Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Cao Bằng trong Hội Háng Réng

09/05/2023 12:01
Những gian hàng ẩm thực, đặc sản địa phương tại lễ hội. Ảnh: Diệu Linh

Những gian hàng ẩm thực, đặc sản địa phương tại lễ hội. Ảnh: Diệu Linh

Lễ hội cổ truyền dân tộc 18/3 âm lịch tại thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, tồn tại từ lâu đời và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương.

Lễ hội cổ truyền dân tộc 18/3 thị trấn Hòa Thuận (bà con nhân dân thường gọi là Hội Háng Réng, Phục Hòa) là một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. 

Hàng năm cứ đến ngày này, bà con nhân dân từ già đến trẻ, trai gái xa gần lại nô nức cùng nhau đi trẩy hội. Những người con dù có đi xa khắp mọi miền đất nước đều hướng về quê hương... 

Lễ hội cổ truyền dân tộc 18/3 âm lịch  Hòa Thuận - Ảnh 1.

Lễ hội cổ truyền dân tộc 18/3 năm nay với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian

Lễ hội cổ truyền dân tộc 18/3 năm nay vừa được tổ chức trong 2 ngày, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian. Những hoạt động văn hóa này kết hợp giữa tính truyền thống dân tộc với văn hóa hiện đại và các nghi thức trong lễ cúng đều có tính tâm linh để ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, quy giang sơn về một mối. 

Ông Dương Hồng Trung - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UNBD thị trấn Hòa Thuận - cho biết: "Lễ hội với những giá trị bảo tồn, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu giúp nhân dân vui tươi, phấn khởi tạo niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó, nhân dân hăng hái thi đua, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Đồng thời cùng nhau cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người mạnh khỏe, nhà nhà hạnh phúc". 

Lễ hội cổ truyền dân tộc 18/3 âm lịch Hòa Thuận - Ảnh 2.

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều chương trình được tổ chức như Hội thi Tiếng hát dân ca; Trình diễn thời trang trang phục dân tộc; Thi đấu các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, đánh sảng, cờ tướng, lày cỏ...

Hiện nay, Lễ hội cổ truyền dân tộc 18/3 âm lịch vẫn đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương.

"Ngày nay, đời sống của nhân dân ta ngày được nâng lên, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong những năm gần đây các hoạt động văn hóa của lễ hội có phần phong phú, đa dạng đã tác động tích cực đến đời sống, tinh thần của nhân dân. Văn hóa là sức mạnh tinh thần, là nền tảng quan trọng của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội", ông Dương Hồng Trung chia sẻ.

Lễ hội cổ truyền dân tộc 18/3 âm lịch Hòa Thuận - Ảnh 2.

Người dự hội tham gia chơi lày cỏ - Ảnh: Diệu Linh

Hòa Thuận là thị trấn biên giới, cách trung tâm hành chính của huyện 25 km, có địa hình tương đối bằng phẳng, có chợ phiên và hệ thống đường giao thông rất thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa với các huyện lân cận và nước bạn Trung Quốc và có Đền Vua Lê, Thành Nhà Mạc. Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt của thị trấn đang được đổi thay, hạ tầng kinh tế từng bước được hoàn thiện, phấn đấu đến năm 2025 Phục Hòa trở thành Đô thị loại IV.

Theo sử sách ghi lại, vào những năm cuối thế kỷ 17 sự tranh giành quyền lực của triều đại Nhà Lê với Nhà Mạc diễn ra gay gắt. Nhà Mạc yếu thế chạy lên Cao Bằng chia cắt các tỉnh miền núi phía bắc lập nên một đất nước riêng biệt và đóng đô tại Thành Nà Lữ, Hoàng Tung; Cao Bình, Hưng Đạo.

Trước tình cảnh đất nước bị chia cắt, Nhà Lê đã nhiều lần cử tướng Đinh Văn Tả là một trong những vị Tướng tài giỏi của triều Lê đem quân lên đánh Nhà Mạc ở Cao Bằng. Qua nhiều cuộc giao chiến Vua Mạc bị thất thủ chạy về Phục Hòa củng cố quân cơ, xây thành đắp lũy tiếp tục chống lại Nhà Lê và khu trong thành Phục Hòa được gọi là chợ Háng Réng, trùng với tên chợ Háng Réng ở Cao Bình. Sau 8 năm bị vây hãm thành Phục Hòa bị thất thủ. Vì lợi ích chung của dân tộc, Vua nhà Mạc đã hy sinh quyền lợi dòng họ và vì quyền lợi đất nước và lòng dân trăm họ, đã bàn giao Thành Phục Hòa cùng toàn bộ hệ thống thành vùng biên cho chính quyền Lê - Trịnh quản lý, quy giang sơn về một mối. Nhân dân địa phương biết ơn công đức Vua Lê nên đã lập lên Đền Vua Lê và mở hội ăn mừng tại khu chợ Háng Réng - Phục Hòa, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Từ đó, ngày 18/3 âm lịch hằng năm trở thành ngày lễ hội lớn nhất của huyện Phục Hòa. Lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, khuyến khích nhân dân gìn giữ các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, các trò chơi, các môn thể thao cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Hiện nay Lễ hội cổ truyền dân tộc 18/3 vẫn đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn