Những phụ nữ Ê Đê miệt mài giữ hồn nghề dệt

14/12/2022 16:25
Gần 70 nhưng bà Amí Manh (buôn Kplang, xã Tân Tiến, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk) đã có hơn 50 năm miệt mài bên khung cửi.

Gần 70 nhưng bà Amí Manh (buôn Kplang, xã Tân Tiến, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk) đã có hơn 50 năm miệt mài bên khung cửi.

Với mong muốn bảo tồn vốn quý của dân tộc mình, nhiều phụ nữ Ê Đê ở ĐắK Lắk đã miệt mài, âm thầm giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.

50 năm miệt mài bên khung cửi

Gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tuổi đời gần 70 nhưng đã có tới hơn 50 năm bà H’Wiêt Byă (tên thường gọi Amí Manh, ở buôn Kplang, xã Tân Tiến) miệt mài bên khung cửi. Không thể đếm xuể, từ đôi bàn tay bà, đã tạo ra biết bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm.

Trong ký ức của mình, bà Amí Manh còn nhớ, từ nhỏ bà đã thấy mẹ mình hằng ngày ngồi bên khung cửi, khéo léo dệt những tấm thổ cẩm làm chăn đắp, may đồ cho mọi người trong gia đình. 

Bà thích thú vô cùng khi nhìn ngắm những tấm thổ cẩm họa tiết, hoa văn đẹp mắt ấy. Lớn lên, bà được mẹ dạy cho cách giăng khung, luồn chỉ, dệt những tấm vải thổ cẩm. Với lòng say mê đặc biệt, 15 tuổi Amí Manh đã thuần thục nghề, dệt được nhiều những sản phẩm thổ cẩm cho gia đình sử dụng.

Những phụ nữ Ê Đê miệt mài giữ hồn nghề dệt - Ảnh 1.

Bà Amí Manh miệt mài bên khung cửi. Ảnh: TL

Bà Amí Manh chia sẻ rằng, để tạo ra nhiều mẫu họa tiết, hoa văn thổ cẩm đẹp, bà không chỉ học từ mẹ mà còn học hỏi thêm từ các bà, các cô trong buôn. "Mỗi người có một cách dệt và tạo ra sản phẩm đẹp riêng. Vì thế, học hỏi từ nhiều người nên mình có được nhiều kỹ năng", Amí Manh cho biết.

Nhờ cách tạo hoa văn, họa tiết độc đáo trên những tấm thổ cẩm nên những sản phẩm của bà Amí Manh được rất nhiều người yêu thích. Khổng chỉ người trong buôn mà còn có cả du khách nước ngoài đến tìm mua sản phẩm dệt của bà. Thậm chí, nhiều người con Ê Đê đi làm ăn, công tác ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh cũng đặt mua váy áo thổ cẩm của bà Amí Manh. Năm 2018, bà Amí Manh vinh dự được trao giải Nhất dệt thổ cẩm trong Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc.

Được biết, trong buôn Lplang hiện chỉ còn ba người lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, chủ yếu là phục vụ sinh hoạt gia đình. Nhận thức rõ dệt thổ cẩm là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê cần được giữ gìn và phát huy, những ngày buôn làng vào hội, đặc biệt là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, trong lễ cưới hỏi, già làng, Ban tự quản buôn luôn động viên bà con sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình. 

Ngoài ra, vào những buổi họp buôn, sinh hoạt cộng đồng, chính quyền buôn đều lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Lưu giữ nghề trao truyền từ mẹ 

Trong căn nhà nhỏ của gia đình ở buôn Tring 4 (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) hàng ngày, bà H’Bin Niê vẫn tỉ mỉ dệt những tấm khăn, áo váy thổ cẩm. Với bà H’Bin Niê, dệt thổ cẩm không chỉ là nghề để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà hơn hết, đó là niềm đam mê từ khi còn nhỏ và là cách để lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của cha ông cho thế hệ mai sau.

Những phụ nữ Ê Đê miệt mài giữ hồn nghề dệt - Ảnh 2.

Bà H’Bin đang chỉ dạy nghề dệt cho học trò. Ảnh TL

Mỗi hoa văn trên từng sản phẩm váy, áo, khăn được bà H’Bin dệt theo hình dáng khác nhau. Đó là hình con rồng đôi ở chiếc váy, rồng đất trên áo và những hạt gạo, hạt mướp trên chiếc khố, tấm khăn choàng, chiếc túi xách… Bao nhiêu năm qua, bà vẫn lưu giữ nghề được mẹ truyền dạy từ năm 12 tuổi.

Bà H’Bin kể, trước đây, vì cuộc sống khó khăn, hằng ngày bà làm nương rẫy để lo cho gia đình nhưng mỗi tối khi mọi việc đã xong, bà lại cặm cụi bên khung cửi để dệt những tấm khăn địu, chiếc chăn đắp và bộ áo quần cho các thành viên trong nhà. Những năm gần đây, khi cuộc sống ổn hơn, các con cũng đã lập gia đình thì bà dành thời gian nhiều hơn cho công việc này. Cùng với đó, nhờ đôi bàn tay khéo léo và sự tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ dần dần bà nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn.

Có thể nói, chính ngọn lửa yêu nghề từ bao nhiêu năm nay của bà H’Bin đã tiếp tục lan tỏa đến hai người con gái nên các cô đều có thể dệt thành thạo những tấm khăn, chiếc túi, tấm váy, áo rồi tự may thành sản phẩm hoàn chỉnh. Cô con gái đầu là H’Huyên Niê sau khi tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm do UBND xã phối hợp mở đã tự tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm của mẹ và trở thành cô giáo được mời đi giảng dạy cho nhiều lớp dạy nghề dệt khác trong và ngoài xã.

Lan toả đam mê cho nhiều phụ nữ dân tộc

Tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống nên nhiều năm qua chị H’Hương Niê, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đã truyền đam mê dệt cho nhiều phụ nữ tại địa phương. Chị H’Hương nhớ lại, từ nhỏ chị đã quen thuộc với âm thanh kẽo kẹt thoi đưa từ khung cửi dệt thổ cẩm của bà, của mẹ. Niềm yêu thích nghề dệt thổ cẩm trong chị lớn dần theo năm tháng. Đến năm 12 tuổi, chị H’Hương được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm, từ đó đến nay chị đã dệt không biết bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm.

Những phụ nữ Ê Đê miệt mài giữ hồn nghề dệt - Ảnh 3.

Chị H’Hương đang giới thiệu những sản phẩm của Tổ hợp tác Liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul. Ảnh: TL

Chị H’Hương chia sẻ: "Với mong muốn nghề dệt truyền thống được lưu giữ, đồng thời giúp chị em trong thôn, xã tăng thêm thu nhập từ nghề dệt lúc nông nhàn, sau một thời gian dài trăn trở, tôi mạnh dạn đầu tư phát triển nghề dệt, tìm cách tiêu thụ, quảng bá sản phẩm". Tháng 8/2018, chị H’Hương vận động 10 hội viên phụ nữ dân tộc Ê Đê tại địa phương biết dệt thổ cẩm thành lập Tổ hợp tác Liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul, chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của đồng bào Êđê như túi xách, ví, khăn, áo váy nam nữ… Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm, cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Bản thân chị H’Hương vừa dệt, thêu, thiết kế các sản phẩm và là người đưa sản phẩm thổ cẩm của cơ sở đi giới thiệu tại các điểm du lịch, hội chợ, cơ sở kinh doanh trong và ngoài địa bàn huyện. Chị cũng thường xuyên trò chuyện, tiếp xúc với khách hàng để nắm bắt thị hiếu về mẫu mã, chất lượng thổ cẩm, sáng tạo ra nhiều sản phẩm dệt mới lạ, tinh xảo.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm trong các ngày lễ, Tết hay đám cưới của người Ê Đê ngày càng tăng, với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tul, chị H’Hương chủ động đứng ra kêu gọi hội viên phụ nữ tại địa phương có nghề dệt tham gia vào cơ sở dệt thổ cẩm. Đến nay, Tổ hợp tác Liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul đã thu hút và tạo việc làm cho 20 chị em. Sau gần 4 năm tham gia Tổ hợp tác, 6 thành viên trước thuộc hộ nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo, dần ổn định kinh tế. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê ở xã Ea Tul nhờ đó được duy trì, phát triển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn