Người phụ nữ bỏ công việc ổn định gắn bó 12 năm để giữ nghề truyền thống của dân tộc Nùng

29/07/2023 09:32
Chị Vàng Thị Phượng tiếp nối nghề may trang phục truyền thống từ mẹ

Chị Vàng Thị Phượng tiếp nối nghề may trang phục truyền thống từ mẹ

Nhận thấy nghề may của dân tộc Nùng có nguy cơ mai một, chị Vàng Thị Phượng (con gái nghệ nhân Tráng Thị Lan, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã quyết định nghỉ công việc hành chính ổn định về học may để giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Với nghệ nhân Tráng Thị Lan, tình yêu với nghề may bắt đầu từ thuở thiếu niên. Từ khi mới 13-14 tuổi bà đã có thể tự cắt, tự tay may cho mình một bộ trang phục truyền thống đẹp để diện đi chơi tết. Để có thể giữ được nghề truyền thống cho đến hôm nay là cả một tình yêu lớn với nghề cùng sự kiên trì, chăm chỉ bởi từng có lúc bà tưởng phải bỏ dở giữa chừng…

 Người tiếp nối giá trị truyền thống - Ảnh 1.

Nghệ nhân Tráng Thị Lan chăm chút cho từng chi tiết trên trang phục truyền thống

Được ngắm nhìn các bà, các mẹ may vá từ bé, chị Vàng Thị Phượng cũng yêu thích từng đường kim, mũi chỉ trên những trang phục truyền thống của người Tày, người Nùng. Sợ chị Phượng không kiên trì theo đuổi được với nghề nên gia đình đã định hướng cho chị Phượng theo ngành Y.

Những năm gần đây chị Phượng nhận thấy giới trẻ ít gắn bó với nghề truyền thống. Trong khi đó, mẹ chị thường rất kiên trì dạy bảo để các con cháu học tập, giữ nghề truyền thống của cha ông nhưng ít người có thể theo được.

Theo ngành Y được 12 năm. Cuối năm ngoái, chị bắt đầu học may. Khi thấy yêu nghề, bản thân học hỏi nhanh với công việc chị quyết định nghỉ việc tại Trạm y tế xã để về chuyên tâm vào nghề may.

Khi chị đưa ra quyết định nghỉ việc, người thân đều phản đối. Mọi người lo, sản phẩm chị làm ra không đẹp, không phát triển được và sợ chị Phượng không đủ kiên trì để làm nghề. Nhưng chị vẫn rất tự tin, chị tin rằng nghề truyền thống thì sẽ không bao giờ mất đi và khi gia đình đã có truyền thống thì bản thân cần có trách nhiệm giữ gìn.

"Ai cũng chọn nghề suôn sẻ thì ai sẽ tiếp nối nghề truyền thống. Gia đình làm nghề đã bao năm, hình ảnh các bà các mẹ ngồi may vá đã in đậm trong ký ức nên mình muốn lưu giữ và tiếp nối nghề để những giá trị tốt đẹp của dân tộc ngày một phát triển hơn", chị Phượng chia sẻ.

 Người tiếp nối giá trị truyền thống - Ảnh 2.

Chị Phượng được mẹ hướng dẫn cách may

Với bà Tráng Thị Lan, để có thể làm ra một bộ váy áo đẹp khiến chị em hài lòng, tự tin trong lúc biểu diễn là cả sự tâm huyết, trách nhiệm của người làm nghề. Trong quá trình may, chị Phượng chưa làm được chỗ nào bà Lan sẽ hướng dẫn đến khi làm được thì thôi.

Những trang phục của bà Lan vẫn may nguyên bản truyền thống, không lai căng chạy theo những mẫu cách tân. Theo bà Lan, may trang phục truyền thống cần sự tỉ mỉ, chăm chút cho từng đường kim mũi chỉ.

Chị Phượng vẫn đang học hỏi từng ngày để có thể tạo ra được những sản phẩm chất lượng nhất. Chị chia sẻ điều khó nhất trong may trang phục truyền thống là đường may phải tỉ mỉ, không thể may qua loa, nếu may ẩu là phải gỡ ra may lại.

Sau khi tay nghề ổn định, chị Phượng dự kiến sẽ mở rộng thị trường để quảng bá sản phẩm. Du lịch Bắc Hà đang ngày càng khởi sắc, kết hợp với sự phát triển công nghệ hiện nay chị Phượng mong muốn có thể mang những trang phục truyền thống của dân tộc mình đến với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn