Phát triển du lịch cộng đồng ở “cổng trời” An Toàn

Chị Phạm Thị Kênh (phải) chuẩn bị các món đặc sản địa phương để phục vụ du khách.

Chị Phạm Thị Kênh (phải) chuẩn bị các món đặc sản địa phương để phục vụ du khách.

Ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) được mệnh danh là “cổng trời” của Bình Định. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, rừng nguyên sinh bạt ngàn, hùng vĩ… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng ở “cổng trời” An Toàn - Ảnh 1.

Sau những dãy nhà sàn, bên những tán rừng xanh sẽ thấy sương luồn qua.

Đến "cổng trời" An Toàn, hiện ra trước mắt là những sóng lúa bậc thang tuyệt đẹp. Và, sau những dãy nhà sàn, bên những tán rừng xanh sẽ thấy sương luồn qua…

Gần 95% dân số ở An Toàn là đồng bào dân tộc Bahnar. Khoảng 3 năm trở lại đây, một số đồng bào Bahnar đã làm dịch vụ homestay, góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.

Cá niên được bắt trong các suối, sau đó nướng trên bếp than hồng là một đặc sản của An Lão; Rau dớn xào là món lạ miệng đối với nhiều du khách khi đến "cổng trời" An Toàn.

Cuối năm 2020, chị Phạm Thị Kênh (ngụ thôn 1, xã An Toàn) mở homestay với nhà sàn gỗ có hàng chục phòng ngủ, nhà tắm và vệ sinh được đầu tư bài bản phục vụ khách. Homestay phục vụ các món đặc sản địa phương như: ốc đá, cá niên, rau dớn, gà thả đồi, ngóe (một loài nhái)…

Đến "cổng trời" An Toàn, hiện ra trước mắt là những sóng lúa bậc thang tuyệt đẹp.

Với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, chị Kênh mua nhiều bộ trang phục thổ cẩm truyền thống Bahnar để du khách có nhu cầu mặc chụp hình lưu niệm. Chị còn tổ chức các đêm lửa trại uống rượu cần ở khoảnh sân rộng trước homestay, liên hệ đội cồng chiêng, múa xoang ở địa phương đến diễn tấu, giao lưu.

"Gia đình làm homestay trước hết bởi tâm nguyện góp phần thu hút du khách khắp nơi đến với An Toàn. Ngoài khám phá cảnh đẹp, du khách còn biết đến ẩm thực, phong tục, tập quán của đồng bào Bahnar", chị Kênh chia sẻ.

Từ trái qua: Homestay của đồng bào Bahnar ở An Toàn; Phụ nữ Bahnar trong điệu múa truyền thống của đồng bào mình; Du khách hòa mình cùng đồng bào Bahnar trong tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa. Nhiều ngôi nhà sàn ở "cổng trời" này được phủ kín bởi những bức bích họa mô tả hết sức đơn sơ hình ảnh đời sống quen thuộc của đồng bào Bahnar như: chòi lúa, mùa hoa sim nở, uống rượu cần, ruộng bậc thang, cảnh sinh hoạt quây quần bên bếp lửa…

Những bức bích họa này nhằm điểm tô cảnh vật vùng cao, thúc đẩy một nền nông nghiệp sạch, phát triển mô hình du lịch trải nghiệm và để tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa nổi bật của địa phương.

Trẻ em ở làng và du khách thích thú chụp ảnh bên homestay với những bức bích họa nhiều sắc màu.

Nhiều năm qua, xã An Toàn rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn thôn, làng xanh - sạch - đẹp theo nếp sống mới.

"Phát triển du lịch cộng đồng là điều kiện để thay đổi chất lượng cuộc sống, nâng cao đời sống nên bà con đồng tình hưởng ứng. Thời gian qua, nhiều hộ gia đình cũng đã tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch do Sở Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức. Thông qua lớp tập huấn, bà con đã có những kiến thức, kỹ năng cơ bản khi thực hiện các hoạt động du lịch cộng đồng".

Ông Đinh Văn Lầy - Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn

"Bà con giữ gìn vệ sinh đường làng sạch sẽ để tránh bệnh tật và du khách không còn e ngại khi đến tham quan. Bà con rất vui khi những năm qua Nhà nước có hướng phát triển du lịch cộng đồng", bà Đinh Thị Thu (ngụ thôn 1, xã An Toàn) chia sẻ.

Phát triển du lịch cộng đồng ở An Toàn dù còn nhiều việc phải làm nhưng đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Bahnar đến với đông đảo du khách.

Chủ động đổi mới cả tư duy và cách làm, người dân nơi đây đang nỗ lực từng ngày với mong muốn gắn du lịch cộng đồng với phát triển đời sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.