Phòng chống bạo lực gia đình cần đảm bảo quyền của đối tượng phụ nữ, trẻ em

PV
16/04/2022 - 15:49
Phòng chống bạo lực gia đình cần đảm bảo quyền của đối tượng phụ nữ, trẻ em

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu. Ảnh: VPQH

Thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình.

Như PNVN đã phản ánh, tại phiên họp thứ 10 vào chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Trình bày thẩm tra dự thảo Luật này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, bày tỏ tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật và cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi của dự án Luật; trong đó tập trung chủ yếu vào các quy định về các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình và Khuyến khích xã hội hóa công tác này.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo, trong quá trình sửa đổi Luật, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình, tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình; quan tâm các vấn đề về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng cũng như đặc thù vùng miền, dân tộc.

Về đối tượng áp dụng, theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc bổ sung đối tượng áp dụng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là bảo đảm phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và Hồ sơ dự án Luật cần bổ sung thuyết minh về nội dung này.

Đồng thời, để khắc phục những khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam (do sự khác biệt về văn hóa, lối sống, rào cản về ngôn ngữ), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa các quy định áp dụng cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam liên quan đến các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình mà chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc hình sự…

Về các điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, biện pháp tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 17, 18 và 19), một số nội dung tư vấn còn chưa phù hợp.

Cụ thể điểm d khoản 1 Điều 17 quy định nội dung tư vấn là "các biện pháp cai nghiện cờ bạc, game bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy, rượu, bia, ma túy và các chất gây nghiện khác" có nội hàm chưa được quy định trong các văn bản có liên quan); yêu cầu người thực hiện tư vấn "phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình" như quy định tại khoản 2 Điều 19 của dự thảo Luật khó bảo đảm, đặc biệt đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có nhiều người sinh hoạt tôn giáo…

Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, theo bà Nguyễn Thúy Anh, đây là quy định cần thiết để khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc triển khai biện pháp này.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo quan tâm về khả năng áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…; Các quy định để bảo đảm quyền chọn chỗ ở của người bị bạo lực gia đình được thực hiện; Cân nhắc giữ quy định hiện hành về chủ thể giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc, đồng thời bổ sung quy định giao Công an cấp xã hỗ trợ việc giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.

Phòng chống bạo lực gia đình cần đảm bảo quyền của đối tượng phụ nữ, trẻ em - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, thực tế cho thấy, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn tập trung gánh nặng cho ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, thiếu sự tham gia và phối hợp tích cực của cơ quan, tổ chức khác trong khi đặc thù của công tác phòng, chống bạo lực gia đình đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành.

Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình để có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội.

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều, xây dựng mới 17 điều, bỏ 3 điều; tăng 16 điều so với Luật hiện hành.

Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở của Công an cấp xã;

Đồng thời rà soát để giữ lại các quy định đang thực hiện ổn định, phù hợp với thực tế, tránh việc sửa đổi không cần thiết, chưa được đánh giá hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm