Nét đặc sắc trong lễ cưới hỏi của người Dao Tiền ở Phú Thọ

Một đám cưới của người Dao Tiền ở xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Một đám cưới của người Dao Tiền ở xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Mặc dù trải qua nhiều biến cố thiên di và cuộc sống du canh, du cư, nhưng người Dao Tiền ở xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ vẫn duy trì tục cưới mang sắc thái rất riêng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đối với người Dao Tiền, hôn nhân là việc hệ trọng trong cuộc đời mỗi con người, gia đình, dòng họ, bởi vậy, để đi đến lễ cưới, họ phải trải qua rất nhiều nghi lễ khác nhau như tìm hiểu, số tuổi, dạm ngõ, ăn hỏi rồi đến lễ cưới chính thức. Mỗi nghi thức đều có nét riêng độc đáo và mang đậm nét văn hóa dân tộc bản địa.

Nét đặc sắc trong lễ cưới hỏi của người Dao Tiền ở Phú Thọ- Ảnh 1.

Chị Hà Thị Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Dọc theo quốc lộ 70B cách trung tâm huyện Thanh Sơn hơn 30km, xã Yên Lương nằm yên bình trên vùng núi trung du của vùng Bắc Bộ. Tại nơi đây, nhiều người đã chứng kiến nghi thức cưới hỏi đặc sắc của người dân tộc Dao Tiền. Từ khi tìm hiểu đến khi cưới, đều phải có "Lễ", thể hiện phong tục của người Dao rất coi trọng hôn nhân.

Qua lời kể của chị Hà Thị Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Lương, lễ ăn hỏi của người Dao Tiền rất đặc biệt. Nếu như người Kinh và một số dân tộc khác, khi đi ăn hỏi thì phải mang theo "lễ", nhưng người Dao Tiền khi nhà trai đi ăn hỏi thì không mang theo lễ vật.

Nét đặc sắc trong lễ cưới hỏi của người Dao Tiền ở Phú Thọ- Ảnh 2.

Chị Dung và cô dâu Dao Tiền

Theo phong tục của người Dao Tiền nơi đây, đại diện đi hỏi vợ cho con chính là bố mẹ hoặc anh chị em ruột thịt, đến nhà gái chỉ hỏi bên gia đình nhà gái về ngày, tháng, năm sinh của người con gái mình định hỏi làm con dâu. 

Sau đó nhờ người xem sách Dao Nôm để đối chiếu cung số giữa tuổi con trai và con gái. Nếu cung số tốt thì đại diện nhà trai xin nhà gái cho con đến nhà gái làm công. Người con trai phải đến nhà gái ở 3 ngày để làm công và để bố mẹ nhà gái tìm hiểu thêm về con rể tương lai trước khi đồng ý cho cưới.

Nét đặc sắc trong lễ cưới hỏi của người Dao Tiền ở Phú Thọ- Ảnh 3.
Nét đặc sắc trong lễ cưới hỏi của người Dao Tiền ở Phú Thọ- Ảnh 4.

Trong lễ cưới cô dâu phải mặc hết  quần áo anh chị em, cô dì chú bác mang đến.

Hết 3 ngày làm công, nhà gái làm bánh cho người con trai đem về báo với bố mẹ và người làm mối. Nếu nhà gái thấy con trai biết việc, yêu thương con gái mình thì làm bánh có trộn mật ong hoặc đường, còn nếu không ưng sẽ làm bánh chỉ có nguyên bột, không có mật, đường gửi về.

Sau đó, nhà trai cũng sẽ đến nhà gái để nhận xét về cô dâu tương lai. Đây là buổi gặp mặt quan trọng, quyết định hai bên có ưng cô dâu, chú rể hay không. Nếu ưng thuận thì bố mẹ nhà trai đến xin cho các con được yêu nhau rồi xem tuổi để cưới.

Nét đặc sắc trong lễ cưới hỏi của người Dao Tiền ở Phú Thọ- Ảnh 5.

Người Dao Tiền rất quan trọng hôn nhân nên mọi nghi thức đều phải tiến hành cẩn thận, từ việc ăn hỏi, tìm hiểu

"Vì người Dao Tiền rất quan trọng hôn nhân nên mọi nghi thức đều phải tiến hành cẩn thận, từ việc ăn hỏi, tìm hiểu, 'làm công' ở nhà gái coi như sống thử với gia đình nhà vợ. Trải qua được các giai đoạn này thì đám cưới mới có thể tiến hành", bà Dung cho biết.

Nét đặc sắc trong lễ cưới hỏi của người Dao Tiền ở Phú Thọ- Ảnh 6.

Trang phục của người Dao Tiền rất cầu kì và đẹp mắt

Cũng theo chị Dung, khi tìm được ngày lành tháng tốt, nhà gái sẽ mời họ hàng, anh em, còn nhà trai sẽ tìm ông mối và một em gái đến nhà gái để đón dâu về. Lúc đó, nhà trai mới làm lễ, mổ 3 con lợn, lấy 10 đùi đưa sang nhà gái làm lễ cắt khẩu và cắt thành miếng nhỏ phần họ hàng bên nhà gái tùy theo số người. Lễ còn có 2 đôi gà trống và 2 đôi gà mái, có bánh rán thịt chua, vải trắng, vải đỏ, chỉ đỏ, giấy vàng, giấy bạc…

Điều đặc biệt là khi nhà trai đón được dâu về đến nhà rồi mới đem lễ vật sang nhà gái để tổ chức cưới. Đến nhà gái, tất cả đồ lễ để ở ngoài để xin ý kiến họ nhà gái cho phép đem lễ vật vào. Theo chị Dung, có nghi lễ này vì nhà gái được phép xem xét trong ba đời trước đây nhà trai làm gì có lỗi với nhà gái không. Khi hai bên thỏa thuận xong thì nhà trai mới được phép mang đồ lễ vào nhà và mới được xếp chỗ ngồi ăn uống cùng nhà gái.

Trang phục của cô dâu về nhà chồng là phải mặc quần áo của người dân tộc Dao Tiền. Anh chị em, cô dì chú bác, có bao nhiêu quần áo mang đến cho cô dâu phải mặc hết lên trên người để vào nhà chồng, khi làm lễ xong mới được cởi trả lại cho mọi người.

Nét đặc sắc trong lễ cưới hỏi của người Dao Tiền ở Phú Thọ- Ảnh 7.

Việc mặc hết trang phục lên người để vào nhà chồng sẽ khiến cô dâu gặp khó khăn trong lúc di chuyển

Nhận xét về nghi thức này, chị Dung cho rằng việc mặc hết trang phục lên người để vào nhà chồng làm lễ sẽ khiến cô dâu gặp khó khăn trong lúc di chuyển, nhất là vào mùa nắng nóng. Hiện nay người Dao Tiền vẫn duy trì nghi thức này.

Đám cưới của người Dao Tiền còn có tính nhân văn sâu sắc mà ít dân tộc nào có được, đó là người Dao Tiền từ xưa lấy nhau dù có con hay không cũng không bỏ vợ hoặc lấy thêm vợ hai, họ cùng nhau chung sống một vợ một chồng đến cuối đời. 

Người con gái sau khi làm lễ cắt khẩu sang nhà trai thì nhà trai sẽ làm lễ nhập khẩu cùng ngày cưới. Trong lễ nhập khẩu, họ nhà trai nhờ thầy làm lễ báo cáo với tổ tiên quản lý hộ khẩu cho con dâu mới và cầu mong tổ tiên phù hộ cho đôi vợ chồng mạnh khỏe, hạnh phúc, con đàn cháu đống, hạnh phúc giàu sang.

Nét đặc sắc trong lễ cưới hỏi của người Dao Tiền ở Phú Thọ- Ảnh 8.

Trong đám cưới ai nấy đều rất vui mừng và cùng diện trang phục đặc trưng của đồng bào mình

Sau đám cưới, bố đẻ thường dặn dò con trai rằng, "từ nay cứ theo đây mà làm, không được làm sai, không được ăn ở hai lòng, phải chung thủy yêu thương nhau, đã có trời đất chứng giám, nếu sai sẽ có trời phạt". Ông thầy căn dặn thêm: Các con phải sống trọn vẹn tình yêu, khó khăn phải biết đứng lên, không nản chí, phải thương yêu nhau đến đầu bạc răng long...".

Những lời nhắc nhở ấy như còn in mãi trong lẽ sống của người Dao Tiền cho đến hôm nay, đây chính là nét đẹp nhân văn trong phong tục cưới hỏi của người Dao Tiền ở Thanh Sơn nói riêng và người Dao Tiền vùng đất Tổ nói chung. Nó thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào mà thế hệ hôm nay cần tiếp tục bảo tồn và phát huy đến mai sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn