Nhà thờ trên đảo Thanh Lân - điểm đến bình an của người dân và du khách

Nhà thờ Thanh Lân (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) đã trở thành nơi thể hiện tình đoàn kết của người dân trên đảo. Không chỉ là người theo đạo Thiên Chúa mà du khách đến đây đều không quên đến nhà thờ trên đảo để chụp cho mình, cho đoàn những bức ảnh kỷ niệm.

Huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh có 3 đơn vị hành chính gồm 2 xã và 1 thị trấn. Xã đảo Thanh Lân nằm cách biệt với xã và thị trấn, trên đảo Thanh Lân có 137 hộ theo đạo Thiên Chúa.

Nơi gắn kết người dân trên đảo

Cộng đồng dân cư trên đảo Thanh Lân được hình thành từ những người có quê ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình đến đây tiếp quản đất của người Hoa từ năm 1979. Ban đầu, chỉ khoảng chục hộ nhỏ lẻ sau hình thành các thôn xóm và đa phần những người rời quê hương đến đây phát triển kinh tế đều theo đạo Thiên chúa.

Từ năm 2015 trở về trước, trên đảo không có nhà thờ. Bà con muốn đi lễ ngày chủ nhật, phải đi một chuyến đò khoảng 30 phút sang thị trấn Cô Tô ở đảo lớn. Trong khi đò chỉ chạy 3 chuyến/ngày, buổi sáng vào khoảng 8 giờ đến trưa, chiều mới có chuyến tiếp theo. Bà con đi nhà thờ đến nơi thì gần hết lễ, lễ xong không về nhà ngay được.

Nhà thờ trên đảo Thanh Lân, địa chỉ giúp người dân yên tâm bám biển, bám đảo - Ảnh 2.

Nhà thờ xã đảo Thanh Lân

Nhiều người theo đạo Thiên Chúa ở xã Thanh Lân cho biết: "Chúng tôi đến Thanh Lân bám đảo nay tuổi đã cao, bố mẹ ở quê đã già yếu. Khi chúng tôi muốn bày tỏ đưa bố mẹ ở quê ra đảo để được phụng dưỡng, thế nhưng các cụ nhất quyết không ra, lại khuyên con cháu nên về quê sinh sống vì trên đảo không có nhà thờ. Nhiều cụ có nhu cầu đi lễ hàng ngày.

Nhất là vào các dịp lễ Noel, lễ Phục Sinh nhiều giáo dân đã phải đi đò sang đảo lớn Cô Tô ở nhờ nhà người quen. Có người vượt biển vào bờ hàng tuần để đi lễ ở nhà thờ thành phố Cẩm Phả hay thành phố Hạ Long - ảnh hưởng không nhỏ đến công việc.

Từ yêu cầu này, các giáo dân trên đảo Thanh Lân đã họp lại, viết đơn trình lên UBND huyện Cô Tô, để từ đó huyện trình lên các cấp có thẩm quyền khác về việc xây dựng nhà thờ trên đảo Thanh Lân. Được sự đồng ý của nhà nước, nhà thờ trên đảo Cô Tô đã được phép xây dựng do nhà nước cấp đất và giấy phép, người dân đóng góp công, của theo hình thức xã hội hóa.

Nhiều giáo dân cùng Ban hành giáo nhà thờ đã vận động người dân hiến đất, vậy là nhà thờ từ diện tích đất được cấp hơn 2.000m2 đã được mở rộng ra hơn 4.000m2, khởi công năm 2014 và đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2015.

Ngày nay, nhà thờ Thanh Lân đã trở thành nơi thể hiện tình đoàn kết của người dân trên đảo, không chỉ là người theo đạo Thiên Chúa mà cả người theo Phật giáo cũng đến nhà thờ. Mấy năm nay, khách du lịch đến Cô Tô, nhiều đoàn cũng ghé qua xã Thanh Lân, họ đều không quên đến nhà thờ trên đảo để chụp cho mình, cho đoàn, những bức ảnh kỷ niệm.

Niềm vui khi xã đảo có nhà thờ

Bà Trần Thị Vui cùng chồng là ông Nguyễn Văn Công, Trùm cả Giáo xứ họ đạo xã Thanh Lân, đã rất tích cực cùng Ban hành giáo Nhà thờ xã Thanh Lân đi tuyên truyền vận động người dân hiến đất và đóng góp tiền của xây nhà thờ.

Bà Vui cho hay: "Nhà thờ giúp cho đời sống tâm linh của chúng tôi ổn định hơn, không chỉ là những người cao tuổi, mà ngay cả lớp trẻ cũng rất muốn được tổ chức đám cưới, trao nhẫn cho người bạn đời của mình trước tòa thánh".

Bà Bùi Thị Ngát cùng chồng là ông Mai Công Đàm, đã góp nhiều công để xây dựng họ đạo và nhà thờ xã Thanh Lân. Năm 1993, bà Ngát cùng chồng từ quê hương huyện Nho Quan, tỉnh Nam Định tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới ở thôn 1, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô.

Bà Ngát kể: "Hồi ấy, nơi đây là bãi hoang chỉ là những cồn cát, cỏ lác xen lẫn với sú vẹt. Trước khi vợ chồng tôi đến lập nghiệp, nơi này cũng từng có người đến ở nhưng sau lại bỏ đi vì không biết làm ăn gì ở đây".

Vợ chồng bà Ngát đã tích cực khai hoang chặt cây dại mở mang diện tích đất, do biết làm ăn, nên họ cũng đã tích được chút vốn và tính chuyện mở rộng khu dân cư. Vợ chồng bà Ngát lên trình báo UBND huyện Cô Tô về việc về quê vận động người ra đảo và được chấp thuận. Vậy là họ về vùng quê Nam Định kêu gọi người dân cùng quê ra Thanh Lân làm ăn sinh sống, dần dần đã hình thành xóm Đạo.

Ngoài việc đóng số tiền lớn để xây dựng nhà thờ, vợ chồng bà Ngát còn từ những mối quan hệ trong công việc làm ăn của gia đình để kêu gọi các doanh nghiệp, người hảo tâm cùng vào cuộc.

Từ khi xã đảo Thanh Lân có nhà thờ, người dân đã yên tâm bám đảo, cũng từ đó không còn hộ dân nào rời đảo về đất liền sinh sống nữa.

Nhà thờ trên đảo Thanh Lân, địa chỉ giúp người dân yên tâm bám biển, bám đảo - Ảnh 3.

Đa phần giáo dân trên đảo Thanh Lân đều làm nghề biển


Bà Nguyễn Thị Phin, thôn 2, xã Thanh Lân mấy năm trước sống ở tỉnh Nam Định, nay được con là anh Nguyễn Đức Chi đón ra sinh sống ở Thanh Lân rất phấn khởi cùng con cháu hàng ngày làm ăn buôn bán từ tiệm tạp hóa của gia đình, chung sức xây dựng xã đảo Thanh Lân là quê hương của mình.

Nhà thờ trên đảo Thanh Lân, địa chỉ giúp người dân yên tâm bám biển, bám đảo - Ảnh 4.

Nhà thờ xã Thanh Lân trở thành địa chỉ tin cậy của bà con giáo dân sống trên xã đảo

Chị Trần Thị Ba, ở thôn 3, xã Thanh Lân, có chồng làm nghề bẫy mực, thường xuyên phải ra khơi, nhiều khi bám biển đến mấy ngày. Chị Ba bảo: "Trước đây cứ mỗi lần chồng tôi ra biển tôi thấy lo lắng lắm, nhưng từ khi xã có nhà thờ để hàng ngày cầu nguyện, tôi thấy an tâm hơn nhiều. Tôi cũng không rõ giữa tâm linh và thực tại gắn kết với nhau như thế nào, chỉ biết rằng tôi ở nhà thấy an tâm hơn khi chồng tôi đã an toàn sau mỗi chuyến ra khơi".

Nhà thờ xã Thanh Lân được xây dựng nơi đảo xa đã trở thành địa chỉ tâm linh không thể thiếu được của người dân địa phương, giúp họ yên tâm bám biển, bám đảo xây dựng đời sống ngày càng tốt hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn