Những phát hiện giật mình về trẻ em dân tộc thiểu số dùng mạng xã hội

28/11/2018 - 16:23
“53% trẻ em gái từng gặp bạn bè trực tuyến ngoài đời thực, trong số đó 70% gặp ngay sau lần nói chuyện đầu tiên”, đó là số liệu được ông Bùi Duy Thành, điều phối viên dự án “An toàn trên mạng”, Tổ chức ChildFund, mới chia sẻ.

Theo ông Bùi Duy Thành, dự án “An toàn trên mạng” được triển khai từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2020 tại địa bàn 3 tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng. Dự án được triển khai dựa trên kết quả khảo sát nghiên cứu “Thanh niên online: Tiếp cận internet và sử dụng mạng xã hội của thanh niên tại Việt Nam” của Jacob Cawthorne và Mai Thanh Hà thực hiện vào năm 2016 tại 3 tỉnh này với 200 trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) như Tày, Nùng, Dao, Mường từ 11 đến 18 tuổi. Trong đó, trẻ em gái chiếm trên 50%.

 

giang_a_do.jpg 
Có nhiều trẻ DTTS sử dụng internet từ 3 đến 8 tiếng mỗi ngày. Ảnh minh họa

 

Khảo sát này đưa ra những phát hiện khiến nhiều người giật mình: Trung bình giới trẻ dùng truy cập internet mỗi ngày 3 tiếng; 3/4 phụ huynh không kiểm soát thời gian truy cập mạng của con cái; Trẻ em gái truy cập mạng thường xuyên để nhắn tin, vào mạng xã hội chia sẻ ảnh; 53% trẻ em gái từng gặp bạn bè trực tuyến ngoài đời thực, trong đó 70% gặp ngay sau lần nói chuyện đầu tiên… “Điều đáng nói, đây đều là các hoạt động tiêu tốn thời gian, không phải hoạt động có ích”- ông Bùi Duy Thành khẳng định.

Trong 1 năm trở lại đây, ông Thành tiếp xúc nhiều với đối tượng là trẻ DTTS và nhận thấy có những trẻ sử dụng internet từ 3 đến 8 tiếng mỗi ngày, thậm chí có những em sử dụng lên đến 10 tiếng mà không hề bị kiểm soát.

“Tuy sống ở vùng DTTS nhưng facebook (FB) của em ít bạn bè nhất cũng lên đến 700, cao là hơn 1.000. Thậm chí, có học sinh lớp 7 ở huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), đường đi khó khăn, hơn 4km mà phải đi hơn 1 tiếng mới đến nơi, nhưng có tới 4.999 bạn. Em rất tự hào vì sở hữu FB có số bạn bè nhiều nhất trường. Tuy nhiên, khi tôi vào trang của em xem, chỉ trong 1 phút đã thấy em chia sẻ hình ảnh bạo lực học đường, cặp đôi thân mật, livestream bán hàng… Không có một nội dung nào hữu ích.

Tôi rất lo với kiểu dùng mạng xã hội thế này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành vi của học sinh này trong tương lai”- ông Duy Thành bày tỏ sự lo ngại- “Trên mạng có nhiều kết nối, nhưng không phải ai cũng là người tốt, cũng như không phải thông tin nào cũng đáng tin cậy. Rất nhiều trẻ chưa hiểu được vấn đề này và có niềm tin ngây thơ rằng, những thông tin xuất hiện trên các trang mạng là đúng sự thật và lập tức chia sẻ ngay. Dẫn đến tình trạng có rất nhiều em bị lừa đảo trên mạng”.

sapa.jpg
53% trẻ em gái từng gặp bạn bè trực tuyến ngoài đời thực, trong đó 70% gặp ngay sau lần nói chuyện đầu tiên. Ảnh minh họa

 

Theo ông Thành, ông luôn muốn nói với trẻ rằng ứng xử ngoài đời thế nào trên mạng cũng nên ứng xử như vậy, nhưng trẻ DTTS thì nghĩ rằng, chúng có thể làm bất cứ điều gì trên mạng, tính ẩn danh khiến trẻ cảm thấy mình như người tàng hình… Chính từ thực trạng này, chúng tôi tiến hành tập huấn cho trẻ, ngăn ngừa lạm dụng, bóc lột trẻ em trên mạng, trao quyền cho thanh thiếu niên sử dụng mạng an toàn và hiệu quả. “An toàn trên mạng chậm hơn tốc độ phát triển của công nghệ rất nhiều”.

1 thành viên nhóm Hành động vì sự phát triển của người Mông tại Hà Nội cũng cho biết, cách đây 1 năm, cậu từng thực hiện khảo sát học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 tại Sapa, chỉ có vài em con nhà khá giả dùng điện thoại thông minh và có FB. Sau 1 năm, mới đây quay lại thì thấy số trẻ dùng mạng xã hội tăng đột biến, đa số trẻ đều đã dùng FB, có những em có tới 2-3 địa chỉ FB.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm