Ngày lễ Vu Lan đã được xem là ngày cha mẹ trong Phật giáo

21/08/2023 09:32
Giá trị hiếu thảo được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều bộ Kinh sách của Phật giáo. Ảnh minh họa

Giá trị hiếu thảo được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều bộ Kinh sách của Phật giáo. Ảnh minh họa

Lễ Vu Lan để tưởng nhớ và báo đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Chính vì thế ngày lễ Vu Lan đã được xem là ngày cha mẹ trong Phật giáo.

Trong các tôn giáo có ở Việt Nam hiện nay, Phật giáo được xem như là tôn giáo có nhiều sự gần gũi hơn cả với truyền thống tâm linh của người Việt.

Trên nhiều phương diện, tôn giáo này có ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi cộng đồng Phật tử mà còn ảnh hưởng tới nhiều người Việt theo tín ngưỡng truyền thống. Có sự pha trộn nhất định giữa một số sinh hoạt của Phật giáo với thực hành tín ngưỡng của của đại đa số người Việt.

Ngày lễ Vu Lan đã được xem là ngày cha mẹ trong Phật giáo - Ảnh 1.

Ngày lễ Vu Lan đã được xem là ngày cha mẹ trong Phật giáo. Ảnh minh họa

Một trong số đó phải kể đến lễ Xá tội vong nhân theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt và lễ Vu lan báo hiếu của Phật giáo vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm.

Lễ Xá tội vong nhân theo quan điểm của nhiều người Việt đó là dịp để cầu cúng cho các cô hồn, gắn với tục cúng cháo, bánh trái,… Khi thực hiện lễ này, người Việt cũng nhân đó làm lễ cầu siêu cho gia tiên thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành.

Còn Lễ Vu Lan báo hiếu vốn xuất phát từ Phật giáo nhưng ngày nay nó trở nên phổ biến trong nhiều gia đình. Lễ Vu Lan để tưởng nhớ và báo đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Chính vì thế ngày lễ Vu Lan đã được xem là ngày cha mẹ trong Phật giáo.

Nội dung của Kinh Vu Lan đề cập đến câu chuyện của Mục Kiền Liên - một đệ tử của Đức Phật, sau khi đắc đạo, thấy mẹ của mình sống trong cảnh giới quỷ đói, thân hình tiều tụy khổ sở. Ngài sử dụng năng lực thần thông của mình, đưa bát cơm đến dâng cho mẹ. Mẹ Ngài được cơm, lòng tham khởi lên, tay trái che bát, tay phải bốc ăn, nhưng cơm chưa tới miệng đã hóa ra lửa, nên không ăn được. Mục Kiền Liên xin Phật chỉ dạy phương pháp cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ Ngạ quỷ. Đức Phật dạy rằng, phải nhờ đến uy lực của tập thể chúng tăng mới cứu được mẹ ông.

Ngày lễ Vu Lan đã được xem là ngày cha mẹ trong Phật giáo - Ảnh 2.

Ngày rằm tháng bảy là ngày báo hiếu truyền thống của Phật Giáo. Ảnh minh họa

Vào ngày rằm tháng bảy là ngày chư tăng tập trung tự tứ sau 3 tháng an cư kiết hạ thanh tịnh, hãy sắm sửa vật dụng cúng dường chư tăng, nhờ chư tăng chú nguyện, mẹ ông mới thoát được khổ. Mục Kiền liền vâng lời Phật dạy, thực hành phương pháp báo hiếu ấy, nên đã cứu được mẹ.

Mục Kiền Liên xin Phật cho phép các phật tử sau này được thực hành phương pháp báo hiếu cha mẹ bằng cách cúng dường Vu Lan Bồn để báo đáp ân cha mẹ. Đức Phật khen ngợi và chấp thuận. Từ đó, ngày rằm tháng bảy là ngày báo hiếu truyền thống của Phật Giáo.

Trong quan niệm của Phật giáo, hiếu thảo với cha mẹ là nghiệp lành lớn nhất của đời người, là phúc báo mà Phật giáo khuyên nên làm nhất trên đời . Trong khi đó, "bất hiếu là tội lớn nhất trong hành vi, lẽ sống của mỗi con người. Người nào không đối xử tốt với cha mẹ của họ, thì khó có thể sống tốt, sống thiện với người khác được; bất hiếu thì cũng bất nhân".

Đức Phật kể ra những bổn phận thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là: Nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu; làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ; giữ gìn truyền thống gia đình; bảo vệ tài sản thừa tự và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời" (Giáo thọ Thi ca la việt, Trường bộ kinh IV).

Trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật đã nêu ra 10 ân đức của cha mẹ: Chín tháng cưu mang khó nhọc, Sợ hãi đau đớn khi sinh, Nuôi con cam đành cực khổ, Nuốt cay, mớm ngọt cho con, Chịu ướt, nhường ráo con nằm, Nhai cơm sú nước cho con, Vui giặt đồ dơ cho con, Thường nhớ khi con xa nhà, Có thể tạo tội vì con, Nhịn đói cho con được no.

Chữ hiếu trong đạo Phật có nội hàm rất rộng. Nó bao gồm sự mến yêu, cung kính, vâng lời, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và thờ phụng, tưởng nhớ khi cha mẹ đã qua đời.

Ngày lễ Vu Lan đã được xem là ngày cha mẹ trong Phật giáo - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Hiếu thảo không chỉ là mến yêu, cung kính, vâng lời, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và thờ phụng, tưởng nhớ khi cha mẹ đã qua đời, mà còn là việc hướng cha mẹ đến với điều thiện lành, xa lánh điều xấu ác và bản thân người con cũng phải sống tốt để cha mẹ vui lòng.

Không chỉ thế, Phật giáo còn cho rằng, con người không chỉ có kiếp sống hiện tại mà còn có kiếp sau qua luân hồi, nghiệp báo, chết chưa phải là hết; người con hiếu thảo cần phải chăm lo cho cha mẹ cả đời sống sau khi từ giã cõi đời này. Vì vậy, đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ còn được thể hiện ở thái độ hương hỏa, thờ cúng đối với người đã khuất.

Tấm lòng người xưa đối với ông bà cha mẹ đã khuất thể hiện qua câu: "Kính như tại" (kính như đang còn sống). Phụng thờ để tưởng nhớ và nhắc nhở cho nhau công đức, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Hàng năm cúng giỗ để tưởng nhớ và để bày tỏ lòng biết ơn. Có người cho rằng những việc làm này không thiết thực. Thật ra việc làm đó có giá trị rất lớn về mặt tinh thần". Có thể thấy, giá trị hiếu thảo được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều bộ Kinh sách của Phật giáo.

Quan điểm của Phật giáo về đạo hiếu còn được mở rộng hơn nữa trong bàn luận về mối quan hệ giữa Phật giáo với những giá trị văn hóa truyền thống. Phạm Thế Quốc Huy cho rằng "đạo hiếu trong Phật giáo hòa quyện vào truyền thống dân tộc, là sự hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ, là việc giữ trọn "Tứ ân" đối với người Phật tử. Tứ Ân không chỉ là Ân Tam Bảo, Ân cha mẹ mà "mở rộng hơn về triết lý nhân sinh, đạo Phật còn đề cập đến ân thầy cô dạy dỗ, ân quốc gia xã hội, ân chúng sinh đồng bào.

Nếu cha mẹ là người sinh dưỡng ra ta thì thầy cô là người đem lại cho ta sự hiểu biết, trang bị cho ta kiến thức về cuộc sống, về hành vi ứng xử. Đạo Phật cũng đề cập tới ân quốc gia xã hội đã cho ta cuộc sống yên bình, ổn định, ân chúng sinh đồng bào đã sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống chúng ta. Hòa mình với đạo lý truyền thống của dân tộc, đức hiếu hạnh trong đạo Phật hướng con người về tổ tiên, ông bà, cha mẹ".

Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn