Nghi lễ Kéo co ngồi "có một không hai"

Sáng 22/4, nghi lễ Kéo co ngồi đền Trần Vũ (Thạch Bàn, Q.Long Biên, Hà Nội) đã được tổ chức trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân.

Nghi lễ Kéo co ngồi gắn liền với Lễ hội đền Trấn Vũ, diễn ra trong 3 ngày từ 21 đến 23/4 (tức từ mồng 2 đến mồng 4 tháng 3 âm lịch). Trong đó, nghi lễ Kéo co ngồi được người dân thực hành vào ngày chính lễ - mồng 3 tháng 3 Âm lịch, năm nay là vào ngày 22/4.

Kéo co ngồi là tập quán xã hội, tín ngưỡng có từ lâu đời trong hội làng ở Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thể hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh khát vọng có cuộc sống an bình. 

Ông Ngô Quang Khải - Trưởng Ban quản lý đền Trấn Vũ - cho biết, theo truyền thuyết, xưa kia làng Ngọc Trì bị hạn hán nặng, có 12 cái giếng thì chỉ còn giếng thuộc xóm (gọi là mạn) Đìa còn nước. Trai mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy. Thời đó, nước gánh bằng quang làm từ dây song. Khi hai bên giằng co, sợ nước đổ nên ngồi xuống đất ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò Kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng, cầu cho mưa thuận, gió hòa.

Tiêu chuẩn để tuyển chọn người tham gia Kéo co ngồi là gia đình phải nền nếp, gia giáo, có 5 đời sinh sống ở làng trở lên. Ngọc Trì có 3 mạn là Đường, Đìa, Chợ, mỗi mạn được cử 1 đội kéo co đại diện.

Trước khi thực hành kéo co, các mạn chuẩn bị lễ vật là mâm xôi, thủ lợn, hoa quả và tập trung trước sân đền Trấn Vũ lễ Thánh. Tiếp đó, các mạn nghe thể lệ thi đấu, bốc thăm và đại diện 3 đội lên nâng cây song 3 lần theo nghi lễ để mang song ra nơi kéo.

Trai làng tập trung trước sân đền Trấn Vũ lễ Thánh, chứng kiến đại diện 3 đội nâng cây song 3 lần theo nghi lễ để mang song ra nơi kéo

Trai làng tập trung trước sân đền Trấn Vũ lễ Thánh, chứng kiến đại diện 3 đội nâng cây song 3 lần theo nghi lễ để mang song ra nơi kéo

Mỗi đội kéo co từ 15, 17 hoặc 19 người tùy theo từng năm và có 1 Tổng cờ. Trai kéo co cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ in tên từng mạn. Năm nay, mỗi đội có 19 người, tổng cộng là 57 trai làng và 3 Tổng cờ tham gia nghi lễ Kéo co ngồi.

Khác với các cuộc thi kéo co thông thường - thường là dùng dây thừng, dây để kéo trong Kéo co ngồi là cây song có độ dài 30 đến 30m, đường kính 5cm. Cột kéo co làm bằng gỗ lim, được sơn đỏ và chôn chặt trên nền đất. Điểm độc đáo của nghi lễ này là các đội ngồi bệt xuống đất, lấy gót chân làm điểm tựa để kéo.

Các đội ngồi bệt xuống đất, lấy gót chân làm điểm tựa để kéo

Các đội ngồi bệt xuống đất, lấy gót chân làm điểm tựa để kéo

Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng hò reo cổ vũ của mọi người, trai tráng khỏe mạnh nhanh tay ra sức kéo cây song. Trò chơi không đặt nặng yếu tố thắng thua. Thông qua nghi lễ kéo co ngồi, người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu.

Một số hình ảnh trong Nghi lễ Kéo co ngồi tại Lễ hội đền Trấn Vũ sáng 22/4

Năm 2015, kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên "Nghi lễ và trò chơi kéo co", do 4 quốc gia Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cùng đệ trình. Theo hồ sơ đề nghị của Việt Nam, UNESCO công nhận "Nghi lễ và trò chơi kéo co" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội; trong đó có Kéo co ngồi đền Trấn Vũ. Năm 2019, Lễ đón nhận bằng ghi danh của UNESCO Nghi lễ Kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã diễn ra trong khuôn khổ lễ hội truyền thống đền Trấn Vũ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.