Những phụ nữ tận tâm chăm sóc người già, trẻ em kém may mắn

06/10/2021 10:19
Nhân viên ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định tận tình chăm sóc trẻ kém may mắn và coi những trẻ thiệt thòi như người thân của mình

Nhân viên ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định tận tình chăm sóc trẻ kém may mắn và coi những trẻ thiệt thòi như người thân của mình

Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định (gọi tắt là Trung tâm) đang nuôi dưỡng, chăm sóc 101 đối tượng, gồm: 13 trẻ, còn lại là người già và khuyết tật. Hơn 100 trường hợp kém may mắn này đều do 10 nữ nhân viên chăm sóc như người thân...

Lượng trẻ ít và "có duyên" ở với Trung tâm lâu dài nên tính nết từng trẻ, tất cả cán bộ, nhân viên ở đây đều nắm rõ, giúp thuận lợi trong chăm sóc, dạy dỗ. Thư bị thiểu năng trí tuệ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Món đồ chơi, bầu bạn không thể thiếu của Thư là chú gấu bông. Người ngoài không biết tưởng Thư có vẻ giao tiếp tương đối, vậy nhưng cô bé còn không tự chủ đi tiểu, đại tiện.

"Căng" nhất là Sưu, bị bại não và tăng động, vô thức nhổ nước bọt mọi lúc mọi nơi. Ngày ngày đút ăn hay thay đồ, vệ sinh, nhân viên luôn phải hồi hộp né hay bị "dính chưởng" là chuyện thường.

Còn bé Chi bị khuyết tật nặng ở chân, di chuyển bằng bò. So với những trẻ khuyết tật ở Trung tâm, đầu óc, ngôn ngữ của Chi thông minh và lưu loát hơn cả. Cô bé như thay hết các bạn thể hiện tình cảm với mái ấm này. Chủ động bắt chuyện với chúng tôi, Thư ngây ngô khoe: "Con có mẹ Hiếu, mẹ Nga, mẹ Hoa… trẻ hơn thì con gọi cô Mười, cô Hường… Con tuy đi bằng hai đầu gối nhưng vẫn nhanh và hai tay cử động bình thường. Khi các mẹ, các cô già, con sẽ chăm sóc họ".

Những phụ nữ tận tâm chăm sóc người già, trẻ em kém may mắn - Ảnh 1.

Những nhân viên ở Trung tâm như những người mẹ thứ hai của trẻ mồ côi, khuyết tật

Đến nay đã 16 năm gắn bó với Trung tâm, được Trung tâm ghi nhận là nhân viên giàu chuyên môn và tận tâm, mỗi khi có dịp mở đầu về nghề của mình, chị Lê Thị Mười lại tự trách, áy náy nhắc về nỗi "ám ảnh", dự định bỏ cuộc ngay những ngày đầu tiếp cận công việc.

Sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, chị Mười tự tìm đến Trung tâm xin việc. Với ngành nghề được đào tạo, chị chẳng lạ gì bao chuyện liên quan đến chăm sóc các em nhỏ. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với công việc thực tế ở Trung tâm, chị vẫn không khỏi "sốc".

"Tháng đầu tiên làm việc tại Trung tâm, tôi không thể nuốt nổi cơm, sụt mấy ký và nhiều lần khóc vì hụt hẫng. Tôi tự hỏi, công việc của mình là đây sao, suốt ngày vệ sinh, giặt giũ, đút trẻ bị bệnh, người già bị lẫn ăn, rồi dỗ dành tắm rửa… Nhưng khi nghĩ tới bỏ việc, ập vào mắt tôi là cảnh các cô, các chị cán bộ ở Trung tâm cứ nhẹ nhàng, cần mẫn với công việc, tôi lại tự động viên mình bám trụ thêm, rồi tình thương, sự gắn bó cứ lớn dần, bền chặt theo. Cho đến khi tôi lập gia đình, làm mẹ, càng thấy thương những đứa trẻ thiếu hơi ấm gia đình và muốn bù đắp phần nào. Từ đó, tôi không mảy may thấy công việc này là khổ nhọc, dơ bẩn hay buồn tẻ nữa", chị Mười chia sẻ.

Còn chị Dương Thị Hường (nhân viên chăm sóc ở Trung tâm) tâm sự: "Tôi không ngờ cuộc đời mình lại gắn liền với nơi này. Cầm tấm bằng giáo dục mầm non, đi ngang Trung tâm, không để ý tên, thấy bên trong có nhà banh, cầu tuột, tôi tưởng nhà trẻ bình thường nên vô xin việc. Vào bên trong, tôi mới biết thì ra có những nơi chuyên cưu mang, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh, bị bỏ rơi như thế này. Rồi chứng kiến nhiều người bình thản làm những công việc này như bao nghề nghiệp bình thường khác, tôi chọn bước vào".

Được chăm sóc, nuôi dưỡng toàn diện tại Trung tâm, nhiều trẻ em khuyết tật, mồ côi… dần khôn lớn, trưởng thành. Tình yêu thương, sự quan tâm từ những người mẹ thứ hai cùng các cơ quan chức năng và cộng đồng đã trở thành điểm tựa, niềm tin cho ước mơ của những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt bay xa.

Thiết nghĩ, trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Dù được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm… vẫn cần lắm những tấm lòng vàng kết nối, hỗ trợ để những con người kém may mắn này thấy được tình yêu thương luôn hiện hữu và không bao giờ bị xã hội lãng quên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn