Làng nghề nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có tuổi đời hơn 300 năm. Nón ngựa Phú Gia được xem là "kiệt tác" của nón lá. Nó biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc.

Nón ngựa Phú Gia, biểu tượng sự mạnh mẽ và uy nghiêm, gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc


Làng nghề nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có tuổi đời hơn 300 năm. Nón ngựa Phú Gia được xem là "kiệt tác" của nón lá. Nó biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc.

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan (ngụ thôn Phú Gia) 73 tuổi nhưng đã có đến 58 năm gắn bó với nghề làm nón ngựa. Ông bảo, thời xưa, nón ngựa chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, quyền quý. Những người đội nón ngựa với mẫu hoa văn như long, lân, quy, phụng là những người có chức sắc ở địa phương. 

Nón ngựa Phú Gia, biểu tượng sự mạnh mẽ và uy nghiêm, gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - Ảnh 1.

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan đã có nhiều năm gắn bó với nghề làm nón ngựa

Trong khi đó, giới phong lưu thường chuộng mẫu hoa văn như mai, lan, cúc, trúc vì nó là biểu tượng của sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa. Cũng chính nhờ có những mẫu họa tiết này mà khi đội trên đầu, nón ngựa Phú Gia vừa có nét cao sang quý phái, vừa được sự trang nhã, mềm mại trở thành nét đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Nón ngựa Phú Gia là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, vì có nhiều hoa văn trên sản phẩm

Bây giờ, nón ngựa trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo bởi sự cầu kỳ, tỉ mẩn và tài hoa trong từng đường nét. Để có được một chiếc nón thành phẩm, người thợ phải dụng công nhiều ngày. Người làm nón phải lên thượng nguồn các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) giáp với Tây Nguyên để chặt cây giang đem về chẻ ra từng miếng cật dày, rồi phơi khô và tước ra thành cây tăm thật nhỏ, đều. Lá kè (lá cọ) làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo cần thiết.

Nón ngựa Phú Gia, biểu tượng sự mạnh mẽ và uy nghiêm, gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - Ảnh 3.

Ông Lan bên chiếc nón "gia bảo" là kỷ vật của người mẹ để lại-chiếc nón có tuổi đời hơn thế kỷ và được sử dụng liên tục 45 năm

Các nguyên liệu khác như rễ dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the... cũng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi bắt tay thực hiện 20 công đoạn làm nón ngựa. Trong đó, 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.

Ở làng nón ngựa Phú Gia, hầu hết người dân chằm hai loại nón ngựa, với giá cả khác nhau. Chiếc nón bình thường thì chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa. Để mặt lá nón được láng bóng, không bị thấm nước qua các lỗ kim khi trời mưa, người làm nón quét lên đó một lớp mỏng sơn dầu trong suốt, hoặc bọc nhựa nón sẽ bền và trông đẹp hơn. Chiếc nón làm theo nguyên mẫu truyền thống này có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ.

Nón ngựa Phú Gia, biểu tượng sự mạnh mẽ và uy nghiêm, gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - Ảnh 4.

Đối với loại nón ngựa làm bắt mắt hơn thì trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, quy, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua. Phía trong chiếc nón ngựa có 3 vành lớn được làm từ rễ dứa là vành cài, vành quai và vành sua. Riêng phần chóp nón gồm có 3 sòi. Phần quai nón được cắt may từ nhung hoặc the.

Nón ngựa Phú Gia, biểu tượng sự mạnh mẽ và uy nghiêm, gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - Ảnh 5.

Nón ngựa Phú Gia được trưng bày để du khách tham quan và mua làm quà lưu niệm

Các nghệ nhân nơi đây bảo rằng, nón ngựa Phú Gia có độ bền chắc khác biệt mà không nơi nào có thể sánh được. Minh chứng cho điều đó là chiếc nón "gia bảo", là kỷ vật của người mẹ để lại cho ông Lan. Dù đã ngả màu thời gian nhưng chiếc nón ngựa vẫn chắc chắn. Vành cứng, chỉ thêu còn nguyên màu, rõ hoa văn, chữ nghĩa, lá chưa sờn. Và, điều bất ngờ nằm ở chỗ, chiếc nón này có tuổi đời hơn thế kỷ và được sử dụng liên tục 45 năm.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm (69 tuổi, ngụ thôn Phú Gia), nếu dành toàn bộ thời gian chuyên tâm cho việc làm một chiếc nón ngựa bắt mắt, độc đáo thì sẽ mất khoảng 25 ngày, tức gấp 8 lần thời gian so với làm một chiếc nón thường. Chi phí để làm chiếc nón ngựa này khoảng 2,5 triệu đồng nên giá thành cũng cao hơn chiếc nón bình thường.

Nón ngựa Phú Gia, biểu tượng sự mạnh mẽ và uy nghiêm, gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - Ảnh 6.

Du khách thích thú với nón ngựa Phú Gia

Làng nón ngựa Phú Gia hiện nay có khoảng 200 người làm nón. Những năm trước, làng nón gặp khó khăn do chỉ quanh quẩn các mối hàng quen. Nhưng nay, nhờ Nhà nước chú trọng đầu tư, quảng bá hình ảnh làng nghề nên nón ngựa Phú Gia có thêm nhiều người biết đến. Trong đó, có cả khách du lịch nước ngoài đặt mua với số lượng lớn.

Nhuận Kiệt
Tuấn Phùng, ST
12/11/2021 00:00