Nhớ thuở góp bưởi, góp bánh để phá cỗ Trung thu xưa

21/09/2021 08:32
Ngày xưa, thường đến hôm Trung thu, trẻ em mới được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Ảnh minh họa: ST

Ngày xưa, thường đến hôm Trung thu, trẻ em mới được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Ảnh minh họa: ST

Ngày đó, niềm vui Trung thu giản dị lắm. Chỉ cần một đêm trăng tròn không mưa, trẻ con cả xóm sum tụ lại, đứa mang theo bánh, đứa xách quả bòng, thế là đã có một đêm trông trăng vui vẻ.

Kể từ lúc xa nhà, lên Hà Nội học đại học, mỗi năm tôi đều ước Trung thu vào đúng dịp cuối tuần để được về nhà. Dẫu bao năm, Trung thu ở quê vẫn vậy. Ngày hôm ấy mẹ sẽ đi chợ sớm, mua món gì đó ngon ngon, đợi buổi tối cả nhà đông đủ thì nấu một bữa thịnh soạn. Mấy chị em hít hà bên mâm cơm thơm nức mũi. Ăn uống xong, mẹ cắt bánh mời bà, cả nhà cùng ăn bánh, uống trà trông trăng.

Bà ngồi thủ thỉ kể lại những câu chuyện đã xa. Trung thu năm nào hai đứa còn bé tẹo, háo hức đi rước đèn, chờ mãi mà mẹ bận chưa giúp được, nên hai chị em loay hoay tự thắp nến, luống cuống thế nào cháy cả tóc, cháy cả đèn ông sao. Khóc lóc một hồi, rồi chợt nhớ ra sắp đến giờ phá cỗ, hai đứa mải móng chạy ra sân nhà văn hóa, chẳng cần đèn ông sao nữa.

Bây giờ đầy đủ hơn, quanh năm lúc nào cũng có quà bánh, nên trẻ con chẳng thèm thuồng thứ gì, chứ trước kia thì thèm thuồng đủ thứ. Đến Tết thì thèm giò nạc, bánh chưng, thịt đông, Trung thu thì thèm bánh nướng, bánh dẻo. Thời ấy kinh tế còn khó khăn, nên không có chuyện trẻ con được ăn bánh trung thu rả rích suốt tháng như bây giờ.

Nhớ thuở góp bưởi, góp bánh để phá cỗ Trung thu xưa - Ảnh 1.

Ngày xưa có đèn ông sao để vui Trung thu là sang lắm. Ảnh minh họa

Đầu tháng, mấy hàng tạp hóa ở đầu làng mới bắt đầu bán bánh trung thu, nhưng chỉ lác đác vài người mua. Đến rằm, mẹ mới mua một cặp bánh nướng, bánh dẻo về thắp hương. Hai chị em tôi háo hức từ lúc đó, ước thời gian trôi thật mau để đến lúc được ăn bánh. Nhưng khi mẹ cắt bánh ra, hai đứa chỉ ăn được một miếng bé tí là chán. Trước kia, tôi nhớ chỉ có bánh nướng nhân thập cẩm. Chị em tôi chỉ thích ăn phần vỏ bánh, còn nhân bánh thì để phần mẹ. Riêng bánh dẻo thì quá ngọt và mau ngán, nên hai đứa phải chung nhau một miếng mới hết.

Đêm rằm tháng tám, trăng sáng như gương. Trăng thì rằm tháng nào cũng có, nhưng trăng rằm tháng tám luôn sáng và đẹp nhất. Nếu được về nhà, Trung thu năm nào ba bà cháu cũng đem ghế ra sân ngồi trông trăng. Tháng tám cũng là mùa mưa bão. Buồn nhất là những năm mưa dầm dề suốt cả ngày rằm. Thế chẳng khác nào chị Hằng và chú Cuội đều rủ nhau đi trốn. Dẫu có ê hề bánh trái, ai cũng thấy trong lòng chông chênh.

Trung thu, thích nhất vẫn là được ra nhà văn hóa phá cỗ. Từ hôm mười ba, mười bốn, đã nghe các bác, các bà, các cô cùng với mấy anh chị trong Đoàn Thanh niên lên kế hoạch tổ chức Trung thu cho đám trẻ con. Mọi ngày, đi học về cả đám chỉ mải nói chuyện với nhau, chẳng cần quan tâm đến trời trăng mây nước gì. Thế mà sắp đến Trung thu, cả đám đi qua nhà văn hóa là phải đứng lại, ngó nghiêng một tẹo.

Ban trưa, mới thấy các anh các chị đang dựng sân khấu, thế mà đến chiều, mọi thứ cũng đã hòm hòm cả rồi. Đám trẻ lớn, lớp bốn, lớp năm, nhất là mấy đứa khéo tay còn được phụ các anh, các chị trang trí sân khấu nữa, nên đứa nào cũng hí hửng ra mặt.

Nhớ thuở góp bưởi, góp bánh để phá cỗ Trung thu xưa - Ảnh 2.

Đèn lồng từ vỏ lon bia, hay vỏ hộp sữa không bắt mắt, nhưng vừa bền lại tiết kiệm, nếu không may làm rơi cũng chẳng sợ hỏng

Chờ mãi đêm rằm cũng đến. Nhà nhà ăn cơm sớm hơn thường lệ để con nít ra sân nhà văn hóa vui Trung thu. Thời đó, đứa nào có cây đèn ông sao bằng giấy kính là sang lắm rồi. Cây đèn cán đỏ như son, cầm một lúc là phẩm màu bám đầy tay, không cẩn thận còn bám ra quần áo, dính lên cả mặt mũi, ấy thế mà vẫn thích.

Cả đám trẻ nhỏ tụ tập ở sân nhà văn hóa cùng nhau phá cỗ, rước đèn rồi hát hò ầm ĩ. Bình thường ở nhà chị em tôi chê nhân bánh nướng ngây ngấy mỡ phần, còn bánh dẻo thì ngọt quá nên chẳng đứa nào ăn. Thế mà đến chỗ đông bạn đông bè thì ăn cái gì cũng thấy ngon. Thế mới lạ!

Cái làng nho nhỏ của chúng tôi vốn nghèo nàn và tĩnh mịch, Trung thu và Tết là hai dịp hiếm hoi đâu đâu cũng sáng đèn. Từ tháng trước, đám trẻ con còn trữ một đống hạt bưởi phơi khô, để dành đến Trung thu thì đốt. Tiếng hạt bưởi cháy lép bép ấy thế mà vui phải biết.

Chú Phúc, bố thằng Hưng hàng xóm nhà tôi là người rất khéo tay. Năm nào chú cũng làm cho Hưng mấy cái đèn lồng từ vỏ lon bia, hay vỏ hộp sữa Ông Thọ. Mấy cây đèn ấy không bắt mắt, nhưng độc đáo, vừa bền lại tiết kiệm, nếu không may làm rơi cũng chẳng sợ hỏng. Đèn ông sao chỉ chơi được một hôm Trung thu là chán, còn đèn của Hưng thì lạ lắm, chơi mãi vẫn thấy thích.

Mấy năm sau chú Phúc đi làm xa, chẳng Trung thu nào kịp về nhà. Thằng Hưng buồn lắm, đám trẻ con chúng tôi cũng buồn. Còn đâu ngọn đèn lồng bằng vỏ lon lấp lánh ánh nến. Đám trẻ cứ mang theo nỗi buồn ấy mà lớn lên!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.