Người Lô Lô đen ở Cao Bằng giữ gìn bản sắc văn hóa

Phụ nữ Lô Lô Đen mặc áo cổ vuông chui đầu có các mảng hoa văn hình chim vòng quanh thân áo. Tay áo rộng được ghép bằng nhiều vòng vải màu khác nhau

Phụ nữ Lô Lô Đen mặc áo cổ vuông chui đầu có các mảng hoa văn hình chim vòng quanh thân áo. Tay áo rộng được ghép bằng nhiều vòng vải màu khác nhau

Dù xã hội có nhiều biến đổi, người Lô Lô đen ở Khuổi Khon, Cao Bằng có tiếp biến những giá trị văn hóa mới nhưng vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống của mình.

Dân tộc Lô Lô có số dân dưới 5.000 người, cư trú chủ yếu tại 2 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, cho đến nay, người Lô Lô đen vẫn giữ gìn, bảo tồn nền văn hóa truyền thống của mình. Ở một số địa phương, người Lô Lô đen còn biết khai thác tài nguyên văn hóa của dân tộc để phát triển kinh tế thông qua mở dịch vụ du lịch cộng đồng.

Tại Cao Bằng, người Lô Lô đen sinh sống tập trung ở 2 huyện Bảo Lạc, và Bảo Lâm với dân số khoảng hơn 2.800 người, chiếm 52,3% tổng số người Lô Lô tại Việt Nam. Hiện, người Lô Lô đen Cao Bằng vẫn gìn giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khá đặc sắc, phong phú như: không gian kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, kho tàng dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề thủ công truyền thống, các lễ hội truyền thống và nghi thức, nghi lễ trong cuộc sống hằng ngày…

Người dân gánh nước ở các bể nước tập trung về nhà để dùng

Người dân gánh nước ở các bể nước tập trung về nhà để dùng

Một trong những món ăn của người Lô Lô được chế biến từ cây chuối. Họ thái nhỏ thân chuối, vò nát rồi chế biến các món ăn

Một trong những món ăn của người Lô Lô được chế biến từ cây chuối. Họ thái nhỏ thân chuối, vò nát rồi chế biến các món ăn.

Một trong những địa chỉ thu hút rất nhiều khách du lịch tới tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của người Lô Lô đen là xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc. Đây cũng là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của Cao Bằng. Với khoảng 60 hộ dân, bà con dân tộc Lô Lô đen ở đây vẫn giữ nguyên được những nét văn hóa truyền thống khá độc đáo. Cảnh quan thiên nhiên được bà con giữ gìn cẩn thận với rất nhiều cây xanh, đường xóm sạch sẽ. Người dân sống trong những ngôi nhà gỗ hoặc đất thoáng mát.

Ấn tượng đầu tiên của du khách về người Lô Lô đen có lẽ là trang phục truyền thống với những màu sắc rực rỡ được trang trí bởi những đường khâu, thêu tỉ mẩn, cầu kỳ thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Phụ nữ Lô Lô đen thường mặc áo ngắn, vải chàm đen, xẻ ngực, hở bụng.

Trên nền vải đen chủ đạo, phụ nữ Lô Lô đen trang trí trên trang phục của mình những họa tiết khâu tay độc đáo, riêng biệt. Hai ống tay áo được may hẹp, nối từ khủy tay xuống đến cổ tay là 9 khoanh vải màu xanh, đỏ, tím vàng. Vạt áo trước ngực được may viền vải hoa đỏ, khuy áo bằng vải.

Sau lưng áo, phụ nữ Lô Lô đen thường may chắp một miếng vải hình tam giác kết nối với nhau tạo thành hình chữ nhật chạy dọc sống lưng. Những miếng vải đắp được thêu rất cầu kỳ, chủ yếu là tạo hình hoa văn răng cưa kiểu bông lúa, hình sóng nước, mạng nhện. Dưới gấu áo, người ta trang trí diềm hoa đỏ. Để che phần bụng hở, phụ nữ Lô Lô mặc thêm một áo lót mỏng màu trắng hồng hoặc xanh da trời bằng vải phin…

Họa tiết trang trí trên áo của người Lô Lô đen được thêu thủ công

Họa tiết trang trí trên áo của người Lô Lô đen được thêu thủ công

Phụ nữ Lô Lô đen mặc quần ống rộng, có dây đeo thắt lưng được trang trí khá cầu kỳ, đằng trước bao gồm nhiều đồng xu và chìa khóa làm bằng nhôm, đằng sau có treo 1 túi trầu được bọc bằng tấm vải nhỏ màu xanh.

Phụ nữ Lô Lô đen cũng rất ưa dùng khăn đội đầu được cuốn cầu kỳ, gồm có 3 lớp khăn, 2 lớp bên trong màu trắng, lớp bên ngoài màu đen.

Trang phục của nam giới dân tộc Lô Lô đen đơn giản hơn. Họ mặc áo thân dài màu đen chàm, xẻ tà 2 bên, cài cúc bên nách phải, mặc quần đen chàm chân què, cạp lá tọa.

Đến nay, người Lô Lô ở Khuổi Khon vẫn duy trì những nghi lễ tôn giáo do cha ông để lại. Trong đó có lễ ma khô, tức là lễ cúng tế cho người đã mất từ lâu. Khi đó, do hoàn cảnh khó khăn nên chưa thể làm đám ma ngay được. Đến khi gia chủ có đủ điều kiện thì họ mới tiến hành từng bước như làm một đám ma mới.

Những người đàn ông trong xóm đang tập trung mổ bò, giúp gia chủ chế biến các món ăn để làm “lễ ma khô”

Những người đàn ông trong xóm đang tập trung mổ bò, giúp gia chủ chế biến các món ăn để làm “lễ ma khô”

Trong lễ ma khô, người ta mổ bò, lợn để cúng tế người đã mất. Phần đặc sắc trong nghi lễ ma khô là điệu múa trống đồng. Trống đồng là đồ vật rất quý của người Lô Lô đen, vì vậy, trong những ngày bình thường, họ cất giữ cất kỹ hoặc chôn dưới đất để tránh bị hư hỏng hoặc mất trộm. Chỉ khi gia đình, dòng họ tổ chức nghi lễ phải dùng đến trống đồng họ mới đưa ra.

Đến bây giờ, người dân vẫn giữ được cặp trống đồng, thường dùng trong “lễ ma khô”

Đến bây giờ, người dân vẫn giữ được cặp trống đồng, thường dùng trong “lễ ma khô”

Trong lễ ma khô, trống đồng được treo lên cao ngang người. Sau đó, thầy cúng thắp hương rồi tưới rượu lên mặt trống và thân trống. Xong công đoạn này, thầy cúng đánh trống mời bà con hàng xóm, anh em họ hàng gần xa đến chia buồn cùng gia đình và làm lễ đưa hồn người chết về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tiếng trống đồng vang lên, tất cả đều cùng một điệu múa đồng đều và uyển chuyển, chỉ khi nào tiếng trống dừng, họ mới dừng lại. Người Lô Lô có rất nhiều điệu múa khác nhau. Để giữ gìn các điệu múa, bài hát truyền thống cũng như các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Lô Lô, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn khác nhau, trong đó có công tác khảo sát, kiểm kê di sản vật thể, tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng và tìm giải pháp phát huy văn hóa dân tộc Lô Lô đen.

Trẻ em vui đùa hồn nhiên trước ống kính của khách du lịch

Trẻ em vui đùa hồn nhiên trước ống kính của khách du lịch

Ngoài thời gian canh tác nông nghiệp, những lúc rảnh rỗi, phụ nữ trong xóm thường gặp gỡ, trò chuyện vui vẻ

Ngoài thời gian canh tác nông nghiệp, những lúc rảnh rỗi, phụ nữ trong xóm thường gặp gỡ, trò chuyện vui vẻ

Dù xã hội có nhiều biến đổi, người Lô Lô đen ở Khuổi Khon có tiếp biến những giá trị văn hóa mới nhưng vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống của mình. Chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một làng du lịch cộng đồng thân thiện thu hút khách du lịch. Việc làm này nhằm 2 mục đích giữ gìn văn hóa truyền thống và đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm đời sống phong tục của người Lô Lô của khách du lịch, giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn