Người phụ nữ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, các nghi lễ tốt đẹp của người Ba Na

Gia Hân - Phạm Thương
17/11/2023 - 13:00
Người phụ nữ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, các nghi lễ tốt đẹp của người Ba Na

Chị Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây (Chư Păh, Gia Lai)

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thế nhưng chị Dung (SN 1985, dân tộc Ba Na, ở làng Kon Pơ Nang, Hà Tây, Chư Păh, Gia Lai) đã nỗ lực vươn lên trong học tập và lựa chọn quay về giúp đỡ nhiều chị em quê hương cùng làm chủ cuộc sống.

Tri thức là con đường kết nối tương lai

Mỗi khi nhắc đến chị Dung, bà con trong làng đều có chung nhận xét chị là người phụ nữ giỏi giang, tháo vát và nhiệt tình. Chị đã vượt qua những rào cản khó khăn nơi vùng sâu vùng xa để tiếp cận với tri thức để làm chủ cuộc sống, làm gương cho chị em trong làng, xã cùng noi theo.

Hiện nay, chị còn được biết đến với vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây (Chư Păh, Gia Lai) thường xuyên động viên chị em học tập để có "con chữ" và hướng dẫn chị em cách ủ rượu ghè, dệt thổ cẩm đem bán nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thiếu thốn điều kiện học tập nhưng chị Dung ngay từ khi còn nhỏ đã ý thức được việc học là con đường giúp chị đến với tương lai tươi sáng. Vậy nên, càng khó khăn chị càng nỗ lực đi học, tìm kiếm tri thức. Sau nhiều nỗ lực, gái Ba Na đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Luật, chị Dung lựa chọn trở về quê nhà để cống hiến và truyền lửa cho thế hệ tiếp theo trong làng. Chị Dung vừa là người con của "núi rừng" vừa có tri thức, chị nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm của dân làng. Ban đầu, chị tham gia đoàn thanh niên xã rồi được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây. Chị Dung đã vận động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới, cùng nhau thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai tại địa phương.

Để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, các nghi lễ tốt đẹp của người Ba Na, với cương vị Phó Chủ tịch xã, chị đã cùng hệ thống chính trị các thôn làng đến tận nhà bà con, vận động mọi người cùng nhau tham gia đội cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng và các trò chơi dân gian như đi cà kheo, giã gạo… Nhờ vậy, 9 làng đồng bào DTTS trong xã đều có đội cồng chiêng, thậm chí có làng có đến 2 đội như Kon Sơ Lăl, Kon Măh…

Người phụ nữ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, các nghi lễ tốt đẹp của người Ba Na- Ảnh 1.

Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại cơ quan, chị Dung tận dụng tối đa thời gian rảnh để phát triển thương hiệu rượu ghè của quê hương.

"Tôi luôn tâm niệm phải phấn đấu hết mình, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Muốn làm được điều đó thì mình phải có kiến thức. Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tôi luôn có suy nghĩ làm sao để vươn lên phát triển kinh tế cho gia đình và cho các chị em khác trong xã. Khi kinh tế ổn định thì chị em sẽ làm chủ được cuộc sống của mình", chị Dung bộc bạch.

"Xã Hà Tây có đến 96% là đồng bào DTTS Ba Na sinh sống tại 9 làng. Chị Dung là một cán bộ gương mẫu đi đầu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng phát triển kinh tế cũng như vận động bà con cùng nhau hiến đất làm đường xây dựng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Ông Nguyễn Văn Minh- Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây

Phát triển sản phẩm truyền thống

Bên cạnh vai trò là một cán bộ gương mẫu, chị Dung còn đau đáu phát triển các sản phẩm đặc trưng của quê hương. Chị đã lựa chọn phát triển sản phẩm rượu ghè, một loại rượu thường được người Ba Na chuẩn bị trong những dịp lễ hội của làng, lễ mừng lúa mới.

Được biết, rượu ghè của chị Dung được làm từ gạo lứt và men của vỏ cây rừng ở làng Kon Pơ Nang. Rượu ghè được ủ trong 2 tuần sẽ cho ra sản phẩm cay nồng nhưng không gắt, vị ngọt thơm đọng lại rất dễ chịu và khó quên. Hương vị của men lá rừng mang đậm sự khác biệt.

Mới đây, Ban Quản lý thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức buổi lễ ra mắt thương hiệu sản phẩm "Rượu ghè Mẹ Dung". Theo đó, sản phẩm được xây dựng, thiết kế bao bì, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm; thiết kế website, thiết kế logo, đăng ký bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu tại Việt Nam.

"Khi chọn cái tên 'Rượu ghè mẹ Dung' tôi mong muốn con cháu của mình sau này luôn giữ gìn, tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, cũng như phát huy các giá trị văn hóa bản sắc tốt đẹp của người Ba Na", chị Dung chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm