Dù có nhiều nỗ lực để giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết nhưng ở buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn còn tình trạng “cô dâu nhí” lập gia đình khi mới 15, 16 tuổi…
Dù có nhiều nỗ lực để giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết nhưng ở buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn còn tình trạng "cô dâu nhí" lập gia đình khi mới 15, 16 tuổi…

Hôm tôi đến, buôn Ma Giai (được gọi là buôn cuối xã, còn Đất Bằng là xã cuối huyện Krông Pa- địa bàn đặc biệt khó khăn) có mưa khá nặng hạt. Đường đến các hộ dân bùn đất ướt nhẹp. Mưa khiến cho những bức tường gỗ của nhà rông ngấm nước, chuyển sang màu thẫm như càng làm tăng thêm vẻ u tịch trong nền xám xịt của bầu trời.

Chị La O Hin có đôi mắt đẹp với hàng mi cong vút lúc nào cũng như có những giọt nước mắt chỉ chực trào ra...

Chị La O Hin (sinh năm 1982), dân tộc Chăm H’roi, miệng cười, khoe hàm răng trắng muốt mà đôi mắt đẹp với hàng mi cong vút lúc nào cũng như có những giọt nước mắt chỉ chực trào ra. Chị mồ côi cha mẹ khi mới 2 tuổi và sống cùng chị gái. Chị gái đào khoai lang trên rẫy nuôi em. Chị Hin chia sẻ, không đi học, không biết chữ vì từ nhỏ đã phải ở nhà trông cháu.

Nhà nghèo, năm 16 tuổi chị "bắt chồng" chỉ "tốn" 1 con bò. Cứ ngỡ lập gia đình sẽ có cuộc sống mới hạnh phúc, vui vẻ hơn nhưng ngờ đâu đó lại là cái mốc ghi dấu những ngày bất hạnh trong cuộc đời chị. Nợ nần, không thu nhập, con cái nheo nhóc và một người chồng nghiện rượu, cứ rượu vào là về "đè vợ" ra đánh khiến cuộc sống của chị chìm trong nước mắt.

Nỗi buồn của những cô dâu nhí - Ảnh 2.

Những nóc nhà ở buôn Ma Giai trong ngày trời u ám

Vừa kể, chị vừa lấy tay chỉ lên mắt trái bảo, có những lần bị đấm thâm tím mắt mấy ngày vết bầm vẫn chưa tan. Cách đây hai năm không thể tiếp tục chịu đựng cuộc sống như địa ngục chị chia tay với gã chồng suốt ngày bạo hành vợ và "gánh" món nợ 50 triệu đồng hai vợ chồng vay để nuôi bò trước đó.

Nỗi buồn của những cô dâu nhí - Ảnh 3.

Người dân tộc thiểu số ở xã Đất Bằng, chủ yếu sản xuất nông nghiệp (trồng mì, mía, lúa...) và chăn nuôi

Cách đây hơn 1 năm, chị gặp người chồng hiện tại và chung sống với nhau đến tận bây giờ. "Ổng hiền lành, vợ mất và có hai đứa con đã lớn, đều đi làm ăn xa. Ổng cũng biết quan tâm tôi. Nhưng không tìm hiểu kỹ, ở với nhau rồi mới biết, ổng cũng có món nợ lớn. Giờ tôi đi làm mướn, gom góp lo trả nợ, ngày được 100.000 đồng, nhưng việc ngày có ngày không! Ai có sức khỏe lên núi làm thuê thì cũng được 220.000-230.000 đồng/ngày, mình chỉ đủ sức làm mướn thôi. Chịu khó làm thì mỗi năm cũng dành ra được 5-7 triệu đồng"- chị Hin thở dài kể.

"Tôi khổ lắm. Đời mình nghèo, rồi đến con mình cũng vậy! Cố gắng động viên con học nhưng con gái cũng chỉ đến lớp 10 là nghỉ, con trai thì đang học lớp 11…"- chị Hin than.

Con gái chị cũng theo bước chân mẹ, lấy chồng năm 17 tuổi. Khác với mẹ, "bắt chồng" chỉ mất 1 con bò, con gái chị phải mất tận 3 bò, 1 heo. "Tôi phải ‘mua chồng’ cho con, ngoài bò, heo, còn phải đưa cả tiền!"- chị Hin chia sẻ. "Chị nghèo thế, lấy tiền đâu để có bò, có heo?"- tôi hỏi, chị Hin đáp lời "Thì vay nóng rồi làm mướn trả thôi! Mà buồn lắm, nó cũng chỉ ở rể được 1 năm…"… Giờ ở tuổi 40, chị đã là bà ngoại của hai cháu nhỏ.

* Trong 9 tháng đầu năm 2022: Số trẻ sinh ra là 53 trẻ, trong đó số trẻ sinh ra từ phụ nữ dưới 20 tuổi là 11 trẻ, trẻ em là con thứ 3 trở lên 6 trẻ; Số người tảo hôn 28 người.

(Số liệu trong báo cáo 9 tháng đầu năm 2022 của xã Đất Bằng, huyện Krong Pa, tỉnh Gia Lai)

Ở buôn Ma Giai cũng có nhiều cặp đôi tảo hôn. Các "cô dâu 16 tuổi" (lấy chồng năm 16 tuổi), mà có thể thực ra còn cưới sớm hơn tuổi 16, gương mặt vẫn non choẹt đã địu trên lưng những đứa trẻ còi cọc đứng túm năm tụm ba trước cửa một nhà rông vui vẻ cười đùa.

Khuôn mặt khắc khổ vì sớm vất vả nhưng nụ cười vẫn rất hồn nhiên. Đặc biệt là Rơ O Huỳnh, cô dâu mới kết hôn được 6 tháng với nụ cười rạng rỡ và cách ăn mặc khá hiện đại chia sẻ, lúc đi lấy chồng bố mẹ cũng mất một con bò và ít tiền. Nhưng cụ thể số tiền là bao nhiêu thì Huỳnh không biết.

Nỗi buồn của những cô dâu nhí - Ảnh 5.

3 "cô dâu nhí" kết hôn từ năm 16 tuổi, lần lượt từ trái qua phải: Rơ Lan Tiếp, Rơ Lan Hằng và Rơ Lan Huỳnh

Rơ Lan Hằng 18 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ thó chỉ như đứa trẻ mới qua tuổi 13, 14, trên lưng Hằng địu đứa con 16 tháng tuổi, cũng nhỏ xíu y như mẹ…

Lớn tuổi nhất trong số 3 "cô dâu 16 tuổi" là Rơ Lan Tiếp, hiện nay đã 19 tuổi.

Nỗi buồn của những cô dâu nhí - Ảnh 6.

Em bé khát nước được cho uống thẳng nước từ một chiếc gáo to

Hỏi các "cô dâu 16 tuổi" sao không đi học mà lại lấy chồng sớm, vất vả thế, họ đều cười hồn nhiên, trả lời, bố mẹ bảo cưới, yêu rồi thì cưới thôi, đi học làm gì nữa…

Rời Ma Giai khi mưa càng lúc càng nặng hạt, tôi bị nỗi buồn xâm chiếm suốt nhiều ngày bởi thi thoảng lại bất chợt nhớ đến đôi mắt long lanh nước chỉ chực trào, trong lúc miệng vẫn cười rất tươi của La O Hin hôm đó… 

Nỗi buồn của những cô dâu nhí - Ảnh 7.

Những đôi mắt trẻ thơ ở buôn Ma Giai cũng mang nỗi buồn...

* Bà Rcom H’Ploat, Chủ tịch Hội LHPN xã Đất Bằng: Cả xã có 1 Câu lạc bộ nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết mới thành lập từ năm 2021, với 30 thành viên. Định kỳ câu lạc bộ sinh hoạt 1 quý 1 lần. Hiệu quả chưa cao nhưng đây không phải là việc có thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Vì thế, chúng tôi vẫn kiên trì vận động chị em có con trong độ tuổi vị thành niên tham gia, từ từ giúp họ thay đổi nhận thức, giúp giảm dần tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Bảo Nguyên
25/11/2022 09:00