Dấu hiệu nhận diện nổi bật nhất làm nên nét riêng biệt của mỗi dân tộc chính là trang phục, mà trong đó phải kể đến những trang phục độc đáo của phụ nữ Dao Thanh Y ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Nét độc đáo trong trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y

Dấu hiệu nhận diện nổi bật nhất làm nên nét riêng biệt của mỗi dân tộc chính là trang phục, mà trong đó phải kể đến những trang phục độc đáo của phụ nữ Dao Thanh Y ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Là dân tộc có tiếng nói và chữ viết riêng, bởi vậy trang phục truyền thống của người Dao cũng mang đậm bản sắc nhưng lại phong phú với nhiều nhánh khác nhau. Tại tỉnh Quảng Ninh, nếu như phụ nữ Dao Thanh Phán nổi bật với những chiếc mũ đội đầu đỏ rực thì trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y lại có nhiều nét khác biệt theo từng địa bàn sinh sống, trong đó người Dao ở huyện Tiên Yên là có trang phục rực rỡ và cầu kỳ hơn cả.

Với nền kinh tế tự cấp tự túc, trang phục của hầu hết những người dân tộc thiểu số được định hình và ra đời từ một chu trình sản xuất với kỹ thuật thủ công truyền thống. Đó là quá trình trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, cắt may, thêu, in sáp ong... chủ yếu dựa vào lao động chân tay cùng với các công cụ rất thô sơ, bên cạnh các hoạt động kinh tế nông nghiệp. 

Trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y là sự kết hợp của nhiều màu sắc như xanh, đỏ, hồng, đen, trắng… Khác với nhiều dân tộc thường dùng màu đỏ làm màu chủ đạo của họa tiết, hoa văn, người Dao Thanh Y chọn màu hồng làm nổi bật trang phục của mình. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất ở phần mũ đội đầu được đan, kết cầu kỳ với nhiều phụ kiện mang những ý nghĩa nhân sinh trong đời sống.

Nét độc đáo trong trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y - Ảnh 1.

Phụ nữ Dao Thanh Y rất chú trọng phần tóc cuốn tạo hình mũ đội đầu

Bà Lý Thị Nga (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) cho biết: "Ngày xưa, các cụ để tóc dài. Mỗi lần vấn tóc có khi mất cả tiếng đồng hồ vì phải chải mượt, chia tóc rồi quấn thật khéo quanh đầu, tạo hình như một chiếc mũ cói xen với chỉ hồng, cuối cùng phủ một chiếc khăn vuông được thêu hoa văn cầu kỳ phía trên và chỉnh trang lại sao cho tươm tất nhất".

Ngày nay, đời sống hiện đại với nhiều xu hướng thời trang khiến những người phụ nữ trẻ không còn để mái tóc đen tuyền dài như trước, chị em chủ yếu búi tóc gọn gàng, phần mũ đội đầu được làm bằng xơ mướp quấn chỉ hồng, người dùng chỉ cần đội lên. Duy nhất có mảnh khăn vuông phía trên vẫn được các bà, các chị tỉ mỉ thêu tay những họa tiết rực rỡ có gam màu đỏ, cam với kèm một số chữ viết cổ có nội dung cầu sức khỏe, bình an và may mắn.

Nghiên cứu về trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y, TS Nguyễn Anh Cường - Trưởng Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - cho biết, áo của phụ nữ Dao Thanh Y là loại áo dài, không cài cúc, cửa tay áo đáp vải đỏ (nay nhiều người thay bằng vải hoa), nẹp cổ viền bên ngoài bằng vải trắng, lui vào trong thêu chỉ đỏ và xanh, trong cùng là một băng họa tiết chữ thập ngoặc nối liên tiếp. 

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Y tại huyện Tiên Yên nổi bật với sắc hồng

Một điều khác biệt với tất cả các nhóm Dao đó là thân áo trước bên phải ngắn hơn thân bên trái và thân bên trái lại ngắn hơn thân sau. Khi mặc, vạt trái đè lên vạt phải và cố định bằng dây lưng, phía trên để lộ phần yếm lấp ló bên trong tạo nên một vẻ đẹp tế nhị, kín đáo song không kém phần hấp dẫn. Lối mặc này tạo sự tiện lợi khi mặc vào, cởi ra trong lao động và sinh hoạt gia đình.

Điểm độc đáo nhất của Phụ nữ Dao Thanh Y ở Tiên Yên là họ mặc quần cộc chỉ dài tới ngang đùi. Lối mặc quần trên gối được gắn với một truyền thuyết của cộng đồng Dao nói về một cô gái mặc quần dài vào rừng lấy thuốc cho bố mẹ, sau khi đun xong bị vấp ngã đổ hết thuốc. Từ đó về sau, để lòng hiếu thảo của con cái đối với bố mẹ được “vẹn nguyên”, phụ nữ Dao Thanh Y mặc quần cộc.

Phụ nữ cũng mang xà cạp. Dây buộc xà cạp được dệt bằng chỉ màu, một đầu dây có đính hạt cườm nhiều màu và so tua dài bằng chỉ đỏ. Đồ trang sức thường nhật trong nữ phục Dao Thanh Y không cầu kỳ như các nhóm Dao khác mà giản dị hơn, bao gồm một đôi hoa tai, một chiếc vòng cổ và một vòng tay.

Chị Voòng Thị Lan (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) miệt mài may trang phục truyền thống cho con

Nét độc đáo trong trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y - Ảnh 5.

Các bà, các mẹ truyền dạy kỹ thuật may, thêu cho con gái, con dâu biết trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình

Những năm gần đây, khi nhà nước có những chính sách hỗ trợ tái định cư và cải thiện cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, cuộc sống của người Dao tại Quảng Ninh đã cải thiện và hiện đại hơn rất nhiều. Song, với lòng tự hào dân tộc và ý thức lưu giữ văn hoá truyền thống, những người mẹ Dao Thanh Y vẫn mải miết tự tay thêu từng đường kim mũi chỉ may cho con bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình.

Theo chị Voòng Thị Lan (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên), may thêu trang phục truyền thống là công việc hằng ngày được phụ nữ tranh thủ làm ở bất cứ đâu, cả khi lên nương, trông con, đặc biệt là lúc nông nhàn.

"Chúng tôi ai cũng phải tự may cho mình một bộ thật đẹp để mặc trong các dịp lễ, tết, may cho con để mặc tới trường vào mỗi sáng thứ hai. Các công đoạn từ cắt, may cho đến thêu thùa để có một bộ trang phục đều được làm tỉ mỉ bằng tay nên mất khoảng 3 tháng mới hoàn thành" - chị Lan chia sẻ.

Cứ thế, từ những hình đơn giản như quả trám, cỏ cây, ruộng lúa cho đến hình khó hơn như động vật, chim muông, chữ viết, các chị đều được học từ bà, từ mẹ để sau này tiếp tục truyền dạy cho con gái, con dâu biết trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. 

Chính bởi sự tinh tế trong cách ăn mặc, cách bài trí trang phục và sự sáng tạo trong việc thêu thùa hoa văn nên dù giữa mênh mông núi rừng bạt ngàn với những công việc mưu sinh vất vả, phụ nữ Dao vẫn đẹp rạng ngời và tươi vui như những sắc màu gửi gắm trên từng bộ váy áo.

Thu Hà
07/04/2023 09:00