Người hồi sinh nhịp chiêng và vũ điệu Ariya

24/05/2021 17:24
Nghệ nhân ưu tú Touneh Ma Bio diễn tấu chiêng

Nghệ nhân ưu tú Touneh Ma Bio diễn tấu chiêng

Năm nay đã hơn 60 tuổi, nghệ nhân Touneh Ma Bio, thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, đã có gần 20 năm bảo tồn, truyền dạy những bài dân ca, điệu múa, chơi các nhạc cụ của dân tộc Chu Ru.

Tình yêu dẫn lối

Là người con Chu Ru, được sinh ra và lớn lên trên vùng đất thơ mộng bên dòng Ða Nhim, những lễ hội của buôn làng cùng những vũ điệu dân gian sinh động với âm thanh trống, cồng chiêng của người Chu Ru đã sớm đánh thức trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu những di sản văn hóa dân tộc của Touneh Ma Bio.

Trong gia đình có 6 anh chị em, Touneh Ma Bio luôn được ưu ái theo cha mẹ tham dự những lễ hội truyền thống cũng như những sinh hoạt văn hóa khác trong buôn làng. Khoảng 8 tuổi, chị biết đánh chiêng. 10 tuổi, chị đã thuần thục vũ điệu Ariya. 14 tuổi, chị đã học được cách làm rượu cần từ mẹ cũng như chế biến những món ăn truyền thống khác của người Chu Ru.

Tình yêu đối với những giá trị văn hóa truyền thống, dân gian của người Chu Ru từ cha mẹ, bà con buôn làng đã truyền sang chị từng ngày, qua những sinh hoạt tinh thần cũng như văn hóa tâm linh.

Người hồi sinh nhịp chiêng và vũ điệu Ariya - Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Touneh Ma Bio dạy múa cho trẻ em trong làng

Theo chị Touneh Ma Bio, những giá trị văn hóa truyền thống của người Chu Ru là máu thịt, là lẽ sống. Chị thấy lo lắng vì các bạn trẻ không muốn nghe những bài dân ca, nhạc cụ truyền thống, không muốn múa và nhún nhảy theo vũ điệu ông bà xưa để lại. Vì thế, chị phải ghi nhớ để truyền dạy cho các bạn trẻ.

Không chỉ đam mê và có năng khiếu về nhảy múa, hát ca và chơi các nhạc cụ dân tộc của người Chu Ru, chị Touneh Ma Bio còn là người có năng lượng dồi dào, không mệt mỏi, không ngại khó khăn và kiên trì để truyền cảm hứng cũng như tình yêu của mình cho thế hệ trẻ.

Tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ

Ban đầu chỉ là tình yêu tự nhiên dành cho những giá trị văn hóa truyền thống, dân gian của người Chu Ru, Touneh Ma Bio dần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong giữ gìn, lưu truyền vốn quý này.

Cách đây 12 năm, Touneh Ma Bio bắt đầu tự mình mở lớp dạy múa, đánh cồng chiêng cho trẻ em trong làng tại nhà mình khi nhận thấy âm thanh cồng chiêng và vũ điệu Tamya - Ariya mai một. Ban đầu, lớp học chỉ khoảng 10 em, nhờ sự hỗ trợ của ngành văn hóa địa phương đầu tư mua sắm trang phục, nhạc cụ… lớp học của chị tăng lên gần 30 em và đến nay đã có hơn 80 em theo học. Bên cạnh đó, chị Touneh Ma Bio hỗ trợ chi phí cho đội cồng chiêng khoảng 15 người để đi biểu diễn các nơi.

Người hồi sinh nhịp chiêng và vũ điệu Ariya - Ảnh 2.

Nghệ nhân Ma Bio đã lưu giữ, phục hồi nhiều vũ điệu của dân tộc Chu Ru

Chị Ma Bio còn bảo tồn được 10 bài hát dân gian Chu Ru đã phổ nhạc, bản thân chị cùng các nhà làm văn hóa địa phương đã sưu tầm được 3 bài (thể hiện trên chữ viết, hát và múa). Ngày 5/11/2014, chị đã cho ra đĩa "Hòa tấu cồng chiêng Chu Ru".

Nghệ nhân Ma Bio đã lưu giữ, phục hồi các vũ điệu khác của dân tộc Chu Ru như: Bắc Kơ Năng (Thờ cúng), Thu Lơ Griắ Đam tra (ca ngợi những người đầu bếp, những người chuyên phục vụ các lễ hội, cưới hỏi…), Pro Bray (những chàng trai, cô gái múa hát quanh lửa trại để giao duyên), Bơ Trut Pô (múa mừng các quan lớn)… và phối hợp với cán bộ văn hóa, trưởng bản, già làng cùng nhau sưu tập, sáng tác các vũ điệu mới như: Vũ điệu Tit Lơu Dra (cô gái nhỏ), Yuơ Ađêi Drao Tũng (em bé bụng to)…

Với những đóng góp của mình trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của người Chu Ru, chị Ma Bio đã được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú năm 2019.

    Ý kiến của bạn
    (*) Nội dung bắt buộc cần có

    Nhập thông tin của bạn