Người phụ nữ Dao đưa miến dong lên sàn giao dịch điện tử

12/06/2021 17:00
Chị Triệu Thị Tá

Chị Triệu Thị Tá

Học hết lớp 3 đã phải nghỉ học theo bố mẹ lên nương nhưng chị Triệu Thị Tá (tỉnh Bắc Kạn) đã tự thành lập được cơ sở sản xuất miến dong với thương hiệu mang tên mình.

Miến dong Triệu Thị Tá

Xã Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) nơi chị Triệu Thị Tá sinh ra và lớn lên được nhiều người gọi là "thủ phủ" của cây dong riềng. Cây dong riềng mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Cũng giống như bao phụ nữ Dao khác, chị Tá đã có thời gian dài kiếm sống bằng việc trồng dong riềng và bán bột dong cho những vùng khác.

Đến các tỉnh bạn, nhận thấy người dân sản xuất miến dong cho thu nhập cao hơn, chị Triệu Thị Tá quyết định khởi nghiệp từ năm 2011. Một mình xuống Thái Nguyên xin làm công nhân tại một cơ sở làm miến, vừa học vừa quan sát. Sau hơn một tháng chị trở về quê, vay vốn đầu tư, gây dựng cơ sở sản xuất miến dong ở thôn Nà Viễn.

Chị Triệu Thị Tá chia sẻ, lúc đầu chưa nhiều kinh nghiệm nên cũng có những mẻ miến không thành công. Rút kinh nghiệm những lần thất bại, chị đã làm ra được sợi miến có thành phẩm đều, mịn, dai. Từng bước, chị mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2012, chị được cấp giấy phép kinh doanh, có bao bì và nhãn hiệu riêng. Chị đặt tên cơ sở sản xuất và sản phẩm của mình làm ra "Miến dong Triệu Thị Tá".

Điểm đặc biệt của miến dong Triệu Thị Tá là quy trình sản xuất sử dụng tinh bột dong địa phương, làm bằng thủ công với bí quyết riêng nên khi ăn dù miến nấu lại nhiều lần vẫn không bị nát. Đặc biệt, sản phẩm miến của chị đảm bảo 3 không: Không có sạn - Không hóa chất - Không phụ gia và được sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thêm một bí quyết nữa để "Miến dong Triệu Thị Tá" tạo được dấu ấn với người tiêu dùng, đó là bao bì sản phẩm in chính hình ảnh của "bà chủ" mặc bộ quần áo truyền thống của dân tộc Dao. Chị Triệu Thị Tá cho biết, chị tự lên ý tưởng làm bao bì sản phẩm rồi xuống Hà Nội đặt in. "Chất lượng sản phẩm miến dong tốt chưa đủ mà phải thêm bao bì đẹp mới thu hút khách mua. Dùng hình ảnh của mình trên bao bì cũng là cách tự nhắc nhở mình phải giữ chữ tín trong từng sản phẩm", chị Tá lý giải.

Mỗi năm tiêu thụ 70 tấn
Người phụ nữ Dao đưa miến dong lên sàn giao dịch điện tử - Ảnh 1.

Miến dong Triệu Thị Tá liên tục nhiều năm được bình chọn là "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc"

Chính nhờ những dấu ấn đặc trưng đó, sản phẩm của cơ sở sản xuất miến dong Triệu Thị Tá được người sử dụng nhớ tới. Năm 2020, tổng sản lượng miến ước đạt khoảng 70 tấn. Hiện cơ sở đã kết nối với các đại lý tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Không dừng lại ở đó, chị Triệu Thị Tá luôn chú trọng đầu tư để nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu sản phẩm. Chị cũng tìm và đưa ra thị trường sản phẩm mới, phù hợp với người tiêu dùng hiện đại như kết hợp tỏi đen với bột dong riềng để làm miến dong tỏi đen bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.

Miến dong Triệu Thị Tá liên tục nhiều năm được bình chọn là "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc", do Cục công nghiệp địa phương trao tặng. Năm 2019, miến dong Triệu Thị Tá đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Kạn.

Miến dong Triệu Thị Tá đang được bán tại các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo... với giá 55.000 đồng/500g. Liên hệ cơ sở sản xuất: Thôn Nà Viễn, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn).

* OCOP là gì?

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo định hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cơ chế thị trường.

* Cách phân hạng OCOP: dựa theo bộ tiêu chí, đánh giá theo thang điểm 100. Sản phẩm OCOP được phân theo 5 hạng sao, gồm:

- 1 sao: sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình, tổng điểm đạt dưới 30.

- 2 sao: sản phẩm đã được hình thành ở địa phương nhưng cần tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp. Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm.

- 3 sao: sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu. Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm.

- 4 sao: sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm.

- 5 sao: sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm.

* Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có thời hạn 36 tháng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.