Nỗ lực cải thiện sức khỏe cho đồng bào vùng cao

23/10/2021 17:22
Dương Thị Huýt (áo xanh) quan tâm thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao

Dương Thị Huýt (áo xanh) quan tâm thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao

Từ một cô gái nghèo người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở Bắc Kạn, Dương Thị Huýt (sinh năm 1982) như mầm cây vươn lên từ khô cằn, trở thành một người hoạt động xã hội tích cực. Cô đã vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo của TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Tuổi thơ vất vả

Sinh ra trong một gia đình làm nông, là hộ nghèo gần nhất nhì của xã, cơm không đủ ăn, Dương Thị Huýt gầy yếu, thường bị viêm đường hô hấp, mùa đông đi học không có dép khiến đôi chân bị nứt nẻ đến chảy máu. Nhà có 4 chị em nên bố mẹ Huýt phải chật vật lo cho các con ăn học. Bố của Huýt từ 6h sáng đã vào rừng làm đến chiều mới về, mẹ thì ngày ngày đi lên các bản vùng cao mua thóc về xay, giã thành gạo, rồi sàng sạch sẽ và gánh đi ra mỏ bán kiếm lời.

Chứng kiến cảnh bố mẹ tần tảo, vất vả, Huýt đã rất cố gắng trong học tập và trở thành học sinh xuất sắc nhất của cả trường trong những năm học tiểu học. Những năm này, mỗi ngày cô bé gầy gò ấy lại cuốc bộ 7km đến trường và 7km trở về nhà. Trong khi các bạn chán nản bỏ học thì Huýt vẫn miệt mài đi chân đất đến trường, bất kể mùa đông hay mùa hè.

Cô gái Tày vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 1.

Dương Thị Huýt (áo xanh) và bà con dân tộc tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Đến THCS, Huýt phải ra huyện học, vì nhà cách trường hơn 12km. Tiếp theo là chặng đường học THPT cách xa nhà 40km. Trải qua bao vất vả, Huýt đã vượt qua và tốt nghiệp cấp 3. Năm 2003, cô thi đỗ chuyên ngành kỹ thuật của tường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình Hà Nam. Sau đó, vì nhiều lý do, Huýt tích cực tham gia hoạt động nhân đạo.

Tích cực hỗ trợ cộng đồng vùng cao

Năm 2007, Huýt bắt đầu làm việc cho Hiệp hội Thầy thuốc châu á – AMDA - MINDS Việt Nam với dự án "Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em". Trong thời gian làm việc tại đây, cô là nhân viên duy nhất được tăng 3 bậc từ điều phối viên cấp huyện lên điều phối viên địa phương cao cấp rồi lên trợ lý dự án cho văn phòng.

Năm 2009, cô làm việc cho Hội Chữ thập đỏ Pháp tại Việt Nam. Thời gian này, Huýt từ cán bộ dự án cấp huyện lên trợ lý dự án cấp tỉnh và thực hiện 3 dự án lớn, đó là "Cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường" cho người dân tộc thiểu số tại tỉnh Bắc Kạn, Dự án "Cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường có lồng ghép giới" khu vực Tây Bắc tại tỉnh Điện Biên. Nơi đây cũng trở thành quê hương thứ hai của cô.

Dự án thứ 3 do cô thực hiện là "Phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm họa có sự tham gia của cộng đồng và lồng ghép giới" tại tỉnh Lai Châu. Ở dự án này cô là vừa là cán bộ dự án tại tỉnh Điện Biên kiêm trưởng nhóm cán bộ khu vực Tây Bắc.

Chia sẻ về quá trình này, Dương Thị Huýt cho biết, các địa bàn của dự án là những khu vực đi lại rất khó khăn, phải đi bộ mất nhiều thời gian. Dấu chân cô gái dân tộc Tày đầy nhiệt huyết đã in khắp nhiều vùng cao, vùng sâu, vùng xa Tây Bắc, nhằm giảm thiểu những tác động của môi trường, thiên tai đến đồng bào miền núi.

Làm việc với các chuyên gia nước ngoài, Dương Thị Huýt phải nâng cao trình độ ngoại ngữ và kiến thức về môi trường, sức khỏe, giới tính… để thực hiện các dự án của mình. Vì thế, cứ có thời gian là cô lại tranh thủ học tập bằng mọi phương tiện có được. Trong suốt những năm qua, cô đã hoàn thành tốt vai trò tham mưu, giám sát và hỗ trợ địa phương triển khai các hoạt động đạt được mục tiêu, mang lại cho cho cộng đồng, người hưởng lợi những giá trị, kết quả tốt nhất.

Cô gái Tày vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 3.

Dương Thị Huýt (ngoài cùng bên trái) trao đổi với người dân vùng cao

Cũng qua những năm tháng gắn bó với cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng cao, cô cũng nhận ra rằng, hiện hay tỷ lệ mắc bệnh mạn tĩnh và tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đang tăng cao, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và tài chính của cộng đồng, trong khi đó thảo dược có thể hỗ trợ giải quyết được cả 2 vấn đề trên. Vì vậy, sau khi kết thúc các dự án nhân đạo, cô trở về địa phương tham gia vào công ty chế biến sản phẩm từ thảo dược để tiếp tục hành trình phát triển của bản thân và giúp đỡ cộng đồng.

Chia sẻ về ước muốn của mình, Dương Thị Huýt cho biết: "Hiện nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, vùng cao không có việc làm hoặc có thu nhập thấp. Nhiều người dân bị bệnh mạn tĩnh mà không có đủ điều kiện chữa trị hoặc không tiếp cận được các dịch vụ an toàn, hiệu quả, nên tôi mong muốn giúp họ có kiến thức về chăm sóc sức khỏe an toàn cho bản thân và gia đình; có công việc tạo thu nhập ổn định và có cơ hội giao lưu phát triển bản thân. Bản thân tôi cũng mong muốn giúp nhiều phụ nữ có công việc và thu nhập ổn định, người già và trẻ nhỏ không có điều kiện kinh tế được chữa bệnh mạn tính miễn phí…".

Được biết, Dương Thị Huýt đang làm việc tại Công ty thảo dược SKV. Đây là công ty thường xuyên có các hoạt động chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người dân vùng cao. Hiện nay, Dương Thị Huýt đang có sống hạnh phúc bên gia đình tại phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cùng chồng và hai con trai. Cô gái dân tộc Tày này đang ấp ủ nhiều hoạt động vì sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là cho người dân vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng, Dươn Thị Huýt đã được TƯ Hội Chữ thập đỏ Viêt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo và Bằng khen. Khi công tác tại Công ty Thảo dược SKV, Dương Thị Huýt đã giành được giải Nhất cuộc thi "Tôi là chuyên gia" và Giải Đặc biệt Cuộc thi Tiktok triệu view.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn