Ngôi làng biệt lập và những đứa trẻ đi học 'nhờ' ở hồ thủy điện Bản Vẽ

04/10/2019 - 08:00
Dự án thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương (Nghệ An) với công suất 320 MW đã được đưa vào vận hành từ năm 2010. Thế nhưng, gần 10 năm sau, vẫn có hàng trăm hộ dân sống tạm bợ, hiểm nguy ngay bên vách núi và trong vùng lòng hồ.

Đây là những hộ dân được tái định cư về các xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn của huyện Thanh Chương từ năm 2006 nhưng chỉ không lâu sau đó, họ đã trở lại và bám trụ ở vùng lòng hồ cho đến tận hôm nay.

 

Những nếp nhà “5 không”

Vượt gần 200km từ TP Vinh, chúng tôi đến bến đò Thượng Lưu, xã Yên Na, huyện Tương Dương, để có thể di chuyển đến nơi các hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ quay trở về đang sinh sống, làm ăn. Vùng lòng hồ thủy điện rộng lớn, bao quanh là các xã được coi là khó khăn nhất của huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An. Từ bến đò, sau hơn 1 giờ đồng hồ lênh đênh trên mặt hồ, sau đó tiếp tục đi thêm 1 giờ đồng hồ nữa men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, có đoạn thì ngập đầy bùn phải dùng gậy để mò mẫm, đoạn lại men bên mép suối, lởm chởm đá gập ghềnh, khúc khuỷu, chúng tôi mới thấy thấp thoáng phía xa chừng gần chục mái nhà tranh vách nứa ở lưng chừng đồi.

Thấm mệt, chúng tôi càng ngậm ngùi trước những hình ảnh trông thấy trước mắt. Đây là bản Kim Hồng cũ, cũng là cụm bản đang có nhiều hộ dân di cư ngược về lòng hồ thủy điện sinh sống - theo như lời người lái thuyền đã chỉ dẫn cho chúng tôi. Những ngôi nhà dựng tạm bằng tre nứa nằm cheo leo nơi vách núi, cảm tưởng chỉ cần một trận mưa to thì nước, đất đá từ trên cao đổ xuống có thể cuốn trôi cả căn nhà xiêu vẹo. Phía trước nhà, mấy con gà dường như đang cố kiếm mồi giữa mảnh sân trơ trụi đất trắng phau, quanh đó mấy đứa trẻ chân trần lúi húi chơi mấy trò giản đơn từ những viên sỏi.

Thấy những người khách lạ, ông Chương Xuân Tần (SN 1959, dân tộc Thái) bước ra chào đón. Ông Tần nguyên là Trưởng bản Kim Hồng cũ. Năm 2009, gia đình ông cũng thuộc diện được tái định cư ở xã mới Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, đến năm 2013, ông cùng vợ quay về bản cũ trong lòng hồ để mưu sinh. “Tôi với vợ từ khu tái định cư quay về đây đã gần 6 năm. Chúng tôi đánh cá và chăn nuôi gia súc để sống qua ngày”, ông Tần cho biết.

 
Những ngôi nhà dân cheo leo trong rừng sâu 

Chỉ sang những ngôi nhà cách nhà mình khoảng sân, ông Tần chia sẻ, họ đều là những hộ dân đã được tái định cư tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương nhưng nhanh thì 1 năm, chậm thì được 3-4 năm như gia đình ông là mọi người lại quay về nơi ở cũ này để sống và làm ăn.

Khi được hỏi về lý do quay trở lại đây, ông khẽ thở dài, tay với cốc nước chè đã đặc lại, vừa nhâm nhi vừa nhìn về xa xăm. “Lý do thì nhiều lắm chú ạ. Trước đây bà con sống ở đây cũng tạm ổn, không đến nỗi vất vả lắm. Nhưng sau khi có chủ trương di dời về huyện Thanh Chương, cách đây gần 150km, thì nhiều cái bất cập lắm. Lớn nhất vẫn là vấn đề đất đai. Nhà được chia ít, nhà được chia nhiều, rồi chuyện đền bù đất trước kia chưa thỏa đáng nên dân cũng không đồng tình. Như nhà vợ chồng ông Lô Văn Chương ở phía bên phải đây, có 5 khẩu nhưng xuống đó chỉ được giao 1,2 ha đất nên con đi học ở đó không biết làm sao kiếm ra tiền, lại buộc về trên này làm ăn. Thêm nữa thì cuộc sống ở dưới đó khác trên này quá. Bà con vốn quen cuộc sống làm rẫy hay đánh bắt vùng lòng hồ rồi nên xuống dưới đó, họ không làm rẫy được, phải quay về. Về trên này cũng khổ nhưng khổ mãi cũng quen rồi” - ông Tần ngậm ngùi.

 
Ông Chương Xuân Tần vốn là trưởng bản cũ, do chuyển đến nơi ở mới không phù hợp nên đã trở về đây được 6 năm

“Cái khổ” mà ông Tần nói đến, có thể thấy ngay trước mắt. Quay về nơi ở cũ, chấp nhận sống không một đoàn thể, địa phương nào, những người dân nơi đây dường như biệt lập với cả thế giới xung quanh. “Mọi người hay nói điện - đường - trường - trạm nhưng chúng tôi ở đây thì đủ “5 không”. Đường đi vào khó khăn, bệnh viện, trường học lấy đâu ra, đến cả nước sạch hay điện lưới cũng còn không có nữa. May mà chúng tôi sử dụng sức nước suối đặt máy tua-bin nên cũng tạo ra được điện đủ cung cấp trong nhà. À, mà nếu tính cả sóng điện thoại thì chúng tôi là bản “toàn không” rồi” - ông Tần chua xót.

 

“Thôi thì cũng cố gắng cho con biết cái chữ”

Sống trong vùng lòng hồ, các hộ dân không chỉ thiếu thốn đủ đường mà còn phải sống trong nỗi lo sợ rủi ro có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Lỡ như có một trận mưa lớn và nếu xảy ra sạt lở thì rất có thể cả gia tài, thậm chí cả tính mạng của họ cũng không thể giữ được. Hoặc gần hơn, nếu lỡ trong làng có ai ốm đau nặng thì việc đưa đến cơ sở y tế gần nhất cũng rất khó khăn với chặng đường băng rừng vượt sông. Rồi nếu đến được trạm xá, bệnh viện thì người dân cũng không được hưởng chế độ gì vì không có bảo hiểm y tế. Không những thế, các bậc phụ huynh là những người quyết định đi hay ở, chấp nhận chịu khổ đã đành, những đứa trẻ không có quyền lựa chọn cũng phải chịu vất vả theo. Trường học cũ đã bị xóa sổ từ lâu, hộ khẩu cũng không có, việc học hành của những đứa trẻ nơi đây bị ảnh hưởng, thậm chí có nhiều em phải chấp nhận thất học.

Chỉ vào người con trai đang thổi lửa trong bếp, chị Lương Thị Hà - hàng xóm của ông Tần - buồn rầu nói: “Nó không biết nói tiếng Kinh, cũng chẳng biết chữ đâu. Muốn cho nó đi học cũng đành chịu, đường xá xa xôi, gia đình khó khăn không có tiền. Thôi thì để nó ở nhà đi rừng và chăn nuôi trâu bò với bố mẹ vậy”.

 

 
Do chuyển đến khu tái định cư mới ở huyện Thanh Chương không có đất đai, nương rẫy nên gia đình người phụ nữ này lại trở về nơi ở cũ
 
 

Theo lời ông Tần, một số người dân vì vẫn muốn các con được đến lớp học chữ, nên sang xã Hữu Khuông bên cạnh xin được vào trường. Thế nhưng, con đường học chữ rất gian nan, vất vả. Ngược theo con đường mà chúng tôi đi vào, người dân phải cõng con nhỏ đi gần 1 tiếng đồng hồ lội bùn để ra đến thuyền, rồi từ đó đi thuyền máy thêm 30 phút mới đến bến ở xã Hữu Khuông. Từ đây, phải thêm 20 phút đi bộ đường rừng nữa, các em mới đến lớp học. Những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa thì có khi để đến được trường, cả phụ huynh lẫn học sinh đều ướt nhẹp.

“Thương con nên ngày nào cũng đưa con đi học kiểu này. Vất vả quá nên chúng tôi bàn với các hộ khác xin nhà trường và chính quyền xã cho dựng lều tạm gần trường để các con theo học. Đầu tuần đưa con đi học, cuối tuần đón con về bản”, một người dân kể. Về việc này, ông Tần cho biết thêm: “Việc dựng lều tạm cho các em theo học, bên Hữu Khuông cũng ủng hộ, tạo điều kiện. Nhưng vì không có hộ khẩu ở đây nên học sinh không được hưởng các chế độ ưu tiên dành cho miền núi, cũng thiệt thòi lắm. Rồi không biết bố mẹ lo cho chúng học được đến bao giờ, chứ cũng khó khăn quá”.
 
 
Các bản làng nằm bên lòng hồ Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An)

 

Ngồi trò chuyện với ông Tần, nhìn sang những ngôi nhà bên cạnh, khoảng sân phía trước, những tán cây bao quanh, con đường bùn lầy trước mặt và nghĩ lại quãng thời gian lênh đênh trên lòng hồ, chúng tôi có thể hiểu được những khó khăn mà những hộ dần nơi đây đang phải trải qua. Không ai lại muốn lựa chọn cho mình cuộc sống như thế nhưng như lời ông Tần nói: “Hết cách rồi mới phải quay về”. Chỉ lo rằng, không biết đến bao giờ họ mới có thể thoát ra được cái nghèo đói, tạm bợ trước mắt, để có thể lo cho con cái những nhu cầu thiết yếu như được chăm sóc y tế và được đến trường như chúng bạn?
 
Bài sau: Lời giải nào cho "bài toán tái định cư ngược"? 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm