Nhiều mô hình bảo tồn văn hoá truyền thống trước nguy cơ thất truyền

20/08/2023 14:31
Phụ nữ Dao quần chẹt ở Yên Lập hát các bài hát tưởng nhớ tổ tiên

Phụ nữ Dao quần chẹt ở Yên Lập hát các bài hát tưởng nhớ tổ tiên

Huyện Yên Lập (Phú Thọ) hiện có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường và Dao. Trước nguy cơ văn hoá truyền thống bị thất truyền, chính quyền và người dân đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm gìn giữ và bảo vệ.

Mảnh đất giàu di sản

So với các địa phương trong tỉnh, Yên Lập có nhiều lợi thế với: hai Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là Lễ cấp sắc và Lễ Tết nhảy của người Dao quần chẹt; Lễ hội Mở cửa rừng của dân tộc Mường hiện đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bên cạnh đó, huyện còn có các khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Đình Phục Cổ (xã Minh Hòa) và căn cứ Tôn Sơn (Mộ Xuân, xã Xuân An)…

Những năm gần đây, nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa trước nguy cơ thất truyền, huyện Yên Lập đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa. Cụ thể: khai thác hiệu quả đề tài khoa học cấp tỉnh "Điều tra, nghiên cứu, phục dựng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội dân gian dân tộc Mường huyện Yên Lập"; triển khai dự án cấp tỉnh "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Lung"; phối hợp khảo sát, lập hồ sơ di sản văn hóa "Lễ hội mở cửa rừng của dân tộc Mường" để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…

Yên Lập (Phú Thọ) nỗ lực bảo tồn văn hoá truyền thống trước nguy cơ thất truyền - Ảnh 1.

Múa Bát của người Dao quần chẹt ở Yên Lập, Phú Thọ. Ảnh doingoaituyenquang.gov.vn

Được biết, trên địa bàn huyện hiện có 34 di tích, chủ yếu là những công trình kiến trúc đình, đền, chùa phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương. Cùng với đó là các lễ hội truyền thống, các thể loại văn nghệ dân gian như: Lễ hội mở cửa rừng, múa trống Đu, múa Sênh tiền, hát Ví, hò Đu của người Mường; Lễ cấp sắc (lập tĩnh), múa Chuông, múa Rùa, lễ Tết nhảy, lễ cúng Bàn vương của người Dao; tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Mường, Dao. Đặc biệt, Yên Lập tự hào có hai di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt xã Xuân Thủy và lễ Tết Nhảy của người Dao quần chẹt xã Nga Hoàng.

Nở rộ các mô hình gìn giữ văn hoá địa phương

Bám sát nội dung của Nghị quyết, Kế hoạch đã ban hành, các cấp, các ngành đã nỗ lực tuyên truyền, tập trung huy động các nguồn lực phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện thành lập được 19 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian/17 xã, thị trấn, 133 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian ở các khu dân cư; có nhiều xã, khu dân cư thành lập câu lạc bộ giữ gìn, sử dụng tiếng dân tộc Dao. Huyện cũng đã tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn 210 nhà sàn truyền thống dân tộc Mường trên địa bàn các xã, thị trấn…

Yên Lập (Phú Thọ) nỗ lực bảo tồn văn hoá truyền thống trước nguy cơ thất truyền - Ảnh 2.

Lễ cúng Bàn vương

Tại xã Nga Hoàng, có gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Dao và người Mường. Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, năm 2021 Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết 12 về "Giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, UBND xã cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch học chữ Nôm Dao, khuyến khích phụ nữ Dao truyền dạy cách may, thêu thùa trang phục người Dao, huy động đông đảo thế hệ trẻ tham gia.

Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; nhiều cá nhân tự nguyện truyền dạy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như: Dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao; truyền dạy nghệ thuật múa Trống đu... Tiêu biểu như bà Phùng Thị Văn ở khu Ao Bòng (xã Nga Hoàng) luôn mong muốn được truyền dạy bản sắc văn hóa của người Dao để thế thệ sau biết trân trọng, giữ gìn. Bà luôn khuyến khích, động viên con cháu trong gia đình trò chuyện với nhau bằng tiếng người Dao, mặc trang phục người Dao vào những dịp quan trọng.

Yên Lập (Phú Thọ) nỗ lực bảo tồn văn hoá truyền thống trước nguy cơ thất truyền - Ảnh 3.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Yên Lập. Ảnh: Sở Văn hoá Phú Thọ

Là địa phương được chọn xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng, xã Mỹ Lung có 11 dân tộc cùng sinh sống trong đó dân tộc Mường chiếm đa số. Tận dụng lợi thế địa phương, xã đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và khai thác nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như thác Quạt, thác Dùng, thác 100 tầng, ngòi Lao, khe Mu, khe Da, động cá núi Đỗng… Các đặc sản ẩm thực của dân tộc Mường như: cơm xôi, thịt chả vẳn, thịt trâu nấu lá lồm, da trâu nấu canh bôn, gỏi cá, dưa lóng chuối rừng... cũng được lan toả rộng rãi đến du khách. Ngoài ra, địa phương còn có thể kết hợp du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, du lịch cộng đồng với lễ hội "cầu khai xuân" gắn với hội thi cấy, vật, trèo cột mỡ, chơi đu, đua mảng, đánh bắt cá trên ngòi Lao, ném còn…

Phát triển văn hoá tạo đà cho phát triển kinh tế

Nhận rõ giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc, nhằm phát huy và lan toả sâu rộng trong đời sống đồng bào, những năm gần đây, huyện Yên Lập đã triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương như: Tuyên truyền người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống; nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống của người dân địa phương; bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian; xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản về bảo tồn và phát huy làng truyền thống...

Yên Lập (Phú Thọ) nỗ lực bảo tồn văn hoá truyền thống trước nguy cơ thất truyền - Ảnh 4.

Thác Quạt - địa điểm du lịch hấp dẫn ở xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập. Ảnh: Báo Phú Thọ

Cùng với đó, huyện Yên Lập đã triển khai các kế hoạch chuyên đề, lồng ghép vào các phong trào hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa ngày càng được quan tâm đầu tư, nâng cấp thông qua các đề án, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những bước chuyển biến rõ rệt, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đấu tranh bài trừ các tập quán lạc hậu, đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân, có tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao quần chẹt được thực hiện hiệu quả, thiết thực, thu hút được sự tham gia của cộng đồng.

Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lập Đinh Thế Anh cho biết, các thiết chế văn hóa, thể thao đã và đang phát huy hiệu quả, đưa phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của thị trấn ngày càng phát triển. Hoạt động giao lưu, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Qua đó, giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cơm lam và xôi ngũ sắc - đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Lập

Giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hoá không chỉ là tài sản tinh thần để giáo dục truyền thống cho người dân, mà còn là những giá trị vật chất thông qua quá trình đưa di sản văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch. Việc tăng cường quảng bá, giới thiệu những giá trị di sản văn hóa, điểm du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm khai thác đầy đủ các giá trị di sản văn hóa ở Yên Lập, chính là góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân trên địa bàn huyện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn