Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mường

28/11/2023 15:08
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là địa phương có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của người dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác.

Huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, chính vì thế văn hóa truyền thống của người Mường trong huyện có nhiều sắc thái đặc trưng, đan xen và giao thoa rõ nét. 

Bản sắc văn hóa của dân tộc Mường từ những ngôi nhà sàn, trang phục, ẩm thực, tiếng nói, nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn dân gian đến công cụ lao động sản xuất... còn được lưu giữ và phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 1.

Bản sắc văn hóa của dân tộc Mường là nghệ thuật trình diễn dân gian đến công cụ lao động sản xuất...

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn nói chung, dân tộc Mường nói riêng, huyện Thanh Sơn đã ban hành Đề án "Tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn" giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, 100% xã, thị trấn thành lập CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường hoặc CLB văn hóa, văn nghệ các dân tộc. Huy động nguồn lực của toàn xã hội tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 2.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, thị trấn thành lập CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường hoặc CLB văn hóa, văn nghệ các dân tộc

Bà Lỗ Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay, huyện đang tập trung huy động nguồn lực tiếp tục đầu tư, phát huy giá trị văn hoá, nâng cao đời sống văn hoá các dân tộc

Theo đó, đối với công tác bảo tồn nhà sàn truyền thống, công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ, trang phục dân tộc, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí ngân sách và tập trung huy động các nguồn lực tiếp tục sưu tầm hiện vật, công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ, trang phục dân tộc. Hàng năm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ năm 2021 đến nay tập trung huy động với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng.

- Về nhà sàn truyền thống, bảo tồn được 127 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng, khôi phục nhà sàn truyền thống tại trung tâm xã, tính đến nay có 9 xã có nhà sàn truyền thống tại trung tâm xã nhằm trưng bày, lưu giữ công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ và trang phục dân tộc của người Mường phục vụ nhu cầu thăm quan và nghiên cứu của cán bộ, nhân dân trong và ngoài huyện.

- Về công cụ, lao động sản xuất, nhạc cụ, trang phục, bảo tồn được 718 chiếc chiêng; 193 nhạc cụ khác; 2.962 bộ trang phục. Đã khôi phục trang phục dân tộc Mường để cán bộ và nhân dân có thói quen mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ tết, hội nghị...

Huyện tăng cường tuyên truyền vận động, khuyến khích các hộ gia đình lưu giữ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khảo sát, kiểm kê và hướng dẫn, vận động các hộ gia đình, các nhà văn hóa khu dân cư lưu giữ lại đồ dùng lao động sản xuất, vật dụng sinh hoạt, trang phục đạo cụ của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Dao… như gia đình bà Đinh Thị Tâm, xã Cự Đồng; gia đình ông Hoàng Văn Mai, xã Võ Miếu…

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 3.

Thanh Sơn còn tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng 

Thanh Sơn còn tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Từ năm 2017 đến nay huyện tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực bảo tồn làng, bản văn hoá truyền thống dân tộc Mường ở Bản Hắm, Bản Chuôi (xã Khả Cửu) nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khả Cửu.

Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Sơn chia sẻ, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc được huyện quan tâm, nhiều chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được triển khai.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/HU của huyện Thanh Sơn về việc tiếp tục thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025 đã phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 4.

Đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên, bước đầu hình thành phát triển du lịch cộng đồng; phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội ở địa phương

Nhiều năm gần đây một số lễ hội được khôi phục các hoạt động văn hóa đã hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc, góp phần quan trọng trong việc giáo dục về truyền thống lịch sử văn hóa, là cầu nối để quảng bá hình ảnh địa phương cho du khách trong và ngoài huyện. Đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên, bước đầu hình thành phát triển du lịch cộng đồng; phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn vẫn còn một số khó khăn, thách thức như việc đầu tư cho công tác sưu tầm, phục dựng và phát huy các giá trị di sản văn hóa còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế hiện nay. Trưng bày công cụ, đồ dùng lao động, nhạc cụ, trang phục ở nhà sàn truyền thống của các xã, trưng bày không gian Mường ở các trường học chưa nhiều. Hoạt động các CLB văn hoá, văn nghệ chưa được tổ chức thường xuyên, nội dung hoạt động chưa phong phú.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mường- Ảnh 5.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn vẫn còn một số khó khăn, thách thức

Quá trình giao lưu hội nhập về kinh tế, văn hóa của đồng bào các dân tộc cũng có tác động mạnh mẽ đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Thanh Sơn. Đời sống tín ngưỡng, một số phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn của các dân tộc thiểu số gắn với đời sống tinh thần của người dân đến nay chưa được tổ chức thường xuyên.

Bởi vậy, huyện Thanh Sơn đang tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn