Thế giới có tới 70 triệu nữ lao động di cư

Nhu Thụy
30/06/2021 - 21:55
Thế giới có tới 70 triệu nữ lao động di cư
Theo ước tính mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số người lao động di cư ra nước ngoài trên toàn cầu đã lên đến 169 triệu người, tăng 3% kể từ năm 2017. Trong đó, số nữ lao động di cư là 70 triệu người.

COVID-19 làm gia tăng nguy cơ với nữ lao động di cư

Báo cáo mới của ILO ước tính trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, số lượng người lao động di cư ra nước ngoài đã tăng từ 164 triệu lên 169 triệu người. Tỷ lệ lao động di cư trẻ tuổi (15-24 tuổi) cũng tăng gần 2%, tương đương 3,2 triệu người, kể từ năm 2017, đạt mức 16,8 triệu người vào năm 2019.

 lao động di cư

Người lao động di cư ở Ấn Độ gặp khó khăn trong đại dịch

Trong năm này, lao động di cư ra nước ngoài chiếm gần 5% lực lượng lao động toàn cầu, khiến họ trở thành một phần không thể tách rời của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhiều lao động di cư vẫn thường phải làm những công việc tạm thời, phi chính thức và không được bảo vệ.

Do đó, họ gia tăng nguy cơ rơi vào tình trạng không ổn định, bị sa thải và sa sút về điều kiện làm việc. Khủng hoảng COVID-19 làm gia tăng những nguy cơ này, đặc biệt là đối với nữ lao động di cư vì họ chiếm số đông trong các công việc bị trả lương thấp, đòi hỏi tay nghề thấp. Họ ít được tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội cũng như ít có lựa chọn đối với các dịch vụ hỗ trợ.

 lao động di cư

Bà Manuela Tomei - Vụ trưởng Vụ Điều kiện làm việc và Bình đẳng của ILO

"Đại dịch đã làm lộ rõ tình trạng bấp bênh của họ. Lao động di cư thường là đối tượng đầu tiên bị cho nghỉ việc, họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận để được chữa trị và họ thường không được đưa vào diện điều chỉnh của các chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19", bà Manuela Tomei - Vụ trưởng Vụ Điều kiện làm việc và Bình đẳng của ILO - cho biết.

Các nước có thu nhập cao thu hút phần đông lao động di cư

Hơn 2/3 số lao động di cư ra nước ngoài tập trung tại các nước có thu nhập cao. Trong tổng số 169 triệu lao động di cư ra nước ngoài, có đến 63,8 triệu (37,7%) làm việc tại châu Âu và Trung Á. 43,3 triệu người (25,6%) làm việc tại châu Mỹ. Như vậy, tính trên tổng số lao động di cư ra nước ngoài, tỷ lệ lao động di cư tại châu Âu, Trung Á và châu Mỹ chiếm 63,3%.

Đối với các quốc gia Arab và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mỗi khu vực hiện tiếp nhận khoảng 24 triệu lao động di cư, tương đương với 28,5% tổng số lao động di cư. Châu Phi hiện tiếp nhận 13,7 triệu lao động di cư, chiếm 8,1%.

 lao động di cư

Nhiều lao động di cư đến Canada làm việc trong các trang trại trồng dâu

Phần lớn lao động di cư là nam giới với 99 triệu người, còn số lao động di cư là nữ là 70 triệu. Phụ nữ phải đối diện với nhiều trở ngại kinh tế - xã hội hơn khi di cư lao động và họ thường di cư theo diện thành viên gia đình cùng đi hơn là tìm việc làm. Họ có thể gặp phải tình trạng phân biệt giới trong công việc và thiếu mạng lưới giao tiếp, khiến việc cân đối giữa công việc và đời sống gia đình tại nước ngoài trở nên khó khăn.

Người trẻ di cư nhiều hơn

Tỷ lệ người trẻ di cư ra nước ngoài làm việc đã tăng từ 8,3% năm 2017 lên 10% năm 2019. Tỷ lệ này tăng lên có lẽ có liên hệ với tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao ở nhiều nước đang phát triển. Phần lớn lao động di cư (86,5%) ở độ tuổi trưởng thành chính (25-64 tuổi).

Ở nhiều khu vực, lao động di cư ra nước ngoài chiếm một tỷ trọng quan trọng trong lực lượng lao động. Họ là nguồn đóng góp sống còn cho xã hội và nền kinh tế của các nước tiếp nhận lao động. Họ đảm nhận những công việc trong các lĩnh vực trọng yếu như chăm sóc y tế, giao thông, dịch vụ, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Theo báo cáo, 66,2% lao động di cư làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, 26,7% trong lĩnh vực công nghiệp và 7,1% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, có sự khác biệt giới đáng kể giữa các lĩnh vực khác nhau: Phụ nữ chiếm số đông trong lĩnh vực dịch vụ do nhu cầu đối với nhân viên chăm sóc, nhân viên y tế và giúp việc gia đình tăng lên. Lĩnh vực công nghiệp tiếp nhận nhiều lao động nam hơn.

Nguồn: ILO
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm