Nhận diện “hiện tượng tôn giáo mới” hoạt động vi phạm pháp luật

Một buổi truyền đạo trái phép của tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời”. Ảnh: danvan.vn

Một buổi truyền đạo trái phép của tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời”. Ảnh: danvan.vn

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam khá phong phú, hòa hợp trên tinh thần đoàn kết, theo hướng tuân thủ pháp luật. Bên cạnh những tôn giáo đã được Nhà nước công nhận còn có các "tôn giáo mới", "hiện tượng tôn giáo mới", "đạo lạ" với tên gọi, nguồn gốc và cách thức hoạt động khác nhau.

Một số đặc điểm cơ bản của "hiện tượng tôn giáo mới"


Về nguồn gốc: Xét về không gian, các "hiện tượng tôn giáo mới" xuất hiện dưới hai dạng: Hình thành ở trong nước và du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Về tính chất, có loại có nguồn gốc gắn với Phật giáo, có loại gắn với Công giáo và đạo Tin lành, có loại xuất phát từ tín ngưỡng hoặc tổng hợp từ Phật giáo và tín ngưỡng.


Về người "sáng lập": Phần lớn người sáng lập ra các "hiện tượng tôn giáo mới" có trình độ học vấn thấp, là nông dân, công nhân. Tỷ lệ phụ nữ chiếm khá cao, họ thường trải qua những biến cố trong cuộc sống, tinh thần không bình thường (có người trước đó mắc bệnh tâm thần lâu ngày, biểu hiện thần kinh không bình thường, sau khi chữa khỏi bệnh tự nhận mình có khả năng kết nối với người âm, nhận được sóng tâm linh…). Họ tự cho mình là "Phật sống", "Thánh sống"… và cho rằng tôn giáo của mình là đúng đắn nhất và mang yếu tố "cứu thế".


Về thành phần tin theo: Thành phần đa dạng, có cả cán bộ, công chức, viên chức nhưng phần lớn là phụ nữ tuổi trung niên, những người gặp rủi ro, bế tắc, quẫn bách trong cuộc sống, do ốm đau, bệnh tật, nghèo khó.


Nhận diện “hiện tượng tôn giáo mới” hoạt động vi phạm pháp luật - Ảnh 1.

Tà đạo. Ảnh minh họa


Về "giáo lý", "giáo luật", "nghi lễ": Đa số các "hiện tượng tôn giáo mới" không có giáo lý, giáo luật rõ ràng, hệ thống lý thuyết chủ yếu được lắp ghép, hỗn dung một số nội dung tư tưởng của các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống nhưng đã được cải biên mang tính cá thể và chú ý đến thế giới trần thế hơn là thế giới phi trần thế, được biên soạn theo lối thơ ca, phủ nhận các giáo lý của các tôn giáo truyền thống; có những lời khuyên, điều răn hướng thiện, thậm chí lấy danh nghĩa của các vị anh hùng dân tộc, danh nhân để viết "kinh sách" nên được nhiều người tin theo. Hình thức nghi lễ thường vay mượn của các tôn giáo truyền thống và tín ngưỡng như: Cầu xin, sám hối, ban ơn, bố thí…


Về đối tượng tôn thờ: Những "hiện tượng tôn giáo mới" có nguồn gốc từ các tôn giáo truyền thống thường cùng chia sẻ đối tượng tôn thờ với tôn giáo đó, những "hiện tượng tôn giáo mới" phát sinh từ tín ngưỡng chủ yếu lấy các hình tượng trong truyền thuyết dân gian, những người có công với cách mạng (lãnh tụ, anh hùng dân tộc,...), danh nhân…


Về tổ chức: Các "hiện tượng tôn giáo mới" thường có tổ chức lỏng lẻo, nửa công khai, nửa bí mật; mô hình tổ chức thường gọn nhẹ, đơn giản nhưng lại phù hợp với hoàn cảnh ra đời cũng như đặc điểm mang tính cá thể của nó.


Về hoạt động: Thường tụ tập sinh hoạt ở gia đình người sáng lập, gia đình các thành viên. Người đứng đầu thường tuyên truyền về "ngày tận thế", tự xưng là "con trời", "Phật tái thế", "cháu chắt các vị thánh thần" được cử xuống trần gian cứu vớt chúng sinh khỏi diệt chủng, khuyên mọi người chuyên tâm đọc kinh sách và thường gắn với hoạt động chữa bệnh bằng tâm linh. Một số loại có hành vi phản văn hóa, đi ngược lại đạo đức, lối sống truyền thống của dân tộc; một số loại bị lợi dụng vào mục đích chính trị phản động.


Với sự ra đời và phát triển nhanh chóng, cho thấy không thể phủ nhận sự hiện diện "có lý" của các "hiện tượng tôn giáo mới" trong đời sống tôn giáo nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Có những "hiện tượng tôn giáo mới" có vai trò an ủi tinh thần, xoa dịu những bất trắc trong cuộc sống của một bộ phận nhân dân, là chỗ dựa tinh thần, vỗ về giúp họ bớt căng thẳng, thoát ra khỏi phiền muộn để an tâm và tự tin hơn trước cuộc sống. Đồng thời, có vai trò liên kết cộng đồng trong các mặt của đời sống, nhất là đời sống tinh thần của bộ phận người dân; thúc đẩy sự hướng thiện của con người trong đời sống xã hội, răn dạy người đời phải "tu nhân, tích đức", hướng tới sự thành kính, biết ơn công lao của những vị danh nhân, anh hùng có công với quê hương, đất nước.


Tuy nhiên, không ít "hiện tượng tôn giáo mới" có nội dung, hoạt động mê tín dị đoan theo chiều hướng thương mại hóa, nhằm phục vụ mục đích trục lợi của một số cá nhân, mang tính phản văn hóa, phi đạo đức, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe và nhân phẩm con người, tác động xấu tới tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương.


Nhận diện “hiện tượng tôn giáo mới” hoạt động vi phạm pháp luật - Ảnh 2.

Một buổi tuyên truyền về phòng chống tà đạo tại bản Háng Trợ, xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Mai Phương


Đặc biệt, một số hiện tượng có xu hướng chính trị hóa, phê phán xã hội thực tại và chính quyền, gây phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân, một số bị lợi dụng, xuyên tạc chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.


Phân biệt "tà đạo" với tôn giáo thuần túy


Từ thực tiễn hiện nay cho thấy, có những "hiện tượng tôn giáo mới" biến tướng, hoạt động vi phạm pháp luật, thường được gọi là "tà đạo", với đặc điểm sau:


Thứ nhất, "tà đạo" là thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ các "hiện tượng tôn giáo mới" tiếp thu một số thành phần trong giáo lý, giáo luật, lễ nghi của tôn giáo truyền thống mà hình thành lên nhưng lại thoát ly khỏi ảnh hưởng và đối lập với tôn giáo truyền thống;


Thứ hai, "tà đạo" mang tính cực đoan, phản văn hóa, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa; phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; hoạt động vi phạm pháp luật, tác động xấu đến an ninh trật tự, thậm chí mang màu sắc chính trị, chống phá Nhà nước, đi ngược lại lợi ích dân tộc.


"Tà đạo" được phân biệt với tôn giáo thuần túy ở những điểm cơ bản sau:


Một là, "giáo lý" và "giáo luật", "lễ nghi" của các "tà đạo" có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan, trái với đạo đức văn hóa truyền thống, mang nặng yếu tố phản văn hóa, phản khoa học, hủy hoại sức khỏe, tài sản của con người như: Phá bỏ bàn thờ tổ tiên, chỉ cầu cúng thần, Phật, không cần lao động có thể trả hết nợ nần, uống nước lã để chữa bệnh... xúc phạm đến niềm tin, giáo lý của các tôn giáo truyền thống gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân, gây chia rẽ khối đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc.


Hai là, mục đích hoạt động của "tà đạo" là vì lợi ích của "giáo chủ". Với chiêu thức tự xưng là thần, Phật phán truyền những điều ma mị để quy tụ "tín đồ", đưa ra quy định buộc người theo phải đóng tiền hoặc mua những "đồ dùng việc đạo" do họ kinh doanh với giá tiền đắt hơn nhiều lần so với giá trị thật nhằm phục vụ mục đích trục lợi cho "giáo chủ". Các "giáo chủ" còn lợi dụng việc "mở đạo", "truyền đạo" để khuếch trương thanh thế, phê phán xã hội và chính quyền, kích động sự chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, gây rối trật tự xã hội, thậm chí chống phá Nhà nước. 


Khi đã lôi kéo được "tín đồ" theo, họ sẽ chi phối, trói buộc bằng thần quyền, dẫn dụ "tín đồ" tin và làm theo lời "giáo chủ" như: Không được tiếp xúc và quan hệ với người khác niềm tin tôn giáo, từ bỏ các phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống, phủ nhận, bài xích các tôn giáo chính thống, thậm chí không tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương...


Ba là, phương thức hoạt động của các "tà đạo" chủ yếu là bí mật, lợi dụng những sơ hở của pháp luật, lẩn tránh sự quản lý của Nhà nước để tuyên truyền phát triển "đạo". Để dễ dàng thu nạp người tin theo, người đứng đầu "tà đạo" thường lợi dụng những địa bàn khó khăn, những cộng đồng người có hoàn cảnh đặc biệt để dụ dỗ, lừa bịp, lôi kéo người vào "đạo", họ lợi dụng việc tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường, các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thiền định, ăn chay, đào tạo ngoại ngữ… nhằm hợp pháp hóa việc tập trung "tín đồ" hoạt động tôn giáo trái pháp luật.


Có thể nói, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng dẫn đến sự gia tăng các "hiện tượng tôn giáo mới" với hoạt động đa dạng, phức tạp, một số loại còn gây ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, mà còn tạo nên những hệ lụy về kinh tế, chính trị - xã hội và an ninh trật tự ở một số địa phương. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, tuyên truyền những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống để quần chúng nhân dân giữ gìn, phát huy, cần tăng cường cung cấp thông tin về các "tà đạo", các hoạt động tôn giáo trái pháp luật để người dân biết, không tham gia, đồng thời đấu tranh để loại bỏ ra khỏi cộng đồng xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.