Người phụ nữ Pa Kô quyết tâm khôi phục giống chuối lùn bản địa

26/07/2022 20:52
Chị Hồ Thị Hằng (áo đỏ) đã khôi phục thành công giống chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Chị Hồ Thị Hằng (áo đỏ) đã khôi phục thành công giống chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Sinh ra tại vùng đất “thủ phủ” của cây chuối lùn đang dần bị mai một, người phụ nữ dân tộc Pa Kô, chị Hồ Thị Hằng đã quyết tâm khôi phục giống chuối bản địa này. Bên cạnh đó, chị Hằng còn nhân rộng giống chuối nhằm duy trì loại cây mang giá trị kinh tế cao tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Chị Hồ Thị Hằng (SN 1982) sinh ra và lớn lên tại quê hương xã Tà Rụt mảnh đất anh hùng của tỉnh Quảng Trị. Từ một gia đình nghèo khó hàng ngày gắn bó với mùi hương chuối, sắn mì, chị nhận ra, cây chuối lùn bản địa được người đồng bào dân tộc Pa Kô trồng từ lâu đời. Tuy nhiên, với lối canh tác lạc hậu, cây trồng bản địa này gần như bị suy thoái về giống. Bởi năng suất và thu nhập từ chuối không đáng kể nên có thời gian nhiều người dân bỏ mặc, không mặn mà nữa.

Khôi phục giống chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông - Ảnh 1.

Xã Tà Rụt từng là "thủ phủ" của cây chuối lùn với hàng chục hecta được người dân trồng trên nương rẫy, trong vườn nhà.

Loại chuối lùn này khi chín rất thơm ngon, quả lại to tròn và có vị đặc trưng riêng nên nhiều người ưa chuộng. Song, vì nhiều lý do, diện tích cây trồng này ngày càng thu hẹp, canh tác manh mún.

Để phân tích kỹ về giá trị mà cây chuối bản địa mang lại, chị Hồ Thị Hằng đã khảo sát địa điểm đất liên kết nhau trong 2 năm 2017, 2018 để nghiên cứu và tìm giải pháp. Chị mong muốn thành lập mô hình tổ hợp tác để khôi phục và bảo tồn giống cây chuối bản địa.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu chị được biết trong xã chỉ có 10 hộ gia đình còn trồng vài bụi chuối rải rác trên đồi cao. Chị đã tìm cách đưa số cây này về làm giống. Tiếp đó là những khó khăn về vốn, kỹ thuật trồng. Cũng may, nơi đây là vùng đất phù sa, rộng, tốt, phù hợp cho cây trồng, công cụ và công lao động có sẵn nên công việc của chị khá thuận lợi.

Loại chuối lùn khi chín rất thơm ngon, quả to tròn và có vị đặc trưng riêng nên nhiều người ưa chuộng.

Tổ liên kết trồng chuối lùn tại xã Tà Rụt được thành lập vào tháng 5/2019 với 15 thành viên tham gia, chủ yếu là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ khi ý tưởng thành lập tổ hợp tác được đưa ra, chị Hằng cùng các thành viên trong tổ đã tham dự cuộc thi "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ tổ chức.

Nhận thấy ý nghĩa của dự án, năm 2019, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn đề xuất và được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phê duyệt Kế hoạch xây dựng mô hình "Tổ hợp tác trồng chuối lùn" tại xã Tà Rụt.

"Mô hình Tổ hợp tác trồng chuối lùn bản địa tại xã Tà Rụt nhận được kinh phí gần 236 triệu đồng do Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ và từ nguồn kêu gọi kết nối với các doanh nghiệp để mua giống chuối, thép, phân bón nhằm khắc phục hậu quả do những cơn bão, lũ năm 2020 gây ra", chị Hằng cho biết.

Sau 3 năm chăm sóc, từ số lượng chuối giống được hỗ trợ 1.800 cây giống, đến nay đã phát triển thành 8.000 cây. Từ khi trồng đến nay, có 5.900 cây chuối đã có buồng; trong đó đã thu hoạch và bán với giá trung bình 100.000 đồng/buồng. Tổng thu nhập từ việc bán chuối của Tổ hợp tác từ năm 2021 đến nay khoảng 510 triệu đồng. Bên cạnh bán chuối thành phẩm, các chị còn nhân rộng giống chuối bản địa cho các mô hình khác.

Để đảm bảo nguồn tiêu thụ chuối khi vào vụ thu hoạch, đồng thời giới thiệu sản phẩm chuối an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng, trong thời gian qua, chị Hằng cùng các thành viên Tổ hợp tác đã bàn bạc, lên phương án tiếp cận các hình thức kinh doanh online.

Cùng với đó, thông qua Hội LHPN xã, Tổ hợp tác phối hợp với Hội LHPN huyện, tỉnh liên hệ, kết nối thị trường cho các sản phẩm như mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương, kết nối với các siêu thị. Kết nối các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn để giới thiệu các đặc sản, sản phẩm chất lượng của xã nhà. Đáng mừng, sản phẩm chuối lùn bản địa đã được đưa vào bày bán ở Siêu thị Coop Mart thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Khôi phục giống chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông - Ảnh 5.

Chị Hồ Thị Hằng (trái)

Chị Hằng cho biết, loại chuối này khi chín thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng và có vị đặc trưng, nên ngoài các thương lái thu mua về bán lại, một số cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thu mua để tạo ra các sản phẩm sạch như chuối sấy dẻo, sấy lạnh, kẹo chuối…

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn, người dân chủ yếu bán cho thương lái ngoài địa phương nên đầu ra không ổn định, thường bị ép giá. Chính vì vậy, Tổ hợp tác đã có biện pháp tiêu thụ các sản phẩm do phụ nữ, mô hình tổ hợp tác của phụ nữ sản xuất, chế biến, góp phần đưa các sản phẩm sạch, an toàn đến gần với người tiêu dùng hơn. Đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy các mô hình kinh tế, các tổ hợp tác của hội viên phụ nữ phát triển một cách bền vững, giúp các hội viên giải quyết việc làm, phát triển kinh tế ổn định, tăng thu nhập, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo.

Về kế hoạch mở rộng kinh doanh, tăng số lượng khách hàng trong thời gian tới, chị Hằng cho biết, Tổ hợp tác sẽ phát triển diện tích lên 40 ha vào năm 2025; đưa cây trồng này trở thành loại cây sản xuất hàng hóa phục vụ thêm nhiều khách hàng, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Là một phụ nữ người dân tộc thiểu số, chị Hồ Thị Hằng có tư tưởng tiến bộ và nhạy bén trong làm kinh tế, sản xuất kinh doanh. Đồng thời chị cũng là người yêu giá trị nông sản truyền thống, quyết tâm giữ gìn giống cây nông sản đặc biệt của vùng đất quê hương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn