Người góp phần giúp làn điệu dân ca dân tộc Thái mãi vang xa

10/06/2021 15:17
Phụ nữ dân tộc Thái biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh minh họa

Phụ nữ dân tộc Thái biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh minh họa

Dù tuổi khá cao, nghệ nhân Lương Thị Phiên (bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) vẫn giữ được giọng hát dân ca Thái ngọt ngào. Bà dành nhiều tâm huyết trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu này.

Trong kho tàng văn hóa truyền thống dân gian dân tộc Thái ở Nghệ An, hát suối (truyện thơ), nhuôn (các làn điệu dân ca), hắp lai (truyện thơ được hát theo các tích trong truyền thuyết cổ của người Thái) và lăm (múa truyền thống trong những ngày hội) là nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào.

Người Thái ở Tây Nghệ An vốn yêu âm nhạc. Từ xa xưa, âm nhạc đã trở thành một phần thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào, gắn liền với tín ngưỡng, đời sống tâm linh và các hoạt động giải trí trong lao động sản xuất, lễ hội, đám cưới…

Từ khi còn bé, bà Lương Thị Phiên được mẹ, bà hát ru bằng những làn điệu dân ca Thái. Tình yêu này đã lan tỏa sang cô bé Phiên theo năm tháng. Chưa đầy 10 tuổi, cô bé Phiên có thể sáng tác, thể hiện những làn điệu do mình sáng tác. Sau này lớn lên, trở thành cô giáo dạy học trường THCS Châu Lý (Quỳ Hợp), tình yêu với dân ca Thái vẫn vẹn nguyên.

Bà Phiên chia sẻ: "Suốt mười mấy năm đi dạy, tôi chia cuộc đời thành hai nửa, một nửa dành cho nghiệp truyền chữ, nửa còn lại tôi dành cho việc sưu tầm và sáng tác dân ca. Tuy nhiên, phần lớn thời gian tôi bận đứng lớp nên việc giao lưu, truyền lửa cho dân ca dường như bị hạn chế".

Người góp phần giúp làn điệu dân ca dân tộc Thái mãi vang xa - Ảnh 1.

Nghệ nhân Lương Thị Phiên truyền dạy hát dân ca tại bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An

Với sự năng nổ và năng khiếu nghệ thuật, cô giáo trẻ Lương Thị Phiên đã chuyển sang làm công tác Đoàn ở huyện năm 1969, năm 1973 thì lên tỉnh. Đây là thời gian bà có điều kiện gặp gỡ với nhiều văn, nghệ sỹ cũng như có nhiều cơ hội thể hiện năng khiếu ca hát, sáng tác của mình.

Gieo mầm tương lai

Những năm gần đây, các bản người Thái ở Tây Nghệ An không còn nhiều người thích hát dân ca Thái. Lo lắng trước thực trạng này, bà Phiên đã ấp ủ dự định tập hợp những người mê dân ca Thái cùng giao lưu, học hỏi và truyền dạy cho con cháu lớp sau. Năm 2002, bà đứng ra thành lập câu lạc bộ Xuối, Lăm, Nhuôm, Khắp Òm (xã Châu Cường). Lúc đầu, câu lạc bộ có 15 thành viên. Bà tích cực vận động lớp trẻ học hát dân ca.

Bà Phiên cho biết: "Những ngày đầu mở lớp, tôi phải đi khắp trên bản dưới mường, tìm mọi cách vận động các cháu tham gia. Tuy nhiên, do kinh phí eo hẹp, cơ sở vật chất lại không có nê câu lạc bộ gặp rất nhiều khó khăn. Hy vọng các cấp chính quyền sớm vào cuộc để câu lạc bộ có điều kiện hoạt động thường xuyên và hiệu quả hơn".

Với sự nhiệt tình của bà, lớp dạy hát dân ca đã thu hút được không ít học viên. Bên cạnh những buổi học tập trung ở nhà văn hóa của bản, bà còn mở thêm một lớp học tại nhà. Nghệ nhân Lương Thị Phiên cùng các nghệ nhân khác đang chung tay, tích cực giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn