Nữ nghệ nhân khơi dậy tình yêu dân ca trên đất Kẻ Mọc

06/07/2023 20:30
Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung biểu diễn trong một chương trình. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung biểu diễn trong một chương trình. Ảnh: NVCC

Kẻ Mọc là vùng đất có truyền thống văn hóa nghệ thuật lâu đời. Vốn sinh ra ở Mỹ Lộc, Nam Định, về đây định cư và xem là quê hương thứ hai của mình, bà Phan Thị Kim Dung đã thành lập Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). CLB đã tồn tại suốt 14 năm qua và gặt hái được không ít thành công.

Tình yêu với dân ca từ thuở ấu thơ

Chúng tôi tìm tới phường Nhân Chính một ngày nắng đầu tháng 7 để gặp Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca làng Mọc Quan Nhân. 

Ngồi đối diện chúng tôi là người phụ nữ nhanh nhẹn, trẻ hơn so với tuổi 73 của mình, đôi mắt sáng toát lên sự thông minh cùng khuôn mặt phúc hậu, thân thiện. Bà say sưa kể về những làn điệu dân ca thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước...

Nữ nghệ nhân khơi dậy tình yêu dân ca nơi đất Kẻ Mọc - Ảnh 1.

Nghệ nhân Kim Dung và các thành viên Câu lạc bộ biểu diễn trong một chương trình. Ảnh: NVCC

Theo Nghệ nhân Kim Dung, cha bà cũng là một nghệ nhân hát dân ca có tiếng ở trong vùng. Có lẽ vì vậy nên bà được thừa hưởng cái gene nghệ thuật của cha. Chính người cha thân yêu là người thầy đã truyền dạy cho bà những làn điệu dân ca thuở lên 9, lên 10.

Được trời phú cho chất giọng hay, một chút năng khiếu bẩm sinh nên bà học rất nhanh các làn điệu dân ca khó và chính những làn điệu dân ca mượt mà đó đã theo bà qua những cuộc thi lớn nhỏ trong quá trình sinh sống, công tác ở quê hương Nam Định...

"Do cuộc sống lúc đó còn khó khăn nên dù có chất giọng tốt nhưng tôi không theo chuyên nghiệp con đường nghệ thuật dân gian mà mình ấp ủ từ lúc nhỏ. Lấy chồng, sinh con, cuộc sống mưu sinh nên tôi chỉ mang lời ca tiếng hát của mình đến những cuộc thi nơi mình sinh sống, công tác và đành phải gác lại giấc mơ theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp", Nghệ nhân Kim Dung trải lòng.

Lan tỏa những làn điệu dân ca trên quê hương mới

Bà chuyền về phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, sinh sống từ những năm 1990. Khi đó, cuộc sống của người dân ở đây còn khó khăn, đời sống tinh thần chưa được chú trọng nhưng bù lại, làng Mọc xưa đã là cái nôi của văn hóa nghệ thuật của đất kinh thành.

Nữ nghệ nhân khơi dậy tình yêu dân ca nơi đất Kẻ Mọc - Ảnh 2.

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung truyền dạy dân ca cho các cháu. Ảnh: NVCC

Do muốn báo đáp mảnh đất mà bản thân xem là quê hương thứ hai của mình, bà nảy ra ý định thành lập một Câu lạc bộ dân ca "cây nhà lá vườn". Bà đã không ngại vất vả, đi xin chính quyền thành lập Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân và trở thành người "đứng mũi chịu sào" để Câu lạc bộ dân ca hoạt động.

"Lúc mới thành lập, Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân có 14 hội viên. Ban đầu, nhiều người còn có tâm lý e ngại khi đến học vì nghĩ không hiệu quả, mất thời gian, với lại lúc đó cuộc sống còn khó khăn, một số người không mặn mà khi bỏ công, bỏ việc để đi hát, tham gia Câu lạc bộ.

Khi đó, tôi đã đứng ra vận động, thuyết phục và truyền cho họ tình yêu, lòng đam mê với Câu dân ca. Tôi đã mày mò tìm ra cách dạy ngắn gọn, dễ hiểu, dễ học nhất để mọi người thấy hào hứng", Nghệ nhân Phan Thị Kim Dung nhớ lại.

Nữ nghệ nhân khơi dậy tình yêu dân ca nơi đất Kẻ Mọc - Ảnh 3.

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung tham gia truyền dạy dân ca cho nhiều trẻ em. Ảnh: NVCC

Với mục đích ban đầu chỉ là có nơi để mọi người sinh hoạt, học hỏi và có thể biểu diễn mỗi dịp lễ tết, thế nhưng sau đó, Câu lạc bộ đã giành được không ít thành tích như: Huy chương vàng Hội thi Hát văn khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất - năm 2010; giải Nhất Liên hoan Hát văn do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức năm 2012; giải A tại Liên hoan Dân ca dân vũ do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức năm 2016, giải Ba Liên hoan Hát xẩm khu vực phía Bắc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2019…

"Câu lạc bộ tồn tại với mục đích phi lợi nhuận, tất cả đều hướng về cộng đồng với tấm lòng tha thiết, mặn nồng. Điều đáng mừng là sau nhiều năm ra đời, phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương đã rất khởi sắc, phường Nhân Chính luôn giành được kết quả cao trong mỗi cuộc thi, hội diễn không chuyên của quận và thành phố", nữ nghệ nhân khẳng định.

Nữ nghệ nhân khơi dậy tình yêu dân ca nơi đất Kẻ Mọc - Ảnh 4.

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung và các học trò nhí trong một tiết mục biểu diễn. Ảnh: NVCC

Giữa sự hối hả của cuộc sống hiện đại, những bà, những chị trong Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân vẫn dành thời gian say sưa cất cao tiếng hát vào mỗi tối thứ 6 hằng tuần.

"Trải qua 14 năm phát triển, hiên tại Câu lạc bộ có hơn 50 người đủ lứa tuổi, thành phần, địa vị xã hội và người lớn tuổi nhất đã 75 tuổi nhưng vẫn hăng say tham gia Câu lạc bộ. Bên cạnh sự ủng hộ tinh thần của người dân khối phố còn có sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền, Hội LHPN quận Thanh Xuân, giúp cho Câu lạc bộ phát triển, lan tỏa như hôm nay...", Nghệ nhân Kim Dung cho biết.

Là một Chủ nhiệm năng nổ của Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân, bà còn tham gia truyền dạy dân ca cho nhiều lớp học với đối tượng là trẻ em, học sinh và người khuyết tật trên địa bàn quận Thanh Xuân. Sự lan tỏa từ các lớp học do Nghệ nhân Kim Dung đứng lớp đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Kẻ Mọc phiên âm ra chữ là Mộc Cự, sau đổi ra Nhân Mục. Sau, do dân ngày càng đông nên chia thành hai xã là Nhân Mục Cựu và Nhân Mục Môn. Nhân Mục Môn có các thôn Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất; nay Nhân Mục Môn thuộc phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn