Nhiều điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

18/07/2022 16:28
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

VPHC trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo bị phạt tới 60 triệu đồng

Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, sau 03 năm triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương tiến hành sơ kết 03 năm triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật này.

Kết quả sơ kết cho thấy, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cũng còn có những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Các hành vi vi phạm này chủ yếu liên quan đến Điều 5 của Luật (các hành vi bị nghiêm cấm như phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm hại đạo đức xã hội; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; trục lợi); vi phạm quy định trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như vượt quá các quyền đã được quy định trong Luật, không thực hiện nghĩa vụ; có vi phạm trong hoạt động tín ngưỡng như không đăng ký hoặc không đăng ký bổ sung hoặc tổ chức hoạt động tín ngưỡng không đúng với văn bản đăng ký; việc tiếp nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài không đúng mục đích…

Các hành vi vi phạm này cần được xử lý để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thực hiện pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Trong khi đó, do chưa có quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nên nhiều hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được xử lý hoặc không thể xử lý.

Bên cạnh đó, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Luật XLVPHC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, trong đó Quốc hội quy định lĩnh vực "tín ngưỡng, tôn giáo" là một trong các lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là 30 triệu đồng, đối với tổ chức là 60 triệu đồng.

Để xử lý kịp thời những hạn chế, vướng mắc như đã nêu trên qua thực tiễn sơ kết 03 năm triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162, đồng thời để phù hợp với các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật XLVPHC thì việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết.

Tổ chức VPHC lĩnh vực tôn giáo bị phạt tối đa 60 triệu đồng

Dự thảo nêu rõ, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đối với cá nhân là 30 triệu đồng và đối với tổ chức là 60 triệu đồng.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khoẻ, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi: Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; chức sắc, chức việc vi phạm; tước quyền sử dụng văn bản chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo từ 06 tháng đến 12 tháng… Biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc xin lỗi công khai; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được…

Đề xuất bổ sung quy định hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến

Đây là đề xuất của Bộ Nội vụ tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP.

Khi thực hiện hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến hay kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến thì đều phải tuân thủ Hiến pháp, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật khác có liên quan.

Hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến là nội dung mới trong pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Dự thảo Nghị định bổ sung nội dung này nhằm tạo thuận lợi, căn cứ pháp lý cho các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của công dân Việt Nam, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam thực hiện được trong mọi hoàn cảnh (kể cả dịch bệnh) khi thực hiện các hoạt động theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc quy định này mặt khác còn giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có căn cứ thực hiện trách nhiệm khi được Nhà nước trao quyền nhằm đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người. Dự thảo quy định đối với trường hợp hoạt động tôn giáo đã được thông báo hoặc chấp thuận khi thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp hình thức trực tiếp với trực tuyến thì thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp hoạt động tôn giáo chưa được thông báo hoặc chưa được chấp thuận khi thực hiện trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến thì phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại các điều tương ứng của Luật và Nghị định thay thế.

Bộ Nội vụ cho biết, qua kết quả sơ kết 3 năm triển khai thi hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, bên cạnh các kết quả đạt được, Nghị định số 162 cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Cụ thể, một số quy định tại Luật chưa có biện pháp chi tiết dẫn tới quá trình thực hiện còn thiếu thống nhất, chưa có hiệu quả trên thực tiễn, gây lúng túng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi áp dụng, như điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; thay đổi người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo (đây là một trong những trường hợp dẫn đến giải thể các tổ chức được quy định tại Điều 31 và Điều 42 của Luật); phục hồi hoạt động tôn giáo cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phục hồi hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo.

Bên cạnh đó, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, một số hình thức hoạt động tôn giáo mới xuất hiện, như sinh hoạt tôn giáo, tổ chức các hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến đã phát sinh nhưng chưa có quy định điều chỉnh và biện pháp để quản lý cho phù hợp.

Với những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định của Nghị định số 162 và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế cho Nghị định này là thật sự cần thiết.

Bổ sung quy định về sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam

Dự thảo bổ sung 03 điều liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, gồm Điều 7, 8 và Điều 9, cụ thể:

Điều 7 về điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;

Điều 8 về trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;

Điều 9 về trình tự, thủ tục thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam đã được quy định tại Điều 47 của Luật. Thực tế việc chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam cũng đã được UBND cấp tỉnh thực hiện cơ bản đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người nước ngoài trong những năm qua. Tuy nhiên, Luật và Nghị định số 162 chưa có quy định về điều kiện để được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện; trình tự, thủ tục thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam (điều này dẫn đến không có căn cứ pháp lý để UBND các tỉnh, thành thực hiện khi người nước ngoài có nhu cầu).

Do vậy, dự thảo Nghị định thay thế đã bổ sung Điều 7, 8, 9 về các nội dung nêu trên để các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình thực thi Luật và thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc quy định này là biện pháp để đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho cả phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài.

Xem dự thảo tại đây

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn