Những nữ điêu khắc tượng giỏi nghề ở làng Dư Dụ

Chị Ngô Thị Hạnh trang trí cho bức tượng Thần Tài

Chị Ngô Thị Hạnh trang trí cho bức tượng Thần Tài

Hình ảnh những người phụ nữ tài hoa tay đục, tay búa cần mẫn, chăm chú bên những tác phẩm điêu khắc tượng khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Giữ nghề cha ông

Chúng tôi tới làng nghề điêu khắc Dư Dụ (thôn Dư Dụ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vào một ngày đầu tháng 2 trời se lạnh.

Vừa vào đầu làng đã nghe thấy tiếng lách cách rộn ràng của nhát đục, nhát gõ và âm thanh của tiếng cưa, xẻ gỗ. Khi vào gần hơn, có thể cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi của nước sơn lan tỏa trong không gian yên bình của một làng nghề vốn có truyền thống lâu đời. Điều đặc biệt là hình ảnh những người phụ nữ tài hoa tay đục, tay búa cần mẫn, chăm chú bên những tác phẩm điêu khắc tượng khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Chị Ngô Thị Hạnh (40 tuổi) đang tỉ mẩn với từng nhát đục, khắc trên bức tượng Phúc - Lộc - Thọ. Chị tâm sự: "Tôi học nghề từ bố khi mới 10 tuổi. Lúc nhỏ, một buổi đi học còn một buổi anh chị em trong nhà lại cùng với bố mẹ quần quật đục đẽo với những bức tượng nên công việc điêu khắc nó như cơm ăn nước uống với mình và đó là kế mưa sinh của chị em chúng tôi và hiện tại", chị Hạnh tâm sự. Cũng theo chị Hạnh, chị có thể làm nhiều công đoạn của những bức tượng, từ tạo hình cho đến khâu tỉ mẩn hơn như các chi tiết nhỏ cần sự tinh tế để tạo nên cái hồn của bức tượng. Làm thủ công thì vất vả hơn, mất nhiều thời gian hơn nên mỗi tác phẩm là một nét riêng...

Những nữ điêu khắc tượng giỏi nghề ở làng Dư Dụ - Ảnh 1.Cô Tào Thị Tuyết tỉ mẩn với công đoạn tạo hình cho bức tượng

Còn cô Tào Thị Tuyết (54 tuổi) vốn là người làng bên lấy chồng về làng Túc (tên cũ của làng Dư Dụ). Các cụ hay bảo "nhập gia tùy tục", khi về nhà chồng những năm 1990 thì cô mới bén duyên với nghề điêu khắc qua sự dìu dắt của chồng là một người thợ có tiếng trong làng. "Những ngày mới cầm đục, tôi cứ lóng nga lóng ngóng mãi mà không xong, nhưng được sự dìu dắt của chồng và sự kiên trì, khéo léo của mình, dần dần tôi cũng làm chủ được cái đục. Đến nay tôi đã là người thợ lành nghề với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề điêu khắc tượng Phật", cô Tuyết chia sẻ.

Cũng theo cô Tuyết, những sản phẩm được làm ra bởi những con người rất đỗi bình dị, họ chuyên cần làm công việc đòi hỏi sự khéo léo trong từng chi tiết. Nào là những đường lượn cho cái bụng ấm no của ông Di Lặc, vừa căng tròn lại thêm cái miệng cười tươi rất yêu đời; là gương mặt hiền từ và đôi tai rất đẹp của đức Thích Ca Mâu Ni...

Nữ điêu khắc ở làng nghề Dư Dụ - Ảnh 3.

Những bức tượng sau khi được hoàn thành

Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ quy luật của nghệ thuật tạo hình về sự cân đối, hài hòa, mực thước, người thợ chế tác tượng còn cần tính toán theo quy luật âm dương ngũ hành, thuật phong thủy. Giá trị cao của tượng điêu khắc gỗ làm ra biểu hiện phải mang đậm triết lý phương Đông, tuân thủ một cách chặt chẽ cả về chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc...

"Sản phẩm phổ biến nhất của làng nghề hiện nay vẫn là phục vụ nhu cầu của những người thích trưng bày những biểu tượng của sự yên vui, may mắn, đó là hình tượng ông Phúc, Lộc, Thọ, Phật Di Lặc...", cô Tuyết cho biết.

Cũng như bao người con của làng nghề điêu khắc Dư Dụ, anh Nguyễn Công Đức (34 tuổi), chọn theo nghề cha ông truyền lại, điêu khắc tượng. Với thâm niên làm nghề hơn 10 năm có lẻ, qua sự dìu dắt của ông nội và cha mình, giờ đây, anh có một xưởng của riêng mình. Hai vợ chồng ngày ngày gắn bó cái đục, làm bạn với từng thớ gỗ để mưu sinh cũng như giữ nghề cha ông.

Nữ điêu khắc ở làng nghề Dư Dụ - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Công Đức đang hoàn thiện bức tượng phật Di Lặc

"Trên từng thớ gỗ, người thợ bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm đặc biệt để nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp vừa mang nét độc nhất vô nhị mà những người trong nghề và sành chơi đồ gỗ mới có thể cảm nhận được", anh Đức cho biết.

Cũng theo anh Đức, trai làng Dư Dụ từ 11-12 tuổi bắt đầu đi học nghề của cha, chú hay người thân quen. Sau 2-3 năm mới được công nhận là thợ nhỏ (phó nhỏ). Đến 16-17 tuổi, tay nghề tinh tế hơn thì trở thành thành viên chính thức của tốp thợ. 19-20 tuổi mới trở thành thợ bạn và còn trải qua một thời gian lâu làm nghề mới lên được phó ba, phó hai, rồi phó cả (người thợ giỏi nghề, đặc biệt giỏi vẽ, chuyên nhận việc, chỉ đạo thợ làm…).

Để làm sản phẩm, từ các khúc gỗ, người thợ cả (phó cả) phải vẽ để tạo hình sản phẩm. Tiếp đó là đục đất loại bỏ những phần gỗ thừa theo hình vẽ. Đây là công đoạn không khó, thợ học việc có thể làm nhưng nếu đục chuẩn thì các công đoạn sau, nhất là khâu hạ (đục thành chi tiết) sẽ đỡ tốn công, nhẹ nhàng hơn. Người thợ mới vào nghề, nếu tinh ý sẽ biết lựa thớ gỗ để loại bỏ các chi tiết thừa mà không làm vỡ khối gỗ hoặc đục quá vào gỗ. Sau khâu hạ, thợ tiến hành tỉa tách và hoàn thiện sản phẩm, rồi dùng giấy ráp đánh bóng sản phẩm.

Theo các cụ cao niên trong làng thì nghề điêu khắc không biết có từ khi nào, chỉ biết rằng trong đình của làng thờ ông tổ làng nghề cũng đã trên 500 năm. Thời Vua Minh Mạng đã từng vời hàng chục người thợ của làng nghề Dư Dụ vào kinh đô Huế góp phần xây dựng cung đình nguy nga tráng lệ của nhà Nguyễn. Cảm phục tài năng của những người thợ, Vua Minh Mạng đã ban sắc phong cùng nhà cửa, ruộng vườn, bổng lộc ngay tại kinh đô Huế. Sau này những người thợ Dư Dụ đã ở lại Huế và lập thành làng Túc (tên làng trước đây của Dư Dụ).
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn