Miền núi cao phía Bắc là nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống với những phong tục, tập quán đặc sắc trên nền tảng văn hóa giàu bản sắc. Trong đó, không thể không kể đến những làn điệu dân ca.

Những làn điệu dân ca mát lành như dòng suối


Miền núi cao phía Bắc là nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống với những phong tục, tập quán đặc sắc trên nền tảng văn hóa giàu bản sắc. Trong đó, không thể không kể đến những làn điệu dân ca.

Với đồng bào Thái ở Sơn La, kho tàng dân ca dân vũ là hết sức phong phú. Từ nhỏ, các em bé đã được ông bà, cha mẹ, anh chị dạy cho những khúc dân ca. Những câu hát ấy sẽ theo con người ta cho đến cuối đời.

Dân ca Thái có nhiều làn điệu, mỗi làn điệu lại gắn với những hình thức sinh hoạt âm nhạc khác nhau. Trong những ngày vui, như trong đám cưới, bao giờ người ta cũng hát điệu "Khắp báo sao" có nghĩa là khúc hát giao duyên giữa nam thanh nữ tú. Trước đó là làn điệu "Khắp chôm mâng" có nghĩa là hát chào mừng.

Những làn điệu dân ca mát lành như dòng suối - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc Thái với điệu múa, hát truyền thống

Cùng với làn điệu hát giao duyên và hát chào mừng, đồng bào Thái còn có nhiều làn điệu dân ca khác rất nổi tiếng, như khúc "Khắp loong tôông"-hát trên cánh đồng, nhất là vào dịp mưa thuận gió hòa người dân xuống đồng hàng năm. Làn điệu "Khắp chiêu"-hát ứng tác, thể hiện sự nhanh nhạy trong giao tiếp, đồng thời cũng bộc lộ mỹ cảm của người hát. Hầu hết các điệu dân ca của đồng bào Thái đều vui tươi, trong sáng, lời ca có vần điệu, giàu chất thơ.

Cùng với những làn điệu giao duyên, trao gửi tâm tình, bộc lộ tình cảm lứa đôi, thì nhiều lời ca gắn với cuộc sống sinh hoạt, lao động của bà con. Người ta có thể hát về một dòng suối, về một loại cây, một đám mây; hay có thể hát ru em, hát ca ngợi công ơn tổ tiên, cha mẹ, những bậc sinh thành... Mỗi lứa tuổi đều có những làn điệu riêng, từ những em bé cho đến những cụ bà tóc bạc như cước. Đặc biệt, đồng bào Thái còn có nhiều làn điệu hát mang tính tâm linh, tín ngưỡng, hát trong những dịp tế lễ.

Trai gái dân tộc Thái tham gia lễ hội và hát giao duyên, tìm hiểu nhau. Ảnh minh họa

Trong đó nổi bật là những làn điệu khi vào lễ cúng bản, cúng mường, hoặc cúng nhà mới. Bà con gọi đó là "Khắp xên". Đáng chú ý, trong kho tàng dân ca ấy, bà con còn có những làn điệu dành riêng trong tang ma, hay là hát cầu mong sức khỏe (chữa bệnh). Riêng "Khắp một lao"-hát cúng chữa bệnh đã có tới 9 làn điệu khác nhau.

Thay vì ngâm thơ, đồng bào Thái có hình thức "Khắp xư", nó kết hợp được cả cách ngâm thơ với hát có giai điệu cụ thể, rất mượt mà. Chính điều đó đã làm nên tính chất đặc biệt cho làn điệu này. Trong lúc "Khắp xư", người ta có thể thêm vào những nốt luyến láy. Còn nhịp điệu nhanh hay chậm do tình cảm của người hát lúc bấy giờ, không quy định quá chặt chẽ.

"Khắp xư" có nhiều làn điệu khác nhau, trong đó có điệu thức cho các em nhỏ hát đồng ca, hát kể theo tích chuyện cổ, hát thơ chậm rãi ngân nga cho người già, hay là hát sử thi...

Những làn điệu dân ca mát lành như dòng suối - Ảnh 3.

Biểu diễn làn điệu dân ca đồng bào dân tộc Thái

Tuy thế, theo thời gian cùng với sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ nên các điệu dân ca Thái cũng mai một. Số người biết hát nhiều làn điệu ít dần, những buổi tổ chức hát mang tính cộng đồng cũng không còn nhiều. Chính vì thế, hôm nay vào bản đồng bào Thái, được nghe trẻ em hát đồng dao sẽ hết sức thú vị. Bài đồng dao "Trăng ơi" có đoạn:

Trăng ơi trăng trăng/ Sao ơi sao sao/ Em cầm rìu tỉa cây/ Siêng năng đi thuyền bè/ Em đưa chị về nhà/ Xuống lều nương ăn dưa/ Xuống lều ruộng ăn quả/ Xuống bãi chăn trâu/ Bò mình đâu đâu/ Bò mình thụt hố hố...

Cũng có thể nói về một bài dân ca khác, đó là bài "Ngủ đi em" trong làn điệu hát ru:

Bé yêu ơi/ Ngủ đi em/ Đắp mền ấm chăn êm/ Ngủ đi em/ Ngủ đi em/ Lớn mau theo mẹ đi nương/ Bé ơi ngủ cho ngoan/ Nào bé yêu/ Ngủ đi em...

Những làn điệu dân ca mát lành như dòng suối - Ảnh 4.

Thiếu nữ dân tộc Mường vui hội truyền thống

Còn với đồng bào Mường, dân ca cũng là một mảnh hồn vô cùng quý giá. Những câu hát truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không biết ai là người đã viết ra chúng nhưng luôn được nâng niu, trân trọng. Cũng chính vì độ mở lớn, nên theo thời gian người ta đã đặt lời mới, đặt thêm lời cho những khúc dân ca cổ. Điều đó không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống, mà nó hòa quyện, gắn bó với cuộc sống hơn khi cuộc sống đang đổi thay.

Những làn điệu dân ca mát lành như dòng suối - Ảnh 5.

Giao lưu dân ca Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình

Trong hát giao duyên, nam nữ người Mường thường tự sáng tác ra lời mới trên nền của giai điệu sẵn có. Người nào sáng tác được nhiều hơn, hay hơn bao giờ cũng được tán thưởng. Người hát có thể mượn hình ảnh của cỏ cây hoa lá, trăng sao, dòng suối, cơn mưa, đám sương mù, một làn khói bếp... để bộc lộ tình cảm của mình. Chính vì thế, người ta gọi cách hát này là "hát nối", cứ dài mãi không dứt trên nền tảng dân ca.

Cô gái hát:

Ngày nay trời nắng đỏ nắng vàng/ Gặp anh đào củ cạnh xá cạnh đường/ Lật đất đỏ đất vàng làm chi/ Em đi chơi ông ngoại được giỏ cơm xôi/ Với nửa thịt mái gà vàng/ Anh móc chân sang mà móc giỏ.

Chàng trai hát:

Hôm nay trời nắng đỏ nắng vàng/ Em sang chơi ông ngoại đấy à em à!/ Em được cơm xôi với nửa thịt gà mái vàng/ Có đức có đạo lòng thành/ Thương em anh đạt vào cái lá/ Em để ra ở cái giỏ/ Bỏ lại cho anh mà đi/ Anh không ra bề thân chi/ Không giám móc giỏ nữa em à!

Những làn điệu dân ca mát lành như dòng suối - Ảnh 6.

Đồng bào Mường hát đối đáp bên bờ suối

Trong dân ca Mường, những làn điệu hát ví được coi là rất nổi bật. Đây cũng là một hình thức hát đối đáp nam nữ, nhưng bao giờ người ta cũng mượn cảnh, mượn lời để nói với đối tượng.

Ví dụ người con gái hát:

Đi đâu mà vội mà vàng/ Dừng chân đứng lại ăn nang ăn trầu/ Ăn rồi xin nhớ đến nhau/ Đừng như vôi bạc mà sầu lòng em.

Người con trai đáp lại:

Muốn lặn nhưng sợ thuồng luồng/ Muốn lội lại sợ con rồng quấn đi/ Vì thế mà chỉ dám ước mơ/ Anh như bông quả trên cây/ Thân em như cỏ may dưới đường/ Ước gì gió lớn nặng sương/ Bông gạo xuống đường với cỏ may may...

Những làn điệu dân ca mát lành như dòng suối - Ảnh 7.

Loại hình diễn xướng dân gian với lối hát cổ đã trở thành món ăn tinh thần của người dân huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) nhiều năm qua

Lời hát ví rất trữ tình, đùa giỡn đấy mà sâu sắc đấy, nó đi vào trái tim người để rồi vấn vương, nuối tiếc.

Cũng như các dân tộc khác, người Mường có những điệu hát ru của riêng mình, nổi bật là hát ru con và ru em. Những làn điệu ấy thường do phụ nữ hát, rất da diết, bịn rịn, nghe một lần thì không bao giờ quên.


Mai Thương
Mai Thương, ST
15/08/2021 00:00