Người góp sức gìn giữ di sản thiêng liêng của đồng bào Raglai

15/06/2021 06:56
Đồng bào Raglai đánh mã la trong dịp lễ hội

Đồng bào Raglai đánh mã la trong dịp lễ hội

Đối với người Raglai, mã la (mả la hay ma la) không chỉ là nhạc cụ mà còn là báu vật thiêng - cầu nối giữa con người với thần linh. Thông qua âm thanh của nó, đồng bào muốn gửi gắm những mong ước về sức khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… đến với thần linh.

Mã la có vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào nhưng đến nay, những người có thể diễn tấu thành thạo cũng như hiểu biết về nó không còn nhiều. Một trong số ít nghệ nhân thành thạo về diễn tấu cũng như hiểu về nhạc cụ thiêng này là Pi Năng Thị Kính, 55 tuổi, ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Nghệ nhân Pi Năng Thị Kính chia sẻ về niềm đam mê của mình đối với mã la: "Tôi thích nghe âm thanh của mã la từ nhỏ. Mã la thường được sử dụng trong các lễ hội của người Raglai. Đám cưới, đám ma hay lễ hội về mùa màng… đều sử dụng nhạc cụ này. Vì thích mà 13 tuổi, tôi bắt đầu học và biết đánh mã la".

Niềm đam mê của nghệ nhân Pi Năng Thị Kính bền bỉ, không chỉ để thưởng thức mà còn muốn trở thành người sử dụng thành thạo nhạc cụ quý này nên bà đã mày mò tự học, tìm hiểu từ các nghệ nhân lớn tuổi trong thôn.

Người góp sức gìn giữ di sản thiêng liêng của người Raglei - Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Pi Năng Thị Kính đánh mã la

Ngoài mã la, nghệ nhân Pi Năng Thị Kính còn tìm hiểu và sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như khèn bầu, Chapi. Đây cũng là quá trình tự mày mò, học hỏi theo niềm đam mê của nghệ nhân.

Tỏa sáng và truyền cảm hứng

Hơn 20 năm qua, nghệ nhân Pi Năng Thị Kính là người chủ động kết nối các thành viên đội mã la của tộc họ Pi Năng hoạt động. Bà đã tranh thủ thời gian rảnh vận động chị em trong thôn cùng tập đánh mã la, khèn bầu, Chapi. Nghệ nhân chia sẻ: "Với các chị em trong đội văn nghệ, bao khó khăn vất vả, mệt nhọc đều bay biến khi được hòa mình vào những âm thanh của mã la hay các nhạc cụ truyền thống của người Raglai".

Nghệ nhân Pi Năng Thị Kính cũng là người tích cực truyền dạy diễn tấu nhạc cụ truyền thống của người Raglai cho thế hệ trẻ ở thôn và học sinh Trưởng Tiểu học Võ Văn Kiệt (xã Phước Chiến). Đặc biệt, bà còn hướng dẫn cho sinh viên trường nghệ thuật tìm hiểu về nhạc cụ mã la nói riêng, những di sản quý của người Raglai nói chung. Những đóng góp của nghệ nhân Pi Năng Thị Kính trong việc bảo tồn văn hóa của dân tộc Raglai đã được Nhà nước ghi nhận bằng việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn