Nguyên phi Ỷ Lan - vị Quan Âm Bồ Tát tái hiện trong lòng dân

25/09/2021 18:19
Tượng Nguyên phi Ỷ Lan

Tượng Nguyên phi Ỷ Lan

Theo Hòa thượng Thích Thanh Điện, Nguyên phi Ỷ Lan có những đóng góp to lớn để in sâu giáo lý Phật giáo vào muôn dân, tác động giúp đạo Phật phát triển mạnh từ thời Lý cho đến bây giờ.

Xây chùa, chép kinh làm nền tảng cho giáo lý Phật giáo thấm sâu vào lòng dân

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, song đến thời Lý, Phật giáo đã trở thành "Quốc giáo" của dân tộc. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn Việt Nam, Nguyên phi Ỷ Lan cũng như bao người dân Việt Nam khác, thuở nhỏ thường theo bà, theo mẹ lên chùa nghe kinh, chiều về nghe tiếng mõ, tiếng chuông văng vẳng xóm làng… Từ đó, giáo lý nhà Phật đã thấm sâu và cốt cách, nhân sinh quan của bà. Do yêu mến và thấy được giá trị của Phật giáo, khi về kinh đô sống trong cảnh cành vàng lá ngọc, bà vẫn một lòng hướng theo giáo lý Di đà, tiếp tục đặt nền tảng cho Phật giáo phát triển.

Theo HT.TS Thích Thanh Điện-Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng 1 TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nguyên phi Ỷ Lan đã khởi xướng xây dựng rất nhiều ngôi chùa. Về già, bà để tâm làm việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo Phật. Tính đến năm 1115, bà đã cho xây cất 150 chùa, đền, trong đó có chùa Từ Phúc ở quê hương bà (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội).

Sử cũ có lời định đoán rằng, hẳn là bà sám hối về việc bức hại Dương Thái hậu và 72 thị nữ nên mới làm như vậy. Bà rất hối hận và cảm thấy tội lỗi khi gây ra thảm cảnh tàn khốc, luôn thấy ăn năn trước hành động của mình trong quá khứ. Những năm cuối đời, Ỷ Lan phát tâm rất chăm đi lễ chùa và cúng vái, tu bổ, xây dựng chùa chiền nhiều nơi. "Người ta cho rằng từ sâu thẳm trong tâm hồn bà, có lẽ bà luôn day dứt. Đến với đạo Phật, bà mong được thanh thản trong tâm hồn và cầu mong sẽ được tha thứ", HT.TS Thích Thanh Điện nhận định.

Được nhân dân tôn là Quan Âm nữ (Bồ Tát Quan Âm)

Dù được cho là có "vết đen" trong trang sử cuộc đời, nhưng nhìn chung, Nguyên phi Ỷ Lan vẫn là người được muôn dân kính trọng, yêu quý. Bà có cái nhìn bao dung về những người phụ nữ nghèo, phải hứng chịu nhiều thiệt thòi, uất ức. Có sách ghi lại rằng, vào năm Quý Mùi (1103), chính Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo số phận hẩm hiu bị bán đi ở đợ. Bàn về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên nói: "Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy". Nhờ có thời son trẻ sống chân lấm tay bùn vất vả ở nơi thôn dã, bà luôn hiểu rõ nông dân cần gì và làm sao để thiên hạ có thể an cư lạc nghiệp, làm sao nhân dân được ấm no hạnh phúc…

Chùa Bà Tấm - nơi thờ nhiếp chính Ỷ Lan

Chùa Bà Tấm - nơi thờ nhiếp chính Ỷ Lan

Cả cuộc đời Nguyên phi Ỷ Lan dành những tình cảm và hành động tốt đẹp, nhân từ, những việc làm nhân văn cho người dân. Đến cuối đời, bà vẫn suy nghĩ đến con dân lao động. Bà dạy dân trồng dâu, cấy lúa, nuôi tằm, làm nhiều nghề khác nhau để vươn lên trong cuộc sống, khi vùng quê nào đó bị giặc phá, lũ lụt hoành hành là lòng bà không an, giấc ngủ không ngon, luôn đau đáu tìm cách để đến và cứu giúp người dân…

Vì thế, khắp mọi vùng quê Việt Nam mới dệt nên nhiều câu chuyện ngợi ca về công đức, ân sâu trời biển của bà. Bà được tôn thờ ở nhiều nơi, nhưng đáng kể hơn cả là đình Yên Thái (ngõ Tạm Thương, phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội); đền Ghênh (thường gọi là Đền Ỷ Lan, Văn Lâm, Hưng Yên) và chùa Bà Tấm (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội).

Năm 2010, đón chào Đại Lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhân dân Dương Xá đã đề đạt nguyện vọng được tôn trí một bức tượng đài Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan người con của quê hương ngay trên bãi dâu - nơi vua Lý Thánh Tông gặp bà, cũng chính là đền thờ bà hiện nay ở chùa Bà Tấm. Những cuộc hội thảo khoa học được mở ra với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia kiến trúc, điêu khắc cũng như sử học nổi tiếng. Các chuyên gia đều nhất trí về tầm quan trọng đặc biệt của danh nhân Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan trong dòng chảy lịch sử Việt Nam và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một tượng đài nhằm tôn vinh những công lao của bà đối với đất nước, thể hiện sự thành kính của nhân dân với một nhân vật lịch sử đặc biệt, một người đã được tôn là Quốc Mẫu.

Cận cảnh pho tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan bằng đồng đã xác lập kỷ lục Việt Nam

Cận cảnh tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan bằng đồng đã xác lập kỷ lục Việt Nam

Vì vậy, tượng đài Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đã được xây dựng trong 768 ngày ở chùa Bà Tấm. Đây là tượng bằng đồng nguyên chất, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam vào năm 2012, cao 9,1m, nặng 30 tấn. Tượng đội vương miện, tay phải bắt thủ ấn, tay trái cầm Ngọc Tỷ thể hiện việc Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính thay chồng và con. Khối chân đế tượng được mềm hóa bằng cụm mây càng làm cho phong thái của tượng thêm phiêu dật thoát trần, thể hiện đúng tính chất của một vị Quan Âm nữ, một Thánh Mẫu trong lòng người Việt. Đi cùng với tượng là quần thể phù điêu bằng đá xanh Thanh Hóa thể hiện câu chuyện cuộc đời bà với những điểm nhấn quan trọng: Khi bà gặp vua Lý Thánh Tông, khi bà buông rèm nhiếp chính. Bên cạnh đó, phù điêu còn thể hiện cuộc sống, nét văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc với những nét chạm mềm mại và tinh tế.

Những dấu ấn của Nguyên phi Ỷ Lan trong các kiến trúc Phật giáo đã khẳng định vai trò quan trọng của bà trong việc xây dựng một nét văn hóa mang tính truyền thống, theo tín ngưỡng của con người Việt Nam từ ngàn đời nay. "Để tưởng nhớ, cảm ơn công đức của bà, nhân dân đã tôn vinh bà như là "Quan Âm Bồ Tát" tái hiện, hoặc đồng hóa với "cô Tấm" trong truyện cổ tích, hay với "Phật mẫu Man Nương". Bà là một linh hồn sống đi theo các thời đại phù độ chúng sinh", HT.TS Thích Thanh Điện nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn