhẵn bề mặt... Tùy theo từng yêu cầu mà ông Hoàng sẽ chọn loại phù hợp. Ngay cả đến nhựa trên xe khi hàn, trông thì đơn giản nhưng cũng có đến 5-7 loại nhựa khác nhau. Những người thợ như ông Hoàng sẽ phải tìm xem loại nhựa nào dán được bởi nếu không cùng loại nhựa thì những vết hàn sẽ không dính hoặc nếu có dính thì giòn và dễ bung khi bị va chạm.

Những chiếc xe máy bị hỏng yếm, chốt nhựa thông thường sẽ được người dùng đem đi thay đồ mới. Nhưng cũng có những người cố gắng tận dụng mang yếm đi sửa chữa, một phần vì kinh tế eo hẹp, một phần vì mong muốn giữ lại những chiếc xe nhiều kỷ niệm...

Hiện tại, là một người có tay nghề giỏi với kinh nghiệm hơn 10 năm có lẻ trong "giới hàn nhựa" khu vực này nên ông Hoàng cũng có nhiều khách hàng biết tới và thu nhập khá hơn trước. "Tôi chủ yếu làm cho khách quen như các cửa hàng sửa xe xung quanh khu vực này. Những khách quen cần "độ" yếm, vỏ trong câu lạc bộ xe phân khối lớn họ cũng thường ghé qua để hàn "độ" các chi tiết theo yêu cầu, sở thích", ông Hoàng cho biết thêm.

Chia tay họ lúc gần trưa, khi cái nắng hè oi bức lan tỏa, tôi thấy có nhiều khách ra vào cửa hàng. Mừng cho họ và mong họ có nhiều sức khỏe để tiếp tục công cuộc mưu sinh nuôi gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm