Nặng lòng với làn điệu sáo mũi

25/05/2021 19:55
Chị Quàng Thị Dua diễn tấu sáo mũi

Chị Quàng Thị Dua diễn tấu sáo mũi

Chị Quàng Thị Dua (bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, Điện Biên) là một trong số ít nghệ nhân diễn tấu và chế tác được sáo mũi của người Khơ Mú.

Phụ nữ Khơ Mú ở Điện Biên hầu hết biết sử dụng thành thạo các nhạc cụ tre nứa như đao đao, tăng bu hoặc sáo và gìn giữ được làn điệu Tơm trong sinh hoạt văn hóa. Những di sản văn hóa dân gian đơn sơ, mộc mạc như chính cuộc sống của đồng bào được lưu truyền qua bao thế hệ.

Chị Quàng Thị Dua chia sẻ: "Tôi học thổi sáo mũi từ mẹ tôi. Mẹ là một trong những người thổi sáo hay nhất bản. Tôi được mẹ hát ru với cây sáo mũi và được nghe bà thổi tót tơm. 16 tuổi, tôi bắt đầu tự học thổi các loại sáo. Lúc đầu tôi thổi sáo rất khó khăn vì không biết lấy hơi nên thổi không ra tiếng nhưng kiên nhẫn một chút và quyết tâm học, ngày qua ngày rồi biết thổi thôi".

Ngoài việc ruộng nương và chăm sóc gia đình, chị Quàng Thị Dua dành nhiều thời gian cho tình yêu và niềm đam mê với các giá trị văn hóa truyền thống, dân gian của dân tộc mình. Điều mà Quàng Thị Dua lo lắng là một ngày nào đó không xa, không ai còn nhớ cách thổi sáo, hát Tơm. Vì vậy, chỉ cần bạn trẻ quan tâm, chị không tiếc thời gian, công sức để truyền dạy. Ở bản Púng Giắt 1, chị Quàng Thị Dua là hạt nhân đội văn nghệ, kết nối các thành viên lan tỏa tình yêu và trách nhiệm gìn giữ vốn quý của cha ông.

Nặng lòng với làn điêuj sáo mũi - Ảnh 1.

Phụ nữ Khơ-mú khéo léo chế tác sáo và biểu diễn thổi sáo mũi

Được sự quan tâm của phòng Văn hóa thông tin huyện Mường Chà và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, chị đã phối hợp để truyền dạy cho các bạn trẻ ở bản hát dân ca, diễn tấu sáo. Chị tận tình hướng dẫn các bạn trẻ cách sử dụng và chế tác sáo dọc, sáo mũi cũng như diễn xướng dân ca Khơ Mú. Quàng Thị Típ là người trong bản được Quàng Thị Dua truyền dạy thành công diễn tấu sáo mũi.

Chị tích cực tham gia hoạt động giới thiệu nét văn hóa độc đáo của người Khơ Mú nói chung, sáo mũi nói riêng trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, chị là 1 trong 26 nghệ nhân được Sở Văn hóa, Thể thoa và Du lịch đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú về trình diễn dân gian thổi sáo bằng mũi.

Sáo mũi được làm từ ống tre (tơ la) thẳng, dài hơn nửa mét, loại bánh tẻ để có độ vang tốt nhất. 2 đầu là 2 đốt mắt tre để sáo có độ kín hơi. Sau khi phơi ở nơi thoáng mát để ống tre khô, đồng bào đục 2 lỗ nhỏ: 1 lỗ trên dùng thổi hơi vào, 1 lỗ dưới dùng để bấm chỉnh âm thanh phát ra của sáo.

Âm thanh được phát ra từ việc dùng hơi từ mũi. Người thổi vừa phải biết cách lấy hơi, giữ nhịp để tạo âm và tiết tấu bằng hơi từ mũi vừa hát làn điệu dân ca được đệm bằng tiếng sáo mũi. Khi diễn tấu, người diễn tấu sử dụng 1 tay, 1 tay bấm vào lỗ ở 1 phía đầu sáo, 1 lỗ sẽ được dùng hơi từ mũi để thổi. Tay còn lại sẽ dùng để múa theo nhịp điệu bài dân ca. Sáo được sử dụng vào những dịp lễ tết, ngày hội và các buổi giao lưu văn nghệ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn