Nỗ lực đưa hát Then, đàn Tính đến gần hơn với trẻ em dân tộc thiểu số

10/09/2023 09:32
Các em thiếu nhi tham gia CLB Dân ca hát Then, đàn Tính tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Các em thiếu nhi tham gia CLB Dân ca hát Then, đàn Tính tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người dân tộc Tày, CLB dân ca hát Then, đàn Tính ở xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã truyền dạy để trẻ từ 5 tuổi đến người già trên 70 tuổi yêu nét văn hóa đặc sắc này.

Chị Chu Hải Hậu, Chủ nhiệm CLB dân ca hát Then Yên Ninh chia sẻ: "Di sản phải sống được trong cộng đồng và gần hơn với trẻ em, thanh thiếu niên, để các em yêu những gì là truyền thống của đồng bào mình, như vậy mới có giá trị bền lâu".

Chị cũng cho biết, phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn được bà con nhân dân rất quan tâm, đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc. Có nhiều hạt nhân văn nghệ tâm huyết với việc bảo tồn giá trị văn hóa như hát Then, đàn Tính. Điều này là nguồn động viên lớn và cũng là hy vọng văn hóa hát Then, đàn Tính không bị thất truyền.

“Di sản phải sống được trong cộng đồng” - Ảnh 1.

Chị Chu Hải Hậu, Chủ nhiệm CLB dân ca hát Then Yên Ninh

CLB dân ca- hát Then Yên Ninh được chị Chu Hải Hậu thành lập từ năm 2022. Nhưng từ trước đó, vào năm 2017, với niềm đam mê và mong muốn lan tỏa tình yêu với di sản văn hóa của của dân tộc, chị Hậu đã mở lớp học dạy hát Then cho các em học sinh dân tộc tại xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh. Lớp học diễn ra đều đặn mỗi dịp hè và "học phí" được tính bằng phần trả bài hoàn thiện của các em, trong mỗi câu hát Then, mỗi nhịp đàn Tính.

Nắm bắt được tâm tư của nhiều chị em trên địa bàn xã Yên Ninh và các xã lân cận, chị Hậu đã tập hợp và hướng dẫn cho chị em nhiều bài hát Then để biểu diễn và thu hút thêm hội viên.

"Hiện nay, tại CLB có 25 hội viên chính thức. Hội viên trẻ nhất là 5 tuổi, lớn tuổi nhất là 76 tuổi. CLB sinh hoạt vào tối thứ 7 hàng tuần, luân phiên tại các nhà văn hóa xóm. Đối với trẻ em thì dạy lồng ghép vào buổi sinh hoạt hè. Chi phí hoạt động của CLB chỉ tượng trưng, các hội viên đóng góp, trang phục, đàn tính, đạo cụ do hội viên tự mua sắm", chị Hậu cho biết.

Để CLB hoạt động được hiệu quả như ngày hôm nay, chị Hậu cũng như các thành viên của CLB đã trải qua nhiều gian nan để tập hợp được những người còn yêu làn điệu hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày.

Đã nhiều lần học viên giải tán dần, được người nọ, thiếu người kia, thời gian tập cũng khó thống nhất. Chính vì vậy, CLB đã đưa việc truyền dạy cho trẻ em trên địa bàn xóm từ mẫu giáo cho đến trung học. Cùng với đó là tổ chức các buổi sinh hoạt biểu diễn văn hóa hát Then, đàn Tính trong cư dân và cũng kết nối để học viên đi hát giao lưu văn hóa, du lịch tại nhiều nơi.

CLB có sự tham gia của các em nhỏ

Năm nào, CLB cũng tham gia biểu diễn tại các ngày hội lớn như biểu diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Đông Bắc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội và được đông đảo khán giả đón nhận. Điều đó đã động viên và khích lệ các thành viên trong CLB. Tiếp đó, CLB tham gia hoạt động quảng bá văn hóa tại Ninh Bình và Hà Nam. Cũng như tham gia các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Mặc dù vậy, Chủ nhiệm CLB cũng cho rằng, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển CLB. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là làm sao để người Tày yêu điệu hát Then, có yêu thì họ mới theo, mới nhiệt tình truyền lại cho thế hệ sau.

CLB kết nối để học viên đi hát giao lưu văn hóa, du lịch tại nhiều nơi

"Hiện nay một số trường học ở Thái Nguyên đưa hát Then vào trường là môn giáo dục địa phương, tuy nhiên chưa thật sự hiệu quả vì số tiết học quá ít không đủ để truyền đạt được hết nội dung cơ bản. Chính vì thế các em chưa thể tiếp cận, yêu thích và nắm bắt được", chị Hậu trăn trở.

“Di sản phải sống được trong cộng đồng” - Ảnh 7.

Các buổi tập của CLB

Theo chị Hậu, hiện nay nhiều người còn lo ngại về vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa hát Then vì không có kinh phí, hoặc không có "đất diễn", hát Then cũng không "kiếm ra tiền"...

Chị Hậu cho rằng, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị phai nhạt vì sự lấn át của các giá trị văn hóa vùng miền khác và văn hóa ngoại lai. Một số giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đang bị mất đi, một số giá trị bị biến đổi không còn đúng với nguyên gốc. Đáng lo ngại nhất là một bộ phận người dân, trong đó chủ yếu là thanh niên không còn mặn mà với các giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Rõ nhất là các làn điệu dân ca đặc trưng của nhiều dân tộc đang dần biến mất, do người dân không còn sử dụng trong các sinh hoạt của cộng đồng, thậm chí còn không nói được tiếng mẹ đẻ. Giới trẻ hiện nay rất ít người quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, chỉ các cá nhân đơn thuần có sở thích hát then tự kết nối với nhau để thỏa mãn đam mê với mục đích giải trí. Để kiếm thêm thu nhập từ Hát then tại địa phương hầu như không có, nên việc vận động, tập hợp rất khó khăn.

Chị Hậu cũng như các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB chỉ có mong muốn, hàng năm tại địa phương mở ít nhất 1 lớp truyền dạy hát Then cho nhân dân trên địa bàn. Đưa hát Then vào các trường học trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa để học sinh có điều kiện tìm hiểu và tiếp cận gần hơn với các làn điệu dân ca. Đồng thời, tạo điều kiện cho Ban Chủ nhiệm CLB tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng hát Then, đàn Tính để nâng cao kỹ năng truyền dạy.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn