Phát huy vài trò của người có uy tín trong xây dựng quê hương, đất nước

Người có uy tín ở Yên Bái vận động người dân gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Ảnh ST

Người có uy tín ở Yên Bái vận động người dân gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Ảnh ST

Thời gian qua, nhiều địa phương ở nước ta đã phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong xây dựng quê hương, làng, bản và đã thu được nhiều kết quả to lớn.

Người có uy tín nêu gương sáng

Tỉnh Yên Bái có 872 người uy tín trong đồng bào các dân tộc là các già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, cán bộ nghỉ hưu, chức sắc tôn giáo, nhà giáo, thầy thuốc, nhân sĩ, người sản xuất kinh doanh giỏi, đảng viên, người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Đây là những tấm gương sáng trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với đồng bào các dân tộc thiểu số; có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điển hình như ông Lý Nhà Chảo, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã lựa chọn các loại giống, cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế gia đình và nuôi ong lấy mật, trồng được 3 ha thảo quả, 2 ha sơn tra, hằng năm cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng.

Phát huy vài trò của người có uy tín trong xây dựng quê hương, đất nước - Ảnh 1.

Ông Điêu Văn Khang (giữa), người có uy tín ở Yên Bái trao đổi với cán bộ nơi cư trú về cách vận động người dân phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự

Không chỉ giỏi làm ăn, phát triển kinh tế, người uy tín trong đồng bào các dân tộc còn là những tuyên truyền viên tích cực, vận động người thân, cộng đồng tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo, các hoạt động từ thiện, nhân đạo vì cộng đồng, hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi. Tiêu biểu như bà Hoàng Thị Thu Hiền, thôn Sài Lương, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái), trong những năm qua đã phối hợp vận động nhân dân xây dựng nâng cấp nhà văn hóa, hiến đất làm đường giao thông nông thôn; phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên mở 5 lớp học nghề tại thôn, mỗi lớp 30 học viên; vận động nhân dân xây dựng quỹ từ thiện nhân đạo giúp đỡ hộ nghèo với số tiền trên 15 triệu đồng và 150 ngày công lao động...

Bên cạnh đó, nhiều người có uy tín ở Yên Bái đã phát huy vai trò trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội Rằm tháng Giêng của dân tộc Thái, lễ xuống đồng của dân tộc Tày.

Người uy tín trong đồng bào các dân tộc Yên Bái cũng đã góp phần cùng hệ thống chính trị tỉnh đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Đến nay, tỉnh Yên Bái có 14/23 phường được công nhận là "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị"; 76/150 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Trấn Yên (Yên Bái) là huyện đầu tiên của các tỉnh Tây Bắc đạt chuẩn NTM.

Phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

Còn tại xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Bàn Sinh Đoàn, Trưởng thôn Tân Thành (xã Lập Thạch) cho biết: Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các công trình nhà văn hóa, đường giao thông nội thôn đều từ sức dân trong thôn. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các già làng, người có uy tín của thôn, trong đó có ông Triệu Đăng Khoa. Năm 2013, thôn bắt đầu triển khai xây dựng NTM, với vai trò là người có uy tín trong đồng bào Dao ở Tân Thành, ông Triệu Đăng Khoa luôn tận tụy, hết lòng với công việc chung của cộng đồng.

Phát huy vài trò của người có uy tín trong xây dựng quê hương, đất nước - Ảnh 2.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở xã Thạch Lập

Trước năm 2017, hơn 1,3km đường nội thôn Tân Thành chủ yếu là đường đất, đi lại khó khăn. Sau nhiều cuộc họp bàn bạc, các hộ dân trong thôn đã thống nhất, quyết định lựa chọn kiên cố toàn bộ 1,3km đường giao thông, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, sản xuất thuận lợi. Ngoài nguồn xi măng của Nhà nước hỗ trợ, ông Khoa đã cùng với chi bộ, ban công tác mặt trận thôn không quản ngại nắng, mưa "đến từng ngõ, gõ từng nhà" vận động mỗi hộ dân đóng góp 1 triệu đồng để làm đường giao thông. Uy tín, tiếng nói của ông Khoa đã tạo nên sự đồng thuận của nhân dân và chỉ hơn 1 năm sau, 1,3km đường giao thông của thôn đã được đổ bê tông.

Đến nay, Tân Thành đã "về đích" thôn NTM, với đường bê tông kiên cố, sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang. Cùng với đó, Nhà nước cũng hỗ trợ cây, con giống giúp cho nhiều hộ đồng bào Dao ở Tân Thành phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thôn được nâng lên 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,9%.

Cũng như ông Khoa, nhiều người có uy tín ở xã Thạch Lập đã phát huy tốt vai trò của mình, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.