Những phụ nữ nỗ lực để khung cửi rộn ràng trở lại ở Ya Tăng

22/04/2023 07:25
Dù tuổi đã cao nhưng bà Y Đăng (làng Lút, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) vẫn miệt mài bên khung cửi. Ảnh: VN

Dù tuổi đã cao nhưng bà Y Đăng (làng Lút, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) vẫn miệt mài bên khung cửi. Ảnh: VN

Với sự nỗ lực bảo tồn và truyền nghề từ những phụ nữ lớn tuổi, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Gia Rai (xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đang dần được khôi phục, mỗi ngày một khởi sắc.

Đến từng nhà vận động phụ nữ trở lại với khung cửi

Đã ở tuổi 73 nhưng bà Y Rỗi (làng Lút, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vẫn miệt mài bên khung cửi. Bước vào ngôi nhà nhỏ của bà, bên khung cửi đang dệt dở, la liệt chỉ màu cùng những sản phẩm thổ cẩm do chính tay bà tạo ra.

Bà Y Rỗi kể, từ khi còn là đứa trẻ lên 10, bà đã mê mẩn những món đồ thổ cẩm sặc sỡ hoa văn của dân tộc mình do các bà, các mẹ trong làng làm ra. Bà thích thú nhìn ngắm không chán mắt các sản phẩm thổ cẩm và thầm ước, một ngày kia mình cũng có thể làm ra chúng.

"Mình có thể đứng xem các bà, các mẹ dệt vải hàng giờ không chán. Thấy mình thích học nên mẹ và những người già trong làng tận tình chỉ dạy cách dệt, cách phối màu cho hài hòa, đẹp mắt. Mẹ mình bảo, đã là phụ nữ ít nhiều cũng phải biết ngồi vào khung, xe chỉ, dệt vải. Ngày ấy, con gái Gia Rai mình ai cũng biết dệt thổ cẩm. Sau những giờ lên rẫy, con gái tụ tập lại ở sân làng cùng nhau dệt thổ cẩm và hát hò rất vui" - bà Y Rỗi nhớ lại.

Lúc mới học, bà Y Rỗi tập dệt những vật dụng đơn giản như khăn, khố. Theo từng mùa rẫy, bàn tay ngày càng khéo léo, kinh nghiệm được tích lũy, bà đã biết làm tất cả các công đoạn từ lên rừng hái quả, vỏ cây để nhuộm phối màu đến dệt những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Gia Rai.

Sẽ lại rộn ràng tiếng cười bên khung cửi ở Ya Tăng - Ảnh 1.

Bà Y Rỗi thực hành một công đoạn dệt. Ảnh: NS

Bà Y Rỗi tâm sự, những năm gần đây, đời sống của bà con trong làng ngày một phát triển, hội nhập mạnh mẽ nên người dân dần thay những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống bằng những bộ quần áo hiện đại, thời trang.

Bên cạnh đó, cũng có một số người đặt mua thổ cẩm giá rẻ được nhập từ nơi khác khiến nghề dệt thổ cẩm ở làng đứng trước nguy cơ mai một. Nhìn những khung cửi bị vứt chỏng chơ vào một xó, còn phụ nữ Gia Rai không mặn mà với khung cửi nữa, bà Y Rỗi rất buồn và lo lắng đến một ngày nào đó, phụ nữ Gia Rai sẽ không còn biết dệt thổ cẩm và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người dân tộc mình sẽ dần vắng bóng.

Với quyết tâm không để nghề dệt bị mai một, bà Y Rỗi lặn lội đến từng nhà động viên phụ nữ trong làng trở lại với khung cửi. Tuy nhiên, bà chỉ chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Sau nhiều ngày kiên trì vận động, thuyết phục, một vài phụ nữ đã đồng ý bắt đầu quay lại với khung cửi, trong đó có chị Y Tel (49 tuổi, làng Lút, xã Ya Tăng).

Chị Y Tel cho biết, chị từng gắn bó với nghề dệt nhưng sau đó không còn mặn mà và bỏ nghề. Khi được bà Y Rỗi vận động, lúc đầu chị cũng ngại vì đã lâu không ngồi khung cửi nên lãng quên nhiều công đoạn dệt vải. Nhưng nhờ sự tận tình chỉ bảo của bà Y Rỗi, sau một thời gian học lại, chị Y Tel đã thành thạo những đường chỉ, hoa văn trên tấm thổ cẩm. Bây giờ thì chị đã có thể có thêm nguồn thu nhập từ những sản phẩm dệt của mình.

Sẽ lại rộn ràng tiếng cười bên khung cửi ở Ya Tăng - Ảnh 2.

Cán bộ xã Ya Tăng và bà Y Đăng giới thiệu hoa văn trên sản phẩm thổ cẩm. Ảnh: VN

Ở làng Lút, bà Y Đăng cũng là người nặng lòng và gắn bó với nghề dệt. Bà kể, ngày trước, người phụ nữ Gia Rai nào ở làng Lút cũng biết trồng bông, xe sợi và dệt thổ cẩm. Nếu như người con gái nào lớn lên không biết dệt thổ cẩm thì được dân làng cho là kém cỏi, khó "bắt" được chồng. Bà Y Đăng cho rằng, dệt thổ cẩm là cách để người phụ nữ trải lòng, để lưu giữ hoa văn tinh tế qua từng sợi chỉ, để kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai và cảm nhận niềm vui từ cuộc sống.

Từ khi còn niên thiếu, mặc dù bà và mẹ đều mất sớm nhưng bà Y Đăng chịu khó học dệt từ các bà, các mẹ khác trong làng. Trước khi có chồng, bà Y Đăng đã tự trồng bông, xe sợi, nhuộm sợi và dệt được những tấm thổ cẩm có các hoa văn tinh xảo khác nhau.

Thời gian đổi thay thăng trầm, điều khiến bà Y Đăng buồn nhiều là lớp trẻ bây giờ lớn lên chẳng còn mặn mà với khung cửi. Bà trần tình, không phải bà không tích cực truyền nghề cho bọn trẻ mà là chúng chẳng còn yêu và muốn học dệt. Với sự nỗ lực của mình, bà Y Đăng đã truyền dạy thành công nghề dệt cho hai cháu gái của mình là Y Til và Y Dắt.

Ước mơ mẹ truyền - con nối

Cùng xã Ya Tăng, ở làng Trấp, sản phẩm dệt của bà Y Blúi (59 tuổi) khá nổi tiếng. Bà Y Blúi không chỉ dệt để phục vụ nhu cầu sử dụng của bản thân và gia đình mà còn để bán cho bà con trong vùng và khách du lịch đến địa phương.

Được biết, mấy năm trước, bà Y Blúi chỉ dệt thổ cẩm để dành khi có những sự kiện đặc biệt như lễ cưới xin cho con cái. Nhưng từ hai năm nay, nhiều người trong làng có nhu cầu mua đồ thổ cẩm nên ngoài việc dệt để dùng, bà dệt thêm để bán. Một tấm thổ cẩm bà Y Blúi làm trong 2 tháng, có giá bán từ 1 triệu đồng/tấm.

Trong năm 2022, bà đã dệt được 13 tấm thổ cẩm để bán cho người dân trong làng. Nhờ nguồn thu từ bán thổ cẩm, bà Y Blúi đã có thêm đồng ra đồng vào trang trải cho cuộc sống. Và mừng hơn nữa, đây chính là động lực để và Y Blúi gắn bó với khung cửi.

Sẽ lại rộn ràng tiếng cười bên khung cửi ở Ya Tăng - Ảnh 3.

Bà Y Blúi mong muốn nghề dệt thổ cẩm sẽ được gìn giữ như một tài sản quý báu của người Gia Rai nói chung, của gia đình mình nói riêng. Ảnh: NS

Nói về nghề dệt truyền thống của dân tộc mình, bà Y Blúi chia sẻ, bà rất muốn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm Gia Rai qua hình thức mẹ truyền - con nối nhưng các con bà lại tỏ ra không mặn mà với nghề này.

Sau nhiều nỗ lực vận động, tuyên truyền con gái và con dâu, cuối cùng các con của bà cũng dần làm quen với khung cửi, thành thạo những bước cơ bản trong dệt thổ cẩm. Bà Y Blúi bảo, bà chỉ mong sao nghề dệt thổ cẩm sẽ được gìn giữ như một tài sản quý báu của người Gia Rai nói chung, của gia đình mình nói riêng.

Với những con người một lòng mong mỏi được trao truyền nghề dệt truyền thống của dân tộc mình cho các thế hệ cháu con như bà Y Rỗi, Y Đăng, Y Blúi…, chắc chắn, một ngày không xa, những khung cửi ở Ya Tăng sẽ lại rộn ràng. Hy vọng rằng, với sự sáng tạo trong các sản phẩm dệt, đời sống của bà con đồng bào Gia Rai ở Ya Tăng sẽ ngày một cải thiện, phát triển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn