Ngân hàng CSXH tạo đà cho người dân vượt khó, làm giàu từ nguồn vốn chính sách

Việt Hải
03/02/2020 - 17:28
Ngân hàng CSXH tạo đà cho người dân vượt khó, làm giàu từ nguồn vốn chính sách
Với những hoạt động ý nghĩa, thiết thực triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, ngân hàng CSXH đang góp phần xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước.

Ngày 22/11/2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW). Chỉ thị này đã tạo thành kim chỉ nam xuyên suốt trong tư tưởng, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách từ những công việc tưởng như đơn giản nhất, như trong quy trình triển khai tín dụng chính sách xã hội đến người dân hay điều tra đúng, đủ và kịp thời đối tượng được thụ hưởng chính sách vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội xuống đến tận thôn, xóm

Mặt trận tổ quốc nhiều tỉnh, thành không chỉ thực hiện tốt vai trò tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tín dụng chính sách xã hội và cùng người dân giám sát chất lượng hiệu quả nguồn vốn này mà đã tạo thêm những giá trị mới trong công tác tín dụng chính sách.

Như ở thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), Mặt trận tổ quốc nơi đây đã tổ chức các cuộc vận động huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn chuyển sang NHCSXH thị xã để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các xã về đích nông thôn mới năm 2017, năm 2018.

Đến nay, Mặt trận tổ quốc thị xã đã chuyển sang NHCSXH 485 triệu đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Nhìn rộng ra toàn tỉnh Thái Nguyên, đã huy động từ doanh nghiệp được trên 8,6 tỷ đồng chuyển qua NHCSXH cho vay đối tượng chính sách).

Ngân hàng CSXH tạo đà cho người dân vượt khó, làm giàu từ nguồn vốn chính sách - Ảnh 1.

Người nghèo ở các xã của thị xã Phổ Yên vay vốn chính sách phát triển mô hình kinh tế đồi rừng mang lại hiệu quả cao

Thậm chí đến xã dù không được phân công, phân nhiệm song cũng tính tới việc tìm nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ hộ nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) Đoàn Thanh Hiền cho biết: trước năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã cao với 553/4.100 hộ, chiếm gần 13,5%. Trong khi đó nguồn vốn Trung ương ủy thác qua NHCSXH cho vay chưa đảm bảo nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo. Vì vậy UBND xã tham mưu cho Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhờ ca sỹ, diễn viên Minh Luân tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ vì người nghèo được 368 triệu đồng.

Nguồn vốn của xã chuyển cho NHCSXH với phương châm không tính lãi và chủ yếu hỗ trợ cho các hộ nghèo trong xã để bà con được tiếp cận chăn nuôi, buôn bán tạp hóa, tạo điều kiện kinh tế cho gia đình cùng nguồn vốn tín dụng chung của NHCSXH. "Ví dụ, với nguồn vốn vay của Trung ương họ sẽ mua được 01 con bò, thì địa phương sẽ giúp thêm một ít vốn để mua thêm được 01 con bò hoặc 02 con bò nữa để các hộ có điều kiện giảm nghèo nhanh hơn", bà Đoàn Thanh Hiền chia sẻ thêm.

Nguồn vốn tuy còn khiêm tốn nhưng 6 năm qua đã cho vay được 42 lượt hộ và giúp 26 hộ thoát nghèo, góp phần cùng các nguồn vốn tín dụng chính sách khác đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2019 còn dưới 3%, vượt nhiều so với Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra.

Tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu từ nguồn vốn chính sách

Hiệu ứng của việc tập trung triển khai tuyên truyền vận động xuống tận thôn, xóm để các tầng lớp nhân dân nắm bắt và có nhận thức đúng về tầm quan trọng của hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã cộng hưởng những giá trị mới trong việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW.

Ngay cả ở nơi núi cao trên 2000 mét như đỉnh Ngọc Linh - nơi có 99% là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Ca Dong cũng không thiếu "hơi ấm" của Chỉ thị.

Được vay 25 triệu đồng từ NHCSXH huyện Nam Trà My (Quảng Nam) 10 năm trước đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, năm 2014, người đảng viên gương mẫu, kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Văn Lượng ở thôn 2, xã Trà Linh không chỉ trả hết nợ cho Nhà nước, thoát nghèo bền vững mà từ đó gia đình còn có của ăn, của để, con cái được học hành đầy đủ.

Ngân hàng CSXH tạo đà cho người dân vượt khó, làm giàu từ nguồn vốn chính sách - Ảnh 2.

Người đảng viên gương mẫu, kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Văn Lượng (bên trái) trong một lần gặp cán bộ NHCSXH tỉnh Quảng Nam tâm sự về vượt khó vươn lên làm giàu từ nguồn vốn chính sách

Tuy nhiên, trước thực cảnh còn nhiều người dân ở trong thôn vẫn thiếu gạo vào những ngày giáp hạt, năm 2016 ông đã cùng với cán bộ NHCSXH huyện và cán bộ Hội Cựu chiến binh xã đến tận thôn để họp dân tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi. Qua một ngày họp bàn, 32 hộ dân đã thống nhất thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn. Được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng, ông tiếp tục vay 50 triệu đồng, một phần để mở rộng đầu tư, phần còn lại để tuyên truyền khuyến khích bà con cùng vay vốn trồng sâm và thành lập nhóm hộ trồng sâm.

Tạo điều kiện cho bà con có đủ điều kiện tiếp cận vốn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc và căn dặn bà con không được phá rừng, hộ nào làm tốt cuối năm ông còn thưởng 200 cây sâm con giống. Số cây con được thưởng hiện nay đã lên đến 20.000 cây. Nhờ cách quản lý riêng này mà đến nay đã có 32 hộ dân trong tổ đã thoát nghèo bền vững, nhiều hộ có cái ăn, cái mặc, lại có tiền gửi tiết kiệm tại NHCSXH tới cả tỷ đồng.

Có thể nói, sự tham gia của từng người dân, doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững đang góp phần xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước.

Nguồn: Ngân hàng CSXH
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm