Nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ lưu danh trên “Phố ta”

Mộc Anh
15/12/2021 - 14:31
Nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ lưu danh trên “Phố ta”

Tuyến phố vừa được HĐND thành phố Hà Nội quyết định đặt tên nhà thơ Xuân Quỳnh. Ảnh: Tuấn Dũng, TL

“Phố ta” là tên bài thơ được nhiều người yêu thích của Lưu Quang Vũ. Khi TP Hà Nội quyết định đặt tên 2 con phố ở quận Cầu Giấy là Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh vào ngày 10/12/2021, bài thơ này cũng như chuyện tình của cặp thi sĩ lại càng được nhắc tới nhiều hơn. Câu hát “Những con đường anh đi rồi cũng đưa anh về bên em” dường như lại càng thích hợp hơn khi hai con phố ở gần nhau được mang tên vợ chồng họ…

Hai nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đến với nhau khi đều đã nếm trải những "trái ngọt" và cả "trái đắng" của hôn nhân. Cả hai kết hôn lần đầu khi tuổi đời còn trẻ và khi ký vào tờ giấy chấm dứt hôn nhân mỗi người đều đã có một đứa con riêng.

Lúc bấy giờ, Xuân Quỳnh đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được 5 năm. Hai nhà thơ đã quen biết nhau từ lâu qua mối giao tình thơ văn của Xuân Quỳnh với gia đình và cụ thân sinh Lưu Quang Vũ. Cuộc hôn nhân đầu tiên của nữ thi sĩ "đứt gánh giữa đường" khi con trai chung với chồng cũ chưa vào lớp 1.

Năm 1972 có thể nói là "thời kỳ đen tối" nhất trong cuộc đời cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Cả hai đều đổ vỡ hôn nhân với những người mà lúc ban đầu đến với nhau đều được coi như đôi trai tài gái sắc, như hình mẫu đẹp của gia đình nghệ sĩ. Không chỉ là sự chia lìa, là nỗi đau không thể cho con một mái ấm trọn vẹn, là hai bàn tay trắng ra đi, vết thương trong trái tim Xuân Quỳnh sau khi chia tay chồng còn cứa sâu hơn thế. Lòng tin vào vào giá trị gọi là "tình yêu" hẳn đã có lúc lung lạc.

Từng có tin đồn rằng Lưu Quang Vũ là "người thay thế", "lấp chỗ trống" khi Xuân Quỳnh chới với, lâm vào tình trạng bẽ bàng - một cú "bẻ lái" liều mình, bất chấp mang ý vị trả đũa đầy đắng đót. Thế nhưng việc hai người thơ vượt qua khoảng cách thế hệ, tuổi tác (Xuân Quỳnh hơn Lưu Quang Vũ 6 tuổi), đến với nhau chung sống mặn nồng, gắn bó trọn cả chữ "tình", chữ "nghĩa" và thăng hoa trong sự nghiệp sáng tác đã cho thấy họ thực sự là định mệnh của đời nhau.

Nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ lưu danh trên “Phố ta” - Ảnh 1.

Nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ

Tình yêu đã "cảm hóa" tất cả. Cả hai đã biết sống vì nhau, hy sinh vì nhau và vì các con. Nghệ sĩ Violin Lưu Tuấn, chồng đầu của Xuân Quỳnh từng kể, khi còn chung sống ông là người đảm nhiệm phần chăm lo cho gia đình; còn nữ thi sĩ vốn là một diễn viên múa được phát hiện có năng khiếu thơ văn đã toàn lực "tập trung vào sáng tác". 

Nhưng khi đến và xây dựng gia đình với Lưu Quang Vũ, với con mắt tinh tường, trái tim đa cảm, linh cảm và cả niềm tin thánh thiện, nhìn thấy được tâm hồn, tài năng tiềm tàng trong ý chí, con người ông, bà đã thay đổi: "Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ/Trời mưa lạnh tay em khép cửa/Em phơi mền vá áo cho anh/Tay cắm hoa, tay để treo tranh/Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc…(Bàn tay em).

Tin Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh "rổ rá cạp lại" đến tai giới văn nghệ vào những ngày cuối năm 1973, nhưng trước đó, vào mùa hè năm ấy, Xuân Quỳnh đã viết những câu thơ về hình bóng: "Anh về từ trận gió/Anh về từ cơn mưa/Từ những ngày đã qua/Từ những ngày chưa tới/Từ lòng em nhức nhối..." (Anh). Và thú nhận một cách vừa băn khoăn, lo lắng, khiêm nhường vừa thổn thức hạnh phúc: "Anh, con đường xa ngái/Anh, bức vẽ không màu/Anh, nghìn nỗi lo âu/Anh, dòng thơ nổi gió.../Mà em người đời thường/Biết là anh có ở!".

Trong hồi ký "Xuân Quỳnh - một nửa cuộc đời tôi", bà Đông Mai, chị gái nhà thơ Xuân Quỳnh không tránh khỏi niềm xót xa khi kể về sự vất vả, khó nhọc và kể cả nỗi bất an thường trực của nữ thi sĩ về lẽ sống và tình yêu trong những năm tháng chung đôi cùng Lưu Quang Vũ. Thế nhưng, cuộc đời là vậy. Xuân Quỳnh đã tự nguyện đưa vai ra sớt chia gánh nặng trần ai cùng người đàn ông vừa là thần tượng vừa là người bà vừa muốn chở che - như nữ thi sĩ từng viết: "Anh thân yêu, người vĩ đại của em/Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối/Một chút mặn giữa đại dương vời vợi/Loài rong rêu ai biết tới bao giờ…" (Thơ vui về phái yếu). 

Nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ lưu danh trên “Phố ta” - Ảnh 2.

Phố Xuân Quỳnh. Ảnh: Hoàng Chiến

Trong sự hy sinh có cả một chút tự hào: "Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua/Là hạt bụi vô tình trên áo/Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo/Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn". Trong căn hộ tập thể chỉ vỏn vẹn 6 mét vuông như một bao diêm "chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình", "chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui" (Nhà chật - Lưu Quang Vũ), những ngọn diêm không ẩm ướt mà ấp ủ sinh khí để chụm lửa sáng lên lý tưởng bạn thuyền: "Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời".

Cùng nhau trải qua những long đong lận đận, rồi bao khó khăn chung của cả xã hội thời kỳ bao cấp, nhờ bàn tay vén khéo của người vợ, sự cật lực lao động sáng tác của người chồng, khi cuộc sống vật chất đã có phần khởi sắc, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ lại sớm ra đi - Một sự giã biệt bàng hoàng, đớn đau mà đến tận ngày hôm nay, mỗi lần nhắc nhớ là thêm một khắc thắt lòng với người thân, bạn hữu, người yêu thơ.

Ai yêu thơ Lưu Quang Vũ đều biết rằng suốt cuộc đời sáng tác, ngoài những bài thơ viết về đất nước hay thẳm sâu những ẩn ức không thốt nên lời, ông còn viết nhiều thơ tình cho Uyên, và nhất là cho Hiền, về người phụ nữ mà ông yêu dấu gọi là "con chim sẻ tóc xù". 

Có bài nhan đề "Gửi Hiền, mùa đông" hay đề rõ "Tặng Nguyễn Thị Hiền". Và đó cũng là những bài thơ viết hay nhất, ám ảnh nhất về tình yêu mà bài "Thư viết cho Quỳnh trên máy bay" hay "Cho Quỳnh những ngày xa" không thể nào vượt qua được. Thế nhưng, sự xuất hiện của Xuân Quỳnh trong cuộc đời Lưu Quang Vũ, sự hy sinh cao cả của nữ thi sĩ đã chắp cánh cho lao động sáng tạo trong thơ ca và phát lộ ở lĩnh vực sân khấu của người bạn đời. 

Hơn nữa, trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Xuân Quỳnh, những thi phẩm hay nhất về tình yêu, chỉ viết hướng về và nhất tâm duy nhất về một người: Lưu Quang Vũ. Và giờ đây, tên tuổi của họ đã được ghi trên: "Phố của ta/Những cây táo nở hoa/ Mùa thu đấy/Thân cây đang tróc vỏ/Con đường lát đá/Nghiêng nghiêng trong sương chiều" (Phố ta - Lưu Quang Vũ).

Nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ lưu danh trên “Phố ta” - Ảnh 3.

Phố Lưu Quang Vũ. Ảnh: Hoàng Chiến

Nhà thơ Lưu Quang Vũ, sinh năm 1948 tại Phú Thọ, quê gốc ở Đà Nẵng. Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như: "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Tôi và chúng ta", "Mãi mãi tuổi 17", "Nàng Sita"... Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm 1942 tại Hà Đông. Bà là một trong những gương mặt thơ nữ xuất sắc của văn đàn thế kỷ 20, nổi tiếng với nhiều tác phẩm như "Thuyền và biển", "Sóng", "Thơ tình cuối mùa thu", "Tiếng gà trưa"… Năm 2017, bà được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh kết hôn năm 1973. Ngày 29/8/1988, vợ chồng thi sĩ và con trai Lưu Quỳnh Thơ qua đời trong một tai nạn ôtô tại đầu cầu Phú Lương, Hải Dương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm