Ngọt ngào Tết miền Tây

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours
14/01/2023 - 09:56
Ngọt ngào Tết miền Tây

Gói bánh tét đón Xuân - Ảnh: Nguyễn Vinh Hiển

Xã hội phát triển, Tết Tây Nam bộ nhiều thay đổi, cách tân, đơn giản: Vẫn cúng trời, đất và tổ tiên, không có lễ hạ điền. Bánh chưng thay dần bánh tét. Cây nêu ngày Tết thành hàng hiếm. Món Tết nào cũng có thể mua. Tết là mùa du lịch cao điểm, nhiều đoàn khởi hành trước Tết, đón giao thừa trên tour.

Cuối năm, Tây Nam bộ vào mùa thu hoạch (thượng điền), đủ đầy sản vật phù sa. Rằm tháng Chạp vặt lá mai, chăm chút để các loài hoa nở đúng Tết. Xóm làng nhộn nhịp nghênh Xuân. Tết được tính từ ngày 23 tháng Chạp (đưa ông Táo về trời, chiều 30 trở lại). Từ ngày 24, dọn dẹp nhà cửa, phơi lá chuối, làm kiệu, mứt, thèo lèo, củ cải ngâm nước mắm. 

Chợ đêm 25 ngồn ngộn trái cây, mứt, thực phẩm, vật dụng Tết. Kẻ bán người mua lao xao, háo hức. Con nít bu kín các xe bong bóng, kẹo kéo. Đông nhất là hàng dừa tươi, đu đủ non, sung chùm, mãng cầu, xoài vì mâm ngũ quả của người Tây Nam bộ phải có "Cầu - dừa - đủ - xoài - sung". Sáng 30, cánh đàn ông dựng nêu, bày bàn thờ, dán liễn. Phụ nữ tất bật dọn mâm cúng, rước ông bà về. 

Ngọt ngào tết miền Tây - Ảnh 1.

Lang hoa Sa Đéc

4 món chính là thịt kho nước dừa, canh khổ qua, đầu heo ngâm dấm, dưa giá. Cực mà vui nhất là phần bánh tét. Khó nhất là buôc lạt. Nồi nấu tổ chảng, củi gộc phừng phừng. Người lớn canh bánh, hàn huyên đủ chuyện; con nít ngủ gục, đợi giao thừa.

Củi tàn, bánh chín là giao thừa, giờ khắc thiêng liêng. Đĩa bánh tét ngút khói, mâm ngũ quả đủ màu, cành mai vàng bung nụ, cặp dưa căng mọng dán chữ đỏ nhũ kim, hộp mứt bát giác, trà gói giấy kiếng đỏ… 

Trời đen như mực, gia quyến nghiêm trang thành kính thắp hương khấn vái, mong gia đình an khang thịnh vượng. Cùng lúc, tiếng pháo rền trời. Sáng mùng Một, cúng Tân niên. Ngoài ngõ tĩnh lặng. Cãi cọ, động dao thớt, quét nhà, bẻ trái, hái lộc, tưới cây... đều cấm kỵ. Chỉ mở cửa khi có người xông đất. Trong nhà, đám trẻ lăng xăng diện áo mới, chúc Tết ông bà cha mẹ, nhận lì xì, xúm xít ăn bánh tét, dưa món, chơi lô tô, bầu cua cá cọp... 

Chiều mùng Một xuất hành thăm họ hàng, thân tộc. Tết, các bữa ăn đều cúng tổ tiên trước. Mùng Bốn, cúng tiễn ông bà. Mùng Tám cúng sao hay vía trời. Tết là ngày hội gia đình, dòng tộc. Các đội lân rảo từng nhà, trổ tài nhào lộn, tung hứng, chồng người đớp pháo lì xì.

Ngọt ngào tết miền Tây - Ảnh 2.

Thuyền hoa. Ảnh Huỳnh Mỹ Thuận

Du Xuân phương Nam

Đầu Xuân, du hành phương Nam vừa tránh rét, vừa trải nghiệm văn hóa Tây Nam bộ. Ra Phú Quốc, nhớ ghé Trung tâm Bảo tồn Chó Thanh Nga, để hiểu thêm về giống chó quân khuyển, được xem là thông minh nhất Việt Nam. Trung tâm có khu Bảo tồn Dược liệu, cảnh quan đẹp hơn tranh. Viếng "Sùng Long cổ tự" (chùa Sư Muôn, Hùng Long) đừng quên check in "Đệ nhất đại lão mộc thiêng K’ nia" 800 năm tuổi.

Mộc Hóa (Long An) có phim trường "Cánh đồng bất tận" và rừng dược liệu tràm gió, tràm chanh, tràm trà… rộng hơn 900ha với liệu pháp "tắm rừng" (Shinrin Yoku), ngồi tắc ráng, nhờ "chim dẫn đường" ngược xuôi các dòng kênh; tối xem bông súng nở. Đức Hòa có ruộng sâm Bố Chính, còn gọi là sâm quốc dân, xưa là sâm tiến vua. Châu Thành (Bến Tre) có làng nem chay Phú Đức, khu mộ và nhà thờ ông đạo Vừa (Dừa, phát âm Nam bộ) với nhiều giai thoại kỳ thú. Chợ Lách, thủ phủ cây giống ăn quả, quê hương nhà bác học lừng danh Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898). Bảo tàng Bến Tre có cặp ngà voi lớn nhất Đông Nam Á (dài 2m2, nặng 42kg và 1m9, nặng 38kg)

Ngọt ngào tết miền Tây - Ảnh 3.

Bánh tét

Xem cá lóc, cá trê làm xiếc thì đến cồn Sơn (Cần Thơ). Muốn chân mộc, rặt quê về cồn Chim (Trà Vinh). Xem giờ bằng ánh nắng, về Bạc Liêu, coi đồng hồ Thái dương của bác vật Lưu Văn Lang (1880 - 1969) làm năm 1913, vẫn chạy tốt. Chùa Đất Sét (Bửu Sơn), trang trí và tượng toàn đất sét thô, độc bản thế giới (Sóc Trăng). "Nhà Gốm Tư Buôi" và Cocohome (nhà dừa) không đụng hàng (Vĩnh Long).

Cà Mau, ngoài Đất Mũi, có đầm Thị Tường và rừng U Minh Hạ. Hậu Giang có Lung Ngọc Hoàng, kênh Xà No (điên điển, điền thanh) và chợ khuya sáng Vị Thanh. An Giang có 44 ngọn núi, gồm Thất Sơn và 37 núi nhỏ hơn; có lễ hội Đua Bò, đua xuồng Tam bản, đồi Hai triệu USD (Tưc Dup), bạt ngàn thốt nốt, làng Lụa Tân Châu…

Tết này, Sa Đéc (Đồng Tháp), thủ phủ hoa kiểng (hơn 600ha và trên 2.000 loại hoa, kiểng) có Sông Hoa Sa Nhiên dài 4.500m và làng Bột với bột Bich Chi nổi tiếng. Lai Vung có làng chiếu Định Yên (chợ chiếu âm phủ) và khu du lịch Văn hóa phương Nam với Nam Phương Linh từ (thờ danh nhân mở cõi phương Nam) cùng nhiều trò chơi dân gian. Châu Thành có làng Lò Gạch hoang và chùa Phước Kiển (Lá Sen) với ao sen vua, đường kính lá trên 2m, có thể đứng trên lá chụp hình. 

Thành phố Cao Lãnh có Văn Miếu, đường Sách, đền thờ vợ chồng Chủ chợ Câu Lãnh. Thanh Bình có đường hoa cồn Phú Mỹ, Hồng Ngự có làng dệt khăn rằn Long Khánh, Tam Nông có Tràm Chim. Huyện Cao Lãnh có thủy đạo thép Xẻo Quit, sân chim Gáo Giồng; Tháp Mười có Gò Tháp... Độc đáo là "Cà phê Chủ tịch", nơi lãnh đạo tỉnh tiếp doanh nhân, người dân từ 7g - 7g30 hàng ngày trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh. Dịp Tết, "Cà phê Chủ tịch" làm thêm tiểu cảnh, hoa kiểng đón dân và du khách tham quan miễn phí với hai câu đối thay lời muốn nói "Kín cổng, cao tường, khép vận hội/Trải lòng, mở cửa, đón tương lai".

Ăm thực phương Nam vô đối. Đừng quên các món ngon từ cù hủ khóm Cầu Đúc (Hậu Giang) như bánh xèo, xáo vịt, lẩu gà. Các món biến tấu từ đọt choại (rau choại), cá khoai, cá thòi lòi, chả ba khía, "sóc tràm", trái thốt nốt, cà na… Ghé Sa Đéc, nhớ dùng thử hủ tíu Bà Sẩm, ngon "bẻ rổ" (bổ rẻ) nhất thế giới, chỉ 8.000 đồng/tô mà no bụng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm