Nữ Bí thư Chi bộ người Mông: "Người thật, việc thật, hiệu quả thật thì dân bản tin thôi!"

PV
01/08/2022 12:33
Bí thư Vừ Y Dở (giữa) hướng dẫn bà con phát triển các mô hình kinh tế.

Bí thư Vừ Y Dở (giữa) hướng dẫn bà con phát triển các mô hình kinh tế.

Chị Vừ Y Dở là nữ Bí thư Chi bộ đầu tiên người dân tộc Mông ở huyện Tương Dương, Nghệ An. Với sự tận tâm, nhiệt huyết, chị đã giúp bản Lưu Thông "thay da đổi thịt", cuộc sống người dân ngày càng thay đổi.

Những năm gần đây, người dân bản Lưu Thông (xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An) luôn tự hào về Vừ Y Dở, nữ Bí thư Chi bộ người Mông đầu tiên của huyện Tương Dương. Cũng bởi, chị là người đã giúp bản vùng cao thay da đổi thịt, cuộc sống người dân đã bước sang trang mới.

Vừ Y Dở sinh ở bản Mông xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Năm 18 tuổi, cô về làm dâu ở bản Lưu Thông và nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới, được gia đình nhà chồng tạo điều kiện cho tham gia công tác phụ nữ từ năm 2003.

Qua gần 3 năm ở tổ chức hội, nhận thấy khả năng, sự nhiệt huyết và triển vọng của chị ở nơi bản nghèo, trong khi nhân lực kế cận của địa phương lại khó khăn, lúc bấy giờ, Bí thư Chi bộ bản Vừ Tống Mùa đã phát hiện, bồi dưỡng Y Dở vào hàng ngũ của Đảng.

Được tin tưởng và sự động viên của chồng cùng những người thân, Y Dở đã phấn đấu trở thành đảng viên của bản và là đảng viên đầu tiên người Mông nơi đây. Năm 2005, chị vào Đảng và được Chi bộ giới thiệu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ để theo dõi, phát triển nguồn Chi ủy kế cận.

"Dù được chồng và gia đình chồng ủng hộ nhưng tôi vẫn băn khoăn bởi phụ nữ Mông lâu nay quanh năm lầm lũi lên nương làm rẫy, rồi lại quanh quẩn ở nhà chăm sóc gia đình", Vừ Y Dở chia sẻ.

Thời điểm ấy trong bản, trong xã chỉ có mỗi Y Dở là đảng viên nữ người Mông. Vì thế, ban đầu cô cũng ngại đi sinh hoạt đảng. Tuy nhiên, được sự động viên của những người đi trước và gia đình, chị cũng quen dần và tiếp thu nhiều kiến thức, giao tiếp nhiều và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bản làng.

Là cán bộ cơ sở, Y Dở cho rằng, muốn nói để dân nghe hay để bà con làm theo thì mình phải gương mẫu, đi đầu. Thực tế, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nếu kinh tế phát triển, bà con sẽ tin và làm theo. Vì vậy, vợ chồng chị quyết tâm phát triển kinh tế từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi.

Nhận thấy các loại cây, con đặc sản của dân tộc mình đang được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng, Vừ Y Dở đã nhanh chóng mở rộng diện tích trồng khoai sọ, bí xanh... Đồng thời, trồng xen các loại cây ngắn ngày dưới tán cây rừng trong thời kỳ chưa phát tán như dứa, rau xanh các loại... để bán tăng thêm thu nhập. Vừ Y Dở còn đưa giống ngô, lúa năng suất cao về trồng. Hằng năm, gia đình chị thu hoạch được trên 10 tấn ngô, vừa bán lấy tiền sinh hoạt trong gia đình, vừa đảm bảo phục vụ cho chăn nuôi bò.

Ngoài trồng rau, trồng lúa, chăn nuôi trâu, sau khi tìm hiểu, Y Dở đã quyết định nuôi dê. Gia đình chị là người đầu tiên trong bản nuôi dê với tổng đàn 12 con và cho kết quả rất tốt. Hiện tại, đã có vài hộ nuôi theo.

Nữ Bí thư Chi bộ người Mông: "Người thật, việc thật, hiệu quả thật thì dân bản tin thôi!" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Là đảng viên, lại là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của bản, Y Dở cũng vận động chị em mỗi tháng một lần vệ sinh môi trường thôn, bản xây dựng vườn chuối phụ nữ, trồng rau xanh để cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, chị còn động viên chị em tham gia CLB Dân ca dân vũ, chơi thể thao, may trang phục dân tộc Mông,…

Nhờ làm tốt công tác cơ sở, đến năm 2020, mọi người tín nhiệm bầu Y Dở làm Bí thư chi bộ. Đây là một tiến bộ lớn, thể hiện sự đổi mới trong tư duy của người Mông ở xã Lưu Kiền.

Từ khi được bầu làm Bí thư Chi bộ, Vừ Y Dở cùng Chi bộ vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế chăn nuôi theo hương ước, quy ước của bản là gia súc, gia cầm nuôi nhốt 100%, các hộ chăn nuôi đều có chuồng trại cố định.

Bên cạnh chăn nuôi trâu bò, người dân bản Lưu Thông còn nuôi dê, lợn, gia cầm. Nhờ cần cù, chăm chỉ nên người dân Lưu Thông có cuộc sống khá ổn định, đời sống vật chất và tinh thần phát triển hài hòa. Trong bản chỉ còn 8 hộ nghèo.

Khi được hỏi bí quyết để bà con và tin theo chủ trương, đường lối của Chi bộ, Vừ Y Dở cho biết: "Mình người thật, việc thật, hiệu quả thật'' thì dân bản tin thôi, muốn vậy thì cán bộ, đảng viên và gia đình phải gương mẫu đi đầu!".

"Lúc mới làm, Y Dở còn ngại ngùng, bỡ ngỡ, công tác điều hành còn lúng túng. Ta đi trước biết hơn, hiểu hơn nên ta giúp đỡ để Y Dở hoàn thành nhiệm vụ. Còn có 2 đảng viên là cán bộ xã sinh hoạt trong chi bộ cũng tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho Y Dở mà", Trưởng bản Thò Bá Chò chia sẻ.

Đặc biệt, hiểu rõ tầm quan trọng của điện, đường, trường trạm, năm 2020, Vừ Y Dở vận động bà con trong bản làm con đường dài 500m. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn dân bản góp ngày công, góp tiền mua cát sỏi để làm. Từ ngày có đường tốt, việc đi lại vận chuyển nông sản của bà con cũng thuận lợi hơn. Ngoài ra, sân vận động to rộng phía trước nhà cộng đồng cũng mới làm trong năm 2020.

Không chỉ với vai trò một Bí thư Chi bộ, Y Dở còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm y tá của bản đã cùng chị em tham gia tích cực nhiều phong trào như "5 không, 3 sạch" (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, không bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số và không để con em bỏ học hay bị suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) cũng như nâng cao nhận thức về hôn nhân - gia đình, các quy định về bảo đảm an ninh biên giới…

Bản Lưu Thông có hơn 60 hộ với gần 290 nhân khẩu, 100% dân số là dân tộc Mông. Trong những năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được bảo đảm, góp phần quan trọng tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2020, bản được Công an tỉnh và UBND huyện Tương Dương chọn làm điểm mô hình "Bản làng không có ma túy".

Nhờ vai trò của đội ngũ cán bộ bản mà trong suốt hàng chục năm qua, bản Lưu Thông là đơn vị điển hình về "dân vận khéo" trong việc tuyên truyền người dân chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật, không có tệ nạn xã hội, không có người trộm cắp, không có người nghiện ma túy, hay mang án tù, không trồng cây thuốc phiện và nạn di cư tự do. Do đó, cuộc sống bản làng luôn bình yên, mỗi dòng họ, mỗi nếp nhà luôn hòa thuận, yên vui.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.