Nỗi khổ của những phụ nữ có chồng bị bắt vì liên quan đến tảo hôn

Kim Ngọc
13/02/2023 - 13:51
Nỗi khổ của những phụ nữ có chồng bị bắt vì liên quan đến tảo hôn

Phụ nữ ở Assam phản đối sau khi chính phủ bắt giữ những người có liên quan đến các vụ tảo hôn

Nỗ lực xóa bỏ nạn tảo hôn của chính quyền bang Assam (Ấn Độ) hồi tháng 1/2023 đã đẩy cuộc sống của hàng trăm phụ nữ đã kết hôn vào khó khăn và đau khổ.

Momina Khatun là một trong số hàng trăm phụ nữ ở bang Assam (đông bắc Ấn Độ) kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi và hiện đang trong tình cảnh mơ hồ sau khi chồng cô bị bắt vì liên quan đến tảo hôn. 

Việc chính quyền bang tuyên bố muốn xóa bỏ hoạt động trái pháp luật này đã đặt Khatun và những phụ nữ khác có chồng đang bị giam giữ vào tình thế khó khăn.

Hạnh phúc bên chồng quá ngắn ngủi

Từ nhỏ Khatun đã không có cuộc sống hạnh phúc, nhưng cuộc hôn nhân với người chồng hiện tại lại mang đến cho cô cuộc sống tốt đẹp hơn mong đợi.

Cha tái hôn khi Khatun lên tám tuổi, vài tháng sau mẹ cũng bỏ rơi cô. Cô phải đến sống với dì ruột tại một ngôi làng nhỏ ở bang Assam. "Cuộc sống ở đó rất khó khăn. Tôi bị xem như gánh nặng của gia đình dì".

Năm ngoái, ở tuổi 17, Khatun đã vô cùng sợ hãi khi gia đình dì quyết định gả cô đi. "Chúng tôi luôn được bảo rằng người đàn ông chúng tôi kết hôn sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của chúng tôi. Tôi còn khá trẻ và lo lắng cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu chồng tôi là người xấu".

Nhưng Yakub Ali, người nông dân mà Khatun kết hôn, hóa ra lại là một người đàn ông tốt bụng, người đã lấy đi sự cô đơn trong cô và thay bằng tình yêu và tình cảm chân thành. "Không có gì nhiều cả, chúng tôi đều nghèo. Ít nhất là có sự yên bình", cô nói.

Nhưng hạnh phúc của họ khá ngắn ngủi. Vào ngày 4 tháng 2, Ali bị bắt và bị buộc tội kết hôn với Khatun khi cô còn là trẻ vị thành niên. Sau một tuần sau, chàng trai 22 tuổi vẫn bị giam giữ. Khatun, người đang mang thai 7 tháng, vẫn chưa thể gặp lại chồng từ khi anh bị bắt. "Tôi biết đi đâu đây? Tôi không có ai cả. Tôi và con tôi sẽ chết đói và cô đơn", Khatun nói.

Nỗ lực xóa bỏ nạn tảo hôn ở Assam

Khatun và hàng trăm phụ nữ khác ở Assam đã phản đối sau khi những người thân nam bị bắt vì liên quan đến các vụ tảo hôn. Cho đến nay, hơn 8.100 người đã được điền tên trong các đơn khiếu nại của cảnh sát, bao gồm cả cha mẹ của chú rể và linh mục cử hành nghi lễ kết hôn.

Nỗi khổ của những phụ nữ có chồng bị bắt vì lệnh đàn áp tảo hôn  - Ảnh 1.

Ở một số quận, phụ nữ đụng độ với cảnh sát

Và những phụ nữ như Khatun coi hành động này là "sự can thiệp tàn nhẫn vào cuộc sống của họ". Hầu hết là người ít học và nghèo, những phụ nữ này nói rằng họ cần những người đàn ông đang bị giam giữ, người là trụ cột chính của gia đình.

Những người như Ali, người bị buộc tội kết hôn với trẻ em gái trong độ tuổi 14-18, đang bị buộc tội theo luật cấm tảo hôn và chịu mức án 2 năm tù cùng một khoản tiền phạt. Những người đàn ông bị buộc tội kết hôn với các cô gái dưới 14 tuổi bị buộc tội theo một đạo luật nghiêm ngặt hơn nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các tội phạm tình dục, một trọng tội không được bảo lãnh với án tù từ 7 năm đến chung thân.

Theo báo cáo, các quận có tỷ lệ người Hồi giáo cao ở Assam có nhiều đàn ông bị bắt giữ hơn những quận khác, mặc dù hàng trăm người theo đạo Hindu cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Theo luật cá nhân của người Hồi giáo ở Ấn Độ, các cô gái có thể kết hôn khi đến tuổi dậy thì. Xung đột giữa điều này và Đạo luật cấm kết hôn trẻ em của Ấn Độ - luật cấm tất cả các cuộc hôn nhân của phụ nữ dưới 18 tuổi, đang bị thách thức tại Tòa án tối cao, TS. Arghya Sengupta, Giám đốc nghiên cứu của Vidhi Legal, cho biết.

Theo TS. Sengupta, cũng cần tính đến "sự thiếu công bằng của hoàn cảnh". Ông nói: "Trong nhiều thập kỷ, luật cá nhân của Hồi giáo cho phép trẻ em gái đến tuổi dậy thì kết hôn theo ý muốn của họ. Vì vậy, đột nhiên đưa chồng của họ vào tù vì một điều không bao giờ sai đối với họ có thể là bất công".

Các chuyên gia cho rằng những vụ bắt giữ này có thể đẩy các cuộc hôn nhân bất hợp pháp vào thế khó, khiến chúng khó được trình báo hơn. TS. Abdul Azad, giảng viên và đồng thời là nhà nghiên cứu tại Đại học Vrije, Amsterdam, cho biết: "Tảo hôn là một vấn đề xã hội hơn là tôn giáo, bắt nguồn từ nghèo đói và chế độ gia trưởng. Chỉ thông qua nâng cao kinh tế và xã hội của các cộng đồng thì hủ tục này mới có thể thực sự bị xóa bỏ, chứ không phải bằng cách nhắm mục tiêu rõ ràng vào một cộng đồng đơn lẻ".

Mặc dù là bất hợp pháp, tảo hôn phổ biến ở nhiều vùng của Ấn Độ chủ yếu do chế độ gia trưởng, hạn chế giáo dục và nghèo đói. Rất ít trường hợp được trình báo, như tại Assam, chỉ có 155 trường hợp tảo hôn được báo cáo vào năm 2021 và 138 trường hợp vào năm 2020, theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia.

Những nỗ lực xóa bỏ nạn tảo hôn mới nhất bắt đầu vào ngày 23 tháng 1, khi Bộ trưởng Assam Himanta Biswa Sarma bày tỏ quan ngại về tỷ lệ mang thai vị thành niên tăng cao ở Assam và hứa sẽ chấm dứt vấn đề này.

Bù đắp nào cho phụ nữ

Bản chất đột ngột của sự việc đã làm tan vỡ nhiều gia đình. Khalidul Rashid, một cư dân của quận Dhubri ở Assam, suy sụp kể lại câu chuyện của mình.

Nỗi khổ của những phụ nữ có chồng bị bắt vì lệnh đàn áp tảo hôn  - Ảnh 2.

Kulsoom (phải), người mất chồng vì Covid-19 vào năm 2020

Con gái 23 tuổi của ông, Kulsoom Khan, đã tự kết liễu đời mình vào ngày 4 tháng 2. Là con cả trong gia đình 4 người, Kulsoom kết hôn khi cô 14 tuổi. Năm 2020, khi chồng qua đời vì Covid-19, cô chuyển về nhà cha mẹ đẻ cùng hai con.

Ông Rashid cho biết mọi điều trong cuộc sống của con gái đều ổn, nhưng khi nghe tin về vụ bắt giữ vào tuần trước, cô trở nên vô cùng căng thẳng. Hôm thứ Sáu, cô xin cha đưa cho mình giấy đăng ký kết hôn. Ông Rashid nói: "Tôi nói với con gái rằng chồng nó đã chết nên không có gì phải lo lắng". Tuy nhiên vì sợ cảnh sát bắt cha mẹ, Kulsoom đã tự tử để bảo vệ họ.

Là một khu vực đa số là người Hồi giáo, Dhubri đã ghi nhận số vụ bắt giữ cao nhất. "Nhận thức chung cho rằng tảo hôn là một vấn đề của xã hội Hồi giáo. Nhưng tỷ lệ tảo hôn ở Dhubri cao vì đây là một trong những quận nghèo nhất của Assam, nơi hầu hết các gia đình đều mù chữ. Không phải vì người Hồi giáo sống ở đây", ông Zaman nói.

Ông cho rằng chính phủ đã biến một vấn đề xã hội thành một vấn đề chung, gây tổn hại đến cuộc sống của phụ nữ. Chính phủ đã tuyên bố bồi thường tài chính cho những phụ nữ bị ảnh hưởng, nhưng theo ông việc nghĩ rằng tiền có thể xoa dịu nỗi đau của họ là thiếu thấu đáo.

"Còn tình cảm giữa vợ và chồng thì sao? Chính phủ sẽ bù đắp cho phụ nữ như thế nào?" Đó là câu hỏi Khatun luôn ám ảnh. "Đời đàn bà có bao giờ hết khổ đâu?", cô nói.

Nguồn: BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm