Nhiều lần mẹ "rớt tim” vì con tăng động

19/09/2017 - 18:35
Có con 4 tuổi bị tăng động giảm chú ý, chị Đinh Ngọc Mai (Ý Yên, Nam Định) không ít lần hú hồn, tim rớt ra ngoài khi con có những hành động nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự an toàn của con.

Chị Mai cho biết, con trai chị được chẩn đoán tăng động giảm chú ý từ năm 2 tuổi. Bé chạy nhảy rất nhiều và không chú ý lời nói của bố mẹ. Bé rất hay ngậm, nhai bất cứ thứ gì bé thấy. Chính vì quá hiếu động, luôn chân luôn tay và không chú ý lời nói của bố mẹ nên bé không ít lần khiến bố mẹ hú hồn.

Chạy nhảy nhiều đến mức đi đâu, làm gì, vợ chồng chị Mai lúc nào cũng phải canh chừng, dán mắt vào con. Bởi, ở bất cứ đâu, chỗ đông người, nguy hiểm, nếu rời mắt 1 giây, bé cũng có thể chạy khỏi tầm nhìn của bố mẹ. “Có lần, mẹ đưa con qua nhà bác chơi bằng xe đạp điện và cho bé đứng đằng trước. Vậy mà, vừa dừng xe, bé vụt chạy xuống, băng qua đường rất nguy hiểm”, chị Mai kể lại một trong vô số lần thót tim liên quan đến con.

Điều khiến chị Mai lo lắng nhất là vì thiếu sự chú ý nên những hành động của con rất dễ gây hậu quả cho con. “Có lần, con làm vỡ cốc và bị ngã. Mảnh thủy tinh cứa vào tay con khiến con đau và hoảng. Con cứ chạy và kêu khóc. Bố mẹ vất vả lắm mới giữ chặt được con để băng bó cho con. Nhìn con bị mất rất nhiều máu mà xót xa vô cùng”.

Theo chị Mai, đó chưa phải là khó khăn lớn nhất với mẹ có con bị tăng động giảm chú ý. “Bởi, khó khăn nhất là những lúc con ốm, con bị thương mà không thể nói được, nhìn con không bình thường như bao bạn khác, lại chịu ánh nhìn kỳ thị từ mọi người xung quanh. Quả thực, đó mới là điều khiến bố mẹ rất đau lòng. Nghĩ đến chuyện sau này nếu con mãi như vậy thì không bố mẹ nào cầm nổi nước mắt.

tre-tang-dong1.jpg
Con tăng động giảm chú ý chạy nhảy nhiều, không để ý đến lời nói bố mẹ thường có những hành động nguy hiểm đến sự an toàn của con. Ảnh minh họa không phải nhân vật trong bài

 

Sự kỳ thị ấy ở quê càng nghiệt ngã khi mọi người không hiểu rõ về hội chứng tự kỷ, về tăng động giảm chú ý. Họ không ngần ngại phán xét, quy chụp con là đứa trẻ có vấn đề về thần kinh. Họ xa lánh, không cho con họ chơi cùng, họ chỉ trỏ, chép miệng, bàn tán… Nếu không có “thần kinh thép” thì bố mẹ sẽ chán nản mà buông xuôi, không muốn cho con ra khỏi nhà, không muốn đưa con đi đâu, gặp gỡ ai.

Ở quê, việc tìm kiếm trung tâm chuyên biệt cho con là điều vô cùng gian nan bởi việc can thiệp cho trẻ tự kỷ ở các vùng quê không được coi trọng. Thế nên, ngày nào cũng vậy, tôi phải chở con vượt quãng đường 30 km để đưa con lên thành phố học. Những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa hai mẹ con phải trùm áo mưa, con co rúm vì sợ sấm chớp. Mẹ đi đường lo thót tim vì chỉ sợ con quá khiếp đảm mà nhảy xuống giữa đường hay quẫy đạp mà ngã cả hai mẹ con.

4 tháng ròng rã, kiên trì, nhưng tình hình của con cũng chưa có tiến triển nhiều. Con đã đỡ chạy nhảy hơn, biết tự đi vệ sinh và biết chơi trò xếp hình đơn giản. Bao nhiêu cố gắng của bố mẹ và hành trình gian nan của con nhưng kết quả con không mấy tiến bộ. Thế nhưng, chúng tôi không được phép nản lòng vì điều đó. Bố mẹ của những đứa trẻ đặc biệt phải xác định, dù có vất vả thế nào thì vẫn luôn cần có một niềm tin vào tương lai để cùng con bước tiếp trên con đường còn đầy nhọc nhằn phía trước”. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm