Những cộng đồng trên thế giới mà phụ nữ là rường cột

24/08/2021 17:21
Nam nữ người Garo ở Ấn Độ

Nam nữ người Garo ở Ấn Độ

Xã hội mẫu hệ, nơi phụ nữ nắm quyền, đã tồn tại dưới hình thức này hay hình thức kia trong hàng nghìn năm. Hiện nay, chế độ mẫu hệ trong một số cộng đồng dân tộc ở nhiều quốc gia vẫn được duy trì phát triển.

Xã hội mẫu hệ (Matriarchal societies), hay chế độ mẫu quyền là một hình thái tổ chức xã hội, trong đó người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ, giữ vai trò lãnh đạo, quyền lực và tài sản được truyền từ mẹ sang cho con gái.

Chế độ mẫu hệ phổ biến ở hầu hết dân tộc trên thế giới trong trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Khi xã hội càng phát triển thì vai trò người đàn ông càng lớn. Điều này giải thích vì sao hiện tại các dân tộc trên thế giới hầu hết đều chuyển sang chế độ phụ hệ, chế độ mẫu hệ chỉ còn có ở các dân tộc thiểu số, kém phát triển.

Người Mosou

Sống gần biên giới Tây Tạng thuộc tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, Trung Quốc. Người Mosuo có lẽ là xã hội mẫu hệ nổi tiếng nhất ở châu Á. Chính phủ Trung Quốc chính thức phân loại họ là một bộ phận của dân tộc thiểu số khác có tên là Naxi, nhưng hai dân tộc này lại khác nhau cả văn hóa lẫn ngôn ngữ. Người Mosuo có khoảng 40.000 dân, sống theo mô hình đại gia đình theo kiểu mẫu hệ. Theo truyền thống, họ sống chung, con cái ở cùng nhà với mẹ, anh chị em ở cùng với nhau suốt đời. Vị trí trưởng gia do Ah mi (nữ trưởng lão) nắm giữ. Ah mi quản lý tài chính và quyết định mọi việc, trước khi qua đời, họ giao quyền lại cho con hoặc cháu gái chỉ định. Trẻ em sinh ra lấy họ của mẹ.

Những cộng đồng trên thế giới mà phụ nữ là rường cột - Ảnh 1.

Người Mosuo

Người Mosuo duy trì tục lệ hôn nhân qua đường (walking marriages), các cặp vợ chồng không bao giờ sống cùng nhau. Tục lệ này có thể vắn tắt như sau: Khi bước vào tuổi trưởng thành, phụ nữ Mosuo có quyền quan hệ không giới hạn với nam giới. Quy định của người Mosuo cho phép quan hệ tình dục vào ban đêm. Tuy nhiên, đàn ông chỉ có thể ở lại nếu được phụ nữ đồng ý và rời đi trước khi bình minh lên. Nếu ưng thuận ai, phụ nữ Mosuo giữ anh chàng "qua đêm" lâu dài, hình thành mối quan hệ walking marriages như đề cập. Trong mối quan hệ độc lạ này, chị em chịu toàn bộ trách nhiệm, dù có con hay không, họ cũng không đòi hỏi bất cứ nghĩa vụ gì từ phía đối tác. Điều này cho thấy, quan hệ hôn nhân của người Mosuo khá tự do, không cần phải báo cáo với ai và toàn quyền quyết định tiếp tục hay chấm dứt mối quan hệ nếu muốn.

Năm 2008, Trung Quốc làm mới số liệu thống kê về hôn nhân của người Mosuo và phát hiện thấy hình thức này chỉ chiếm 13% dân số tuổi trưởng thành. Người Mosuo vẫn thích "hôn nhân qua đường". Vì con cái luôn ở trong sự chăm sóc của mẹ nên đôi khi người cha có vai trò mờ nhạt. Trong một số trường hợp, danh tính của người cha thậm chí còn không được biết đến.

Người Minangkabau

Với 4 triệu người, Minangkabau ở Tây Sumatra , Indonesia được xem là xã hội mẫu hệ lớn nhất được biết đến từ trước đến nay. Ngoài luật bộ lạc yêu cầu tất cả tài sản của gia tộc phải được giữ và thừa kế từ mẹ sang con gái, người Minangkabau còn tin rằng mẹ là người quan trọng nhất trong xã hội.

Những cộng đồng trên thế giới mà phụ nữ là rường cột  - Ảnh 2.

Phụ nữ người Minangkabau trong trang phục truyền thống

Trong xã hội Minangkabau, phụ nữ thường cai quản gia đình trong khi nam giới giữ vai trò "lãnh tụ tinh thần". Tuy nhiên, cả hai giới đều cảm thấy sự phân chia quyền lực khiến họ bình đẳng với nhau. Khi lên 10 tuổi, các bé trai rời nhà mẹ để đến ở trong khu dành cho nam và học các kỹ năng thực tế và giáo lý tôn giáo. Trong khi trưởng tộc luôn là nam giới, phụ nữ chọn tộc trưởng và có thể cách chức anh ta nếu họ cảm thấy anh ta không hoàn thành nhiệm vụ.

Người AKan

Người Akan, ở Ghana theo chế độ mẫu hệ. Đời sống xã hội của người Akan về cơ bản được xây dựng xung quanh matriclan (mẫu hệ). Tất cả người sáng lập matriclan đều là nữ, còn nam giới thường giữ các vị trí lãnh đạo nhưng về danh nghĩa.

Tuy nhiên, những vai trò kế thừa này được truyền lại theo kiểu mẫu hệ. Nghĩa là thông qua mẹ và chị em của người chồng (và con cái của họ). Vì vậy, người đàn ông không chỉ hỗ trợ gia đình của mình mà còn hỗ trợ những người thân là phụ nữ.

Người Bribri

Người Bribri là một nhóm bản địa nhỏ chỉ hơn 13.000 người sống trong một khu bảo tồn ở bang Talamanca thuộc tỉnh Limón của Costa Rica . Giống như nhiều xã hội mẫu hệ khác, người Bribri được tổ chức thành các thị tộc. Mỗi thị tộc được tạo thành từ các đại gia đình, và thị tộc được xác định thông qua mẹ- \con cái. Chỉ duy nhất phụ nữ Bribri có quyền thừa kế đất đai theo truyền thống. Phụ nữ cũng được ban quyền chuẩn bị cacao được sử dụng trong các nghi lễ thiêng liêng của người Bribri.

Người Bribri sống trong những ngôi nhà tròn lợp mái tranh rất ấn tượng. Các thôn, bản của người Bribri nằm rải rác trên vùng núi dọc theo bờ biển. Người Bribri hài lòng với cuộc sống đơn giản và thuần khiết trong rừng sâu, không có điện. Họ chăm chỉ trồng ngô, đậu, chuối, cacao... và đánh bắt cá trên sông.

Những cộng đồng trên thế giới mà phụ nữ là rường cột  - Ảnh 3.

Người dân bộ lạc Bribri tự hào với cuộc sống giản đơn và thuần khiết của mình

Quan niệm sống của họ tập trung vào 2 điều quan trọng nhất là gia đình và môi trường. Vì vậy họ rất tự hào về môi trường xanh - sạch - đẹp của mình, bởi coi đó là tất cả những gì đem lại hạnh phúc. Phụ nữ bộ lạc Bribri ngày nay cũng đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực đưa bộ lạc này trở thành hạt nhân, đi đầu trong lĩnh vực mở cánh cửa du lịch sinh thái bền vững. Đặc biệt, người Bribri có truyền thống sử dụng chocolate, nó được xem là "biệt dược" giúp tăng cường sinh lực cho đàn ông.

Người Garo

Giống như những người hàng xóm Khasi của họ ở bang Meghalaya, Đông Bắc Ấn Độ, người Garo nói tiếng Tây Tạng-Miến Điện và truyền tài sản và quyền kế vị chính trị từ mẹ sang cho con gái, chủ yếu là cô con gái út nhưng đàn ông về danh nghĩa vẫn cai quản xã hội và quản lý tài sản.

Thông thường, hôn nhân của cô con gái út trong nhà được người mẹ sắp đặt, còn đối với con gái không thừa kế, quá trình này có thể phức tạp hơn nhiều. Theo truyền thống Garo, chú rể tương lai sẽ chạy trốn, yêu cầu gia đình cô dâu phải "bắt" anh ta và trả về làng của cô dâu tương lai. Việc quay đi quay lại này được lặp lại cho đến khi cô dâu bỏ cuộc, hoặc chú rể chấp nhận lời cầu hôn của người vợ tương lai (thường là sau khi cô ấy đã hứa sẽ phục vụ và vâng lời người chồng tương lai). Sau khi kết hôn, người chồng sẽ ở nhà vợ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.