Nhạc cụ trong đời sống tinh thần của người S’tiêng

24/10/2022 17:01
Ảnh minh họa: Báo Bình Phước

Ảnh minh họa: Báo Bình Phước

Trong kho tàng âm nhạc của người S’tiêng, bên cạnh chiêng (chinh), cồng (goong), họ còn sáng tạo nhiều nhạc cụ truyền thống vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ hoạt động tinh thần.

Nhạc cụ từ thiên nhiên

Nhạc cụ của người S’tiêng được chế tác từ những vật liệu có trong núi rừng gồm nhiều loại, như sáo (khom pi) được làm bằng một ống nứa dài khoảng 25-30cm, đường kính 1,5-2cm, có 3 lỗ, 5 lỗ hoặc 7 lỗ bấm; thổi qua lưới gà bằng nứa bên mép ống. Sáo không sử dụng đơn độc mà thường kết hợp với các loại nhạc cụ khác trong dịp lễ hội, giao lưu kết bạn của người S’tiêng.

Nhạc cụ trong đời sống tinh thần của người S’tiêng  - Ảnh 1.

Âm nhạc của đồng bào S’tiêng đang được bảo tồn - Ảnh minh họa.

Khèn bầu (mbuốt) được sử dụng phổ biến trong đời sống người S’tiêng Bù Lơ được làm từ quả bầu khô. Bầu sau khi phơi khô lấy hết ruột, khoét 1 lỗ ở cuống trái, giữa thân khoét rỗng thông nhau. Sau đó, sử dụng 6 ống nứa dài, ngắn khác nhau kết thành 2 bè (mỗi bè 3 ống), đường kính mỗi ống từ 1,5-2cm.

Một đầu cắm xuyên qua vỏ trái bầu, mối nối được hàn kín bởi sáp ong ruồi. Một đầu có mặt bịt kín. Thân ống nứa có đục các lỗ bấm để điều chỉnh âm thanh. Khi thổi kết hợp với hơi thở phát ra âm thanh trầm bổng, mượt mà, mô phỏng âm thanh của chim, tiếng thú rừng. Khèn bầu thường được sử dụng kết hợp với cồng, chiêng trong dịp lễ hội, giao lưu kết bạn, sinh hoạt gia đình.

Đàn tre (đinh jut) thuộc bộ dây, được làm từ ống tre lồ ô, đường kính từ 5-6cm, dài khoảng 50-60cm. Đàn gồm 2 dây làm bằng cật tre được tước ra từ chính ống tre và dùng 3 mảnh tre nhỏ khác làm ngựa đàn căng dây chia đều ở 3 vị trí 2 đầu và giữa.

Ống lồ ô thường được chọn có 2 đầu mấu. Chỗ đặt ngựa đàn ở giữa có đục thủng một lỗ nhỏ. Người đánh đàn dựng một đầu ống vào bụng tạo thành góc 45 độ và dùng 2 ngón tay cái gảy dây theo tiết tấu của bản nhạc, nhịp điệu. Đàn chủ yếu được sử dụng trong các lễ hội kết hợp với cồng chiêng.

Nhạc cụ kim loại

Ngoài những nhạc cụ có chất liệu từ thiên nhiên, người S’tiêng còn có các loại nhạc cụ với chất liệu kim loại (chủ yếu được làm bằng đồng, đồng thau hoặc pha thêm gang, chì). Trong đó có cồng, chiêng.

Theo quan niệm của người S’tiêng cồng, chiêng là cầu nối con người với thế giới thần linh. Âm nhạc của tiếng cồng, chiêng đã liên kết cộng đồng người S’tiêng lại với nhau, gắn bó cả một vòng đời. Từ khi sinh ra, đứa trẻ đã được thưởng thức âm thanh của tiếng cồng, chiêng qua lễ mừng đầy cữ; lớn lên theo tiếng cồng, chiêng trong lễ mừng sức khỏe, mừng lúa mới, mừng nhà mới, đám cưới, lễ hội lên nhà lúa, cầu mưa, lễ mừng chiến thắng, mừng thọ, lễ cúng bà bóng; đến khi từ giã cõi đời, cồng, chiêng vẫn vang vọng tiễn đưa.

Người S’tiêng rất yêu âm nhạc. Nhạc cụ quan trọng nhất, đồng thời là một trong số gia tài quý ở xã hội truyền thống, là cồng và chiêng; nhóm Bù Lơ chủ yếu dùng chiêng, mỗi bộ 6 chiếc, nhóm Bù Ðek (Bù Ðêk) chủ yếu dùng cồng, mỗi bộ 5 chiếc. Người S’tiêng cũng có kho tàng truyện cổ khá phong phú, có những điệu hát của mình.

Cồng, chiêng của người S’tiêng gồm 2 loại: Cồng có 5 loại, mặt có núm, với nhiều kích thước khác nhau, chủ yếu phổ biến ở nhóm người S’tiêng Bu Đel.

Chiêng gồm 6 cái, phổ biến ở nhóm người S’tiêng Bù Lơ với nhiều kích thước khác nhau. Nếu cồng, chiêng trong các cộng đồng dân tộc Việt Nam đánh bằng dùi khi biểu diễn, thì người S’tiêng dùng tay để đấm vào mặt, chủ yếu do nam giới sử dụng.

Ngoài ra, trong đời sống của người S’tiêng còn tồn tại nhạc cụ chập cheng được đúc bằng đồng, có các kích thước khác nhau, cấu tạo giống chiếc nắp nồi, được sử dụng trong các lễ hội kết hợp với các nhạc cụ như cồng, chiêng để làm tăng nhịp điệu, tạo không khí hào hùng, sống động cho lễ hội.

Trước đây, nhạc cụ truyền thống của người S’tiêng chủ yếu sử dụng trong sản xuất và lễ hội ở các bom, sóc, điều này được quy định trong luật tục. Nhưng hiện nay, do xu thế hội nhập, cuộc sống hiện đại ngày càng văn minh, các loại nhạc cụ của người S’tiêng được sử dụng phổ biến trong các lễ hội, tết, sinh hoạt cộng đồng và biểu diễn trên các sân khấu để phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân.

Bình Phước có 41 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 40 dân tộc thiểu số, với gần 201.500 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Trong đó người dân tộc Stiêng đông nhất, với khoảng 100.000 người và sống tập trung ở các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long và Phước Long.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn